Nâng cao chất lượng sống và tăng thu nhập cho người cao tuổi

11/09/2012 11:04

Được sự tài trợ của tổ chức Atlantic Philanthropy (Hoa Kỳ), từ năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu trợ giúp NCT và Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi Quốc tế phối hợp thực hiện triển khai dự án “Thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi ở Việt Nam” (dự án VIE022), với số vốn viện trợ không hoàn lại là 4.199.847 USD trong thời hạn 53 tháng.

(Baonghean.vn) - Được sự tài trợ của tổ chức Atlantic Philanthropy (Hoa Kỳ), từ năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu trợ giúp NCT và Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi Quốc tế phối hợp thực hiện triển khai dự án “Thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi ở Việt Nam” (dự án VIE022), với số vốn viện trợ không hoàn lại là 4.199.847 USD trong thời hạn 53 tháng.

Nghệ An là một trong 4 tỉnh được hưởng thụ trực tiếp từ Dự án. Sau hơn 2 năm thực hiện, các hoạt động nâng cao năng lực, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống... đã tạo ra bước chuyển lớn trong chăm sóc người cao tuổi ở 20 xã/cộng đồng thuộc 4 huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nghi Lộc.

Là chủ nhiệm CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” số 7, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), ông Phan Tuấn Cương được xem là gương điển hình trong việc xây dựng kinh tế trang trại tổng hợp có hiệu quả, được Ban dự án đánh giá là mô hình điểm cho các thành viên trong CLB học tập. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 2010 ông Cương đã xin chính quyền xã cấp đất nông nghiệp ở vùng bạc màu ở vùng xa. Cùng với số tiền 3 triệu đồng được vay từ Dự án, ông mạnh dạn đầu tư vào trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm và đào ao thả cá. Thời gian đầu mỗi lứa lợn, gà, vịt cũng chỉ dăm chục con với 1 sào ao cá, nhưng sau gần 3 năm mở rộng quy mô, ông Cương đã có trong tay mô hình trang trại khép kín gồm 3 sào lúa, 400 con vịt đẻ, 100 con gà và 5 sào ao cá trắm, chép, trôi, mè đủ loại...; năm qua cho thu nhập trên 80 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm đầu mới thành lập trang trại.



Nhờ được hỗ trợ vay vốn từ Dự án, các thành viên CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” đã đầu tư chăn nuôi gà, bò vỗ béo... để tăng thu nhập.

Ở Câu lạc bộ số 1 xã Nam Thanh (Nam Đàn) hiện đang phát triển mô hình nuôi bồ câu, cho thu nhập ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/tháng/hộ. Điển hình như bà Bùi Thị Phương - thành viên CLB (ở xóm 10B) thuộc hộ cận nghèo, nhờ 3 triệu đồng vốn hỗ trợ của dự án cộng với vay mượn thêm anh em họ hàng đã đầu tư chuồng kiên cố nuôi chim bồ câu theo mô hình khép kín. Với 10 cặp giống ban đầu năm 2010, đến nay bà Phương đã phát triển lên 100 đôi chim câu sinh sản và chim thịt; mỗi năm cung cấp hơn 300 cặp chim giống cho các hộ nuôi trong và ngoài xã, thu lãi ròng trên 15 triệu đồng. Ngoài ra, hàng tháng bà còn tiết kiệm 50.000 đồng theo chủ trương của CLB để tạo quỹ, giúp cho các hội viên nghèo khác chưa được vay để phát triển sản xuất chăn nuôi. Từ thành công của bà Phương, số thành viên trong CLB tham gia nuôi chim câu đã tăng lên 10 hộ.

Ông Nguyễn Bá Dương - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Nam Đàn, cho biết: Từ một vài mô hình thí điểm ban đầu, đến nay toàn huyện đã thành lập được 10 CLB “Tự giúp nhau” ở 5 xã nghèo; thu hút 516 thành viên tham gia, trong đó số nghèo và cận nghèo chiếm 70% và 30%, còn lại là những thành viên có kinh nghiệm sản xuất, có sức khỏe và kiến thức để giúp đỡ các thành viên khác trong CLB cùng vươn lên. Cơ chế hoạt động CLB tập trung chủ yếu vào các nội dung nâng cao kiến thức cho các thành viên về KHKT trong sản xuất, chăn nuôi; các vấn đề về chăm sóc sức khỏe; hoạt động tình nguyện viên qua kênh tập thể và hoạt động cộng đồng; khám sức khoẻ định kỳ. Tính đến này, Hội đã nhận được nguồn vốn hỗ trợ là 750 triệu đồng, cho tổng số thành viên vay là 265 người; trong đó có 162 thành viên vay vốn nuôi trâu bò vỗ béo, 18 thành viên nuôi gà, chim bồ câu, 4 thành viên nuôi lợn nái, 4 thành viên kinh doanh nhỏ... Qua 2 năm thực hiện dự án, các thành viên đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia CLB; xem CLB là tổ ấm, nơi xây đắp tình làng nghĩa xóm, vui chơi giải trí, rèn luyện sức khoẻ, vừa đem lại đời sống tinh thần vừa cải thiện đời sống vật chất của thành viên.

Không dừng lại ở những hỗ trợ về vật chất, CLB còn đem đến cho các thành viên một đời sống tinh thần phong phú. Điểm nổi bật ở CLB này là nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ, từ đó tạo sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng, hỗ trợ chăm lo và phát huy vai trò của NCT. Vì vậy, đến với CLB, họ không chỉ được trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất, chăm sóc con cháu mà còn được sẻ chia những nỗi niềm, tâm sự về những nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống. Môi trường CLB đã giúp mọi người xích lại gần nhau, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn. CLB còn thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu giữa các CLB và giữa các thế hệ với nhau. Thông qua những hoạt động đó, đời sống tinh thần của các thành viên dược cải thiện.

Công tác chăm sóc sức khỏe được các CLB đặt lên hàng đầu. Ở Thanh Chương, Ban dự án đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện khám chữa bệnh, siêu âm miễn phí cho 1.975 thành viên CLB, trong đó NCT là 1.322, tỷ lệ thành viên được khám sức khoẻ định kỳ là 94,27%. Các đợt khám sức khỏe miễn phí đã mang lại niềm vui và lợi ích rất thiết thực cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, các CLB còn tổ chức nên các đội tình nguyện viên chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho những người cao tuổi cô đơn, tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, tại 4 huyện Dự án đã có 376 tình nguyện viên, chăm sóc cho 130 người là đối tượng già cả, cô đơn tàn tật. Điển hình như nhóm tình nguyện của CLB số 4, thuộc xóm Tân Xuân, xã Tân Thịnh (huyện Hưng Nguyên) đã có hoạt động thiết thực, ấm áp tình người bằng cách hàng tuần nấu cháo dọn dẹp nhà cửa vườn tược cho các cụ cao tuổi trong xóm...

Chính thức được triển khai từ tháng 3/2010, sau hơn 2 năm thực hiện ở Nghệ An, Dự án “Thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi” tính đến nay đã thu được những kết quả rất khả quan. Có 1.103 thành viên trong 40 Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau” ở các thôn xóm được tham gia vay vốn trong hoạt động tăng thu nhập, với 3 tỷ đồng; nguồn lãi thu về là hơn 211 triệu đồng. Ngoài ra các thành viên của CLB tự đóng góp thành lập quỹ CLB, cho vay thêm được 142 người với số tiền 393 triệu đồng. Đối với hoạt động nâng cao sức khỏe thì đã có hơn 400 buổi truyền thông tư vấn cho người cao tuổi; hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 845 thành viên từ nguồn quỹ của dự án. Để kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho các thành viên CLB, Ban quản lý Dự án các huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế, Bệnh viện huyện khám sức khoẻ, tư vấn và tuyên truyền về những bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi... Những kết quả trên đã phần nào giúp NCT cải thiện cả về đời sống vật chất và tinh thần bằng các hoạt động mang tính cộng đồng cao; đồng thời chất lượng sống cũng được cải thiện rõ nét, khẳng định được vai trò, tiếng nói của họ trong cuộc sống.

Hoạt động của Dự án đã mang lại ý nghĩa to lớn cho những người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng; góp phần khơi dậy trong mỗi con người khát vọng được tiếp tục cống hiến, sống có ý nghĩa cho gia đình, cho xã hội và cho chính bản thân mình có thêm những niềm vui trong cuộc sống.


Ngọc Anh

Mới nhất

x
Nâng cao chất lượng sống và tăng thu nhập cho người cao tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO