Nâng cao chất lượng tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế

03/09/2015 16:11

(Baonghean) - Từ một nước nông nghiệp (NN) lạc hậu, sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp; sản xuất phát triển, đời sống kinh tế và phúc lợi xã hội của nhân dân được nâng cao. Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Đóng góp vào những thành công đó có phần không nhỏ của kinh tế nông nghiệp (KTNN), và đó cũng là nội dung từ cuộc trao đổi của Nghệ An Cuối tuần với TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW. Trân trọng chuyển tải giới thiệu với bạn đọc.

Trong những lúc nền kinh tế gặp khó khăn (nhất là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và các cú sốc từ bên ngoài) thì NN trở thành bệ đỡ mặc dù chính ngành NN cũng chịu nhiều ảnh hưởng của những biến động thị trường và những diễn biến bất lợi của thời tiết và thiên tai. NN phát triển đã bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm tiêu dùng trong nước, và hàng nông sản XK chiếm vị trí cao trong thị trường thế giới.

Tăng trưởng NN đang chậm lại

Trong những năm qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng đẩy mạnh CNH nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành NN theo hướng phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng và hiệu quả, gắn với phát triển bền vững được coi là định hướng chủ đạo trong chương trình tái cơ cấu NN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, NN Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt, tăng trưởng của ngành đang chậm lại và thu nhập của người dân nông thôn chậm được cải thiện. Điều đó làm nổi lên câu hỏi: liệu đầu tư cho nông thôn đã xứng tầm chưa và nhất là đã đặt đúng vị trí của người nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH đất nước hay chưa?

Tăng trưởng của ngành NN đang chậm lại, dù ổn định hơn so với các ngành kinh tế khác. Điều này cho thấy sản xuất NN đã dần tới hạn nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng mà không có sự thay đổi về chất. Năng suất lao động NN của Việt Nam thấp xa so với năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế và thấp nhất so với năng suất lao động trong các ngành của nền kinh tế quốc dân, bị tụt lại phía sau. Mặc dầu trong thời gian qua, năng suất cây trồng, vật nuôi tại Việt Nam đã từng bước được nâng cao, thậm chí nhiều hàng nông sản của Việt Nam đã có vị trí XK cao trên thị trường thế giới. Tuy nhiên do chủ yếu hàng nông sản của Việt Nam sản xuất ra mới ở dạng nguyên liệu thô hoặc mới qua sơ chế nên mang lại giá trị gia tăng thấp. Đây là điều rất đáng suy nghĩ trong tái cơ cấu ngành NN.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động NN của Việt Nam thấp. Ngoài các nguyên nhân khách quan như do ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết khí hậu, diễn biến thất thường của giá cả hàng nông sản thì nguyên nhân chủ quan cũng rất quan trọng. Đó là sản xuất còn chạy theo khối lượng, chưa nâng cao được giá trị sản phẩm, giá trị gia tăng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát huy được lợi thế quy mô lớn cho sản xuất nông sản hàng hóa và nhất là lao động NN còn nhiều, việc rút lao động khỏi NN còn chậm và gặp nhiều cản trở. Bên cạnh đó, chất lượng lao động NN còn nhiều hạn chế, khi tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo năm 2013 ở khu vực nông thôn chỉ đạt 11,2% so với 33,7% ở khu vực đô thị. Hầu hết lao động nông thôn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm 88,5%).

Thu hoạch lúa ở Nam Giang (Nam Đàn). Ảnh: Phan Văn Toàn
Thu hoạch lúa ở Nam Giang (Nam Đàn). Ảnh: Phan Văn Toàn

Đầu tư cho NN, nông thôn chưa xứng tầm

Bên cạnh các nguyên nhân trên, theo tôi, còn có nguyên nhân cơ bản là quy mô sản xuất NN nhỏ bé, đã và đang hạn chế ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất NN cũng như khai thác lợi thế theo quy mô. Đầu tư cho NN, nông thôn chưa xứng tầm. Trong thời gian qua, đặc biệt từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW về NN, nông dân, nông thôn, với sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị vì sự nghiệp phát triển NN, nông thôn, hệ thống các cơ quan QLNN và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, đề ra nhiều biện pháp thiết thực nhằm huy động nguồn lực phục vụ phát triển NN, nông thôn. Mặc dầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng về số lượng nhưng có sự thay đổi mạnh về tốc độ cũng như cơ cấu vốn đầu tư.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2004 - 2008, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng bình quân trên 20%/năm; bằng 42,16% GDP, trong đó vốn đầu tư khu vực nhà nước bao gồm NSNN, vốn ODA, vốn DNNN chiếm tỷ trọng 42% tổng vốn đầu tư xã hội, từ khu vực ngoài nhà nước bao gồm DN, tư nhân chiếm 36,6%, từ khu vực nước ngoài FDI là 21,2%. Trong giai đoạn từ 2009-2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm nhưng so với GDP chỉ bằng khoảng 35,28%. Trong đó vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm 34% tổng vốn đầu tư xã hội, vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm 45%, và từ khu vực FDI chiếm 21,2%. Như vậy, thay đổi cơ cấu tổng vốn đầu tư xã hội đang diễn ra theo giảm tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân trong nước; khu vực FDI vẫn giữ vững được tỷ lệ đóng góp trong cơ cấu vốn đầu tư.

Tại khu vực NN, nông thôn, đầu tư cho NN, lâm nghiệp, thủy sản, trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng đều theo các năm (tương ứng trong giai đoạn 2004-2008 là 17%/năm, giai đoạn 2009-2013 là 5,8%/năm). Mặc dầu về số lượng vốn đầu tư cho sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2009-2013 tăng 67% so với 5 năm 2004-2008, nhưng tỷ trọng đầu tư cho NN, lâm nghiệp, thủy sản lại giảm dần. Đầu tư cho NN, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,5% vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2003, năm 2013 giảm xuống còn 5,3%. Đặc biệt trong những năm gần đây khi thực hiện chủ trương tăng các nguồn vốn từ NSNN đầu tư cho phát triển NN, nông thôn, nguồn vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ luôn được Quốc hội, Chính phủ ưu tiên phân bổ cho các nhiệm vụ phát triển NN, nông thôn. Nhờ vậy, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho khu vực nông thôn tăng liên tục trong những năm qua. Theo Bộ Kế hoạch và Đầư tư, trong giai đoạn 2009-2013 (từ khi thực hiện Nghị quyết 26/TW đến nay), nguồn vốn từ NSNN đầu tư cho lĩnh vực NN, nông thôn là 520,5 nghìn tỷ đồng, bằng 51,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ, gấp 2,62 lần số vốn đã bố trí cho lĩnh vực giai đoạn 5 năm trước khi có Nghị quyết.

Mô hình tổ chức sản xuất chưa phù hợp và chậm đổi mới

Ở một góc độ khác, có thể thấy, tại nước ta hiện nay, hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ vẫn là đơn vị SX-KD chủ lực ở nông thôn. Hiện nay với trên 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ đang canh tác sản xuất NN nhưng giữa các hộ lại rất thiếu sự liên kết hợp tác với nhau. Vì vậy, mức độ áp dụng cơ giới hóa, cải tiến công nghệ, thay đổi kỹ năng trình độ quản lý và tự chuyển đổi cơ cấu rất giới hạn. Kinh tế hợp tác phát triển rất chậm, chưa đóng vai trò mong đợi trong hỗ trợ hoạt động sản xuất của nông hộ. Các hoạt động của HTX còn rất nghèo nàn, chủ yếu là dịch vụ các yếu tố đầu vào ít có tính cạnh tranh cho sản xuất NN của các hộ gia đình. Kinh tế trang trại phát triển rất chậm và chiếm một tỷ lệ không đáng kể trong hoạt động sản xuất NN cũng như kinh tế nông thôn.

Nhìn chung, mức độ trang bị cơ giới và áp dụng khoa học công nghệ của các trang trại này cũng rất yếu kém. Khả năng liên kết với thị trường hạn chế, khả năng cạnh tranh kém. DNNN trong NN (mà chủ yếu là các mô hình chuyển đổi từ các nông lâm trường quốc doanh trước đây) có công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý thấp, tay nghề lao động yếu, khả năng cạnh tranh yếu nhưng lại chậm đổi mới dẫn đến làm ăn thua lỗ và quản lý tài nguyên lỏng lẻo. Hiệp hội ngành hàng đã thành lập trong một số ngành nhưng chưa gắn kết giữa người sản xuất với người kinh doanh, chưa kết nối theo chuỗi ngành hàng, chưa bảo vệ quyền lợi người sản xuất.

Phải đổi mới mô hình tổ chức quản lý sản xuất

Trước những thay đổi cả môi trường bên trong và bên ngoài như vậy, sự đòi hỏi phải đổi mới mô hình tổ chức quản lý sản xuất trong NN là tất yếu. Chỉ có như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo tôi, những giải pháp đẩy mạnh CNH nông nghiệp thời gian tới phải là: hoàn thiện thể chế phát triển NN, nông thôn; giải phóng và phát huy cao các nguồn lực cho phát triển NN, nông thôn; xây dựng nền NN hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, rút bớt lao động khỏi khu vực NN, nông thôn; tăng cường đầu tư và trợ giúp kỹ thuật, công nghệ cho các tiểu ngành có giá trị gia tăng cao trong NN để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nội bộ ngành NN Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu của một nền NN hiện đại và hiệu quả; đẩy mạnh tích tụ và tập trung ruộng đất cho sản xuất NN hàng hóa; tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; xây dựng và củng cố các ngành hàng sản phẩm NN mũi nhọn có khả năng cạnh tranh.

Trong đó, điều đáng lưu ý là cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư vào NN, nông thôn trong khuôn khổ phù hợp với các quy định của WTO, TPP và các hiệp định khác mà Việt Nam đã cam kết. Nhà nước cần chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện. Do lĩnh vực sản xuất NN là lĩnh vực nhiều rủi ro, nên ngoài các chính sách tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư cho NN, nông dân, nông thôn; thu hút cả vốn ODA và FDI, trước hết là đầu tư vào sản xuất…

Sông Hồng

Mới nhất

x
Nâng cao chất lượng tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO