Nâng cao đời sống cho nhân dân các huyện nghèo
Theo Đề án tổng thể giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009- 2020 của các huyện được hưởng lợi từ Nghị quyết 30a/CP, tổng nhu cầu nguồn vốn dự kiến của 3 huyện lên tới 13.588,7 tỷ đồng, trong đó huyện Kỳ Sơn 5.182,9 tỷ; huyện Tương Dương 4.690,9 tỷ; huyện Quế Phong 3.715,0 tỷ. Trong hai năm (2009- 2010), tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 3 huyện là 832.257 triệu đồng (bao gồm ngân sách Nhà nước hỗ trợ 246.097 triệu; vốn vay Ngân hàng Chính sách- Xã hội 500.000 triệu; hỗ trợ của UBMTTQ 500 triệu; hỗ trợ của các doanh nghiệp 85.660 triệu). Từ nguồn vốn huy động được, Ban chỉ đạo các cấp bố trí thực hiện việc hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (197.300 triệu đồng); hỗ trợ các chính sách sự nghiệp (48.550 triệu đồng); hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo (133.107 triệu đồng) và đầu tư bổ sung cho các xã khu vực II ngoài Chương trình 135/CP (900 triệu đồng).
Trước hết, với chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, tổng nhu cầu về nhà ở cần được hỗ trợ trên địa bàn 3 huyện là 7.355 nhà, trong đó huyện Kỳ Sơn 2.328 nhà, huyện Tương Dương 2.112 nhà, huyện Quế Phong 2.915 nhà. Sau 2 năm thực hiện, tổng số nhà ở được xây dựng để hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn 3 huyện là 6.948/7.355, đạt tỷ lệ trên 94,5% nhu cầu về nhà ở.
Trong 2 năm (2009- 2010), mỗi huyện được đầu tư 45 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng số 35 công trình đã được các huyện triển khai xây dựng (trong đó Kỳ Sơn 13 công trình, Tương Dương 8 công trình, Quế Phong 14 công trình), bao gồm hệ thống đường giao thông và cầu cống, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trạm y tế xã, trường học...
Nghị quyết 30a/CP góp phần thay đổi bộ mặt các bản làng ở Kỳ Sơn.
Thực hiện Quyết định 70/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên môn kỹ thuật cho các huyện nghèo, 3 huyện thu hút được 162 trí thức trẻ về công tác tại các xã (trong đó Kỳ Sơn 48 người, Tương Dương 55 người, Quế Phong 59 người).
Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp, các huyện đã bố trí tổng nguồn vốn 34,588 tỷ đồng để hỗ trợ mua giống gia súc, tiêm vắc- xin phòng bệnh, làm chuồng trại, khai hoang- phục hóa đất sản xuất, bảo vệ rừng. Đồng thời, các huyện chi số tiền 12.596,7 triệu đồng để mua và cấp gần 1.000 tấn gạo hỗ trợ cho 2.694 hộ (15.043 nhân khẩu) ở khu vực giáp biên giới bị thiếu đói, chưa tự túc được lương thực trong thời kỳ giáp hạt.
Triển khai chính sách dạy nghề và xuất khẩu lao động, 2 năm qua các huyện tổ chức được cho trên 1.200 người tham gia học nghề tại các Trung tâm dạy nghề của huyện, trong đó, trên 60% số lao động thuộc diện hộ nghèo. Ngoài ra, có trên 250 lao động của 3 huyện được tạo điều kiện xuất khẩu lao động theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Chính sách- Xã hội triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn 3 huyện nghèo với mức doanh số cho vay 500.000 triệu đồng cho 49.095 lượt khách hàng, đến nay, tổng dư nợ 620.518 triệu đồng.
Theo sự phân công của Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 3 huyện nghèo của Nghệ An nhận được sự hỗ trợ của 8 tổng công ty, doanh nghiệp với tổng số tiền cam kết là 85. 660 triệu đồng. Hiện các đơn vị đã chuyển 43.460 triệu đồng cho các huyện, trong đó, Kỳ Sơn 27.400 triệu đồng, Tương Dương 12.700 triệu đồng, Quế Phong 3.360 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này, huyện Tương Dương triển khai thi công 01 cầu treo, 3 trường THCS Nội trú, 5 trạm y tế xã; huyện Kỳ Sơn hỗ trợ xây dựng 1.338 nhà ở cho hộ nghèo (14,8 triệu đồng/hộ), xây dựng 3 trường THCS Nội trú, 2 trạm y tế xã và xây dựng chợ Thị trấn Mường Xén; huyện Quế Phong hỗ trợ xây dựng 672 nhà ở cho hộ nghèo (5 triệu đồng/hộ). Ngoài ra, các đơn vị còn hỗ trợ máy tính cho các trường học, xây dựng nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sỹ và nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
Có thể khẳng định, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 30a/CP, bước đầu tốc độ giảm nghèo của các huyện nghèo được đẩy mạnh; bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%/năm (trước đây chỉ từ 2,5- 3%/năm). Cơ bản đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo. Kết cấu hạ tầng nông thôn và các điều kiện về sản xuất, sinh hoạt của nhân dân có sự chuyển biến tích cực, đời sống từng bước được nâng lên. Tuy vậy, một số cơ sở chưa chú trọng công tác tuyên truyền dẫn đến kết quả thực hiện ít nhiều còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện vẫn còn ở mức cao, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40% vào cuối năm 2010 không đạt. Nguyên nhân do thiếu các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành, khó khăn về quỹ đất và quỹ rừng, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ xã, thôn, bản còn yếu... Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.
Mục tiêu từ nay đến năm 2015, Ban chỉ đạo cấp tỉnh quyết tâm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người dân thuộc 3 huyện nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phù hợp với đặc điểm từng huyện để phát huy lợi thế, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ và vừa. Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống mức dưới 65%, trên 35% lao động nông thôn được qua đào tạo, tập huấn.
Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân các địa phương, cải tiến phương pháp hoạt động và điều hành của các cấp chính quyền, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt các nhóm chính sách để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Tổ chức tốt công tác luân chuyển, tăng cường đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ về các xã và tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, kịp thời điều chỉnh và có giải pháp khắc phục, xử lý những vướng mắc, sai lệch và sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện...
Công Kiên