Nâng cao giá trị xuất khẩu

04/03/2014 11:24

(Baonghean) - Với lợi thế về vùng nguyên liệu chè, sắn rộng lớn, cùng với đó là công nghệ chế biến khá đồng bộ, doanh nghiệp ở tỉnh ta đã tạo nên được những sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao như: chè đen CTC, chè đen Orthodox, chè xanh và tinh bột sắn… Nhờ tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, 2 loại sản phẩm này trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh, góp phần quan trọng trong tăng kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An.

Đặc trưng chè xuất khẩu của Nghệ An là to cánh, có vị chát lẫn đắng nhẹ, uống lâu sẽ có vị ngọt và rất được nước… Vì sự đặc trưng nên chè Nghệ An rất hợp “gu” với khách hàng nghiền chè tại các nước Pakistan, Ai Cập, Afghanistan, Co-oét, Iran, Kenia, Trung Quốc… Đây là những thị trường truyền thống có hàng chục năm tiêu thụ sản phẩm chè Nghệ An và hàng năm đều xuất khẩu với số lượng chè rất lớn. Chè Nghệ An cũng nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng ở những thị trường khó tính như: Mỹ, Anh, Hà Lan, Đức, CH Séc, Đài Loan, Nhật Bản… Bởi vậy, các loại chè đen CTC, chè xanh xuất khẩu mang thương hiệu Nghệ An ngày càng có thêm những hợp đồng lớn.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương.  Ảnh: Trường Sinh
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương. Ảnh: Trường Sinh

Trên địa bàn tỉnh ta, hiện có khoảng 7.000 ha chè và tập trung tại huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông… Với diện tích như vậy, doanh nghiệp chủ động ký kết được những hợp đồng xuất khẩu với khối lượng lớn. Trong nhiều năm qua, tiên phong trong việc sản xuất, chế biến chè chất lượng cao vừa xuất khẩu là Công ty TNHH 1TV Đầu tư - phát triển chè Nghệ An. Hiện nay, doanh nghiệp này có vùng nguyên liệu chè nội vùng rộng đến 2.871 ha (tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông…) , đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương phát triển thêm 1.630 ha chè ngoại vùng. Thời gian qua, để tăng nhanh sản lượng chè nguyên liệu, doanh nghiệp đã đầu tư các giống mới vào sản xuất và điển hình là giống LPP.2 rất phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Nghệ An, qua thu hoạch năng suất đạt từ 12- 15 tấn/ ha, tại các vùng chè đầu tư thâm canh đúng kỹ thuật năng suất đạt 20 – 25 tấn/ha.

Ông Hồ Viết An – Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1TV Đầu tư - phát triển chè Nghệ An cho biết: “Cùng với lợi thế về vùng nguyên liệu rộng lớn để chủ động sản xuất, doanh nghiệp còn tạo ra sự nổi trội về công nghệ, thiết bị chế biến chè xuất khẩu nhờ thường xuyên đầu tư thay đổi, nâng cấp công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Vì vậy, thời gian qua thị trường xuất khẩu chè gặp khó khăn, nhưng đơn vị vẫn duy trì được các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường truyền thống, đặc biệt là mở rộng được sang thị trường mới và được khách hàng đón nhận rất tích cực”.

Công ty TNHH 1TV Đầu tư - phát triển chè Nghệ An hiện có 8 dây chuyền chế biến chè xanh với công suất 72 tấn chè búp/ngày và 5 dây chuyền chế biến chè CTC (chè đen) công suất 80 tấn chè búp/ngày. Công ty đạt tổng công suất chế biến 152 tấn chè búp/ngày và ngày cao điểm có thể chế biến đạt gần 200 tấn. Thời gian tới, công ty đầu tư lắp đặt thêm dây chuyền chế biến chè xanh công nghệ bom lăn. Với sự đầu tư đồng bộ về sản xuất, chế biến và tiêu thụ, sản phẩm chè của doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, đã xuất khẩu hơn 6.000 tấn chè và tổng doanh thu đạt 120 tỷ đồng. 2 tháng đầu năm 2014, công ty đạt sản lượng 2.000 tấn chè búp tươi, chế biến 450 tấn chè kho và đã xuất khẩu 650 tấn chè búp khô, đạt giá trị gần 840.000 USD.

Cùng tham gia vào công tác đầu tư chế biến chè còn có một số đơn vị là doanh nghiệp Trường Thịnh (Thanh Chương) và các lò chế biến chè mini tại Thanh Chương, Anh Sơn. Nhờ vậy đã góp phần nâng sản lượng chế biến chè của Nghệ An trong 2 tháng đầu năm 2014 là hơn 1.670 tấn, trong đó xuất khẩu hơn 745 tấn.

Đối với mặt hàng tinh bột sắn, hiện tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu sắn phục vụ cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Thanh Chương và Yên Thành với 4.000ha tại các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Đô Lương, Yên Thành. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn, nên bà con nông dân trong vùng quy hoạch đã trồng vượt quá cả ngàn ha. Nguyên liệu sắn vì vậy thỏa mãn nhu cầu về nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu lớn, chủ yếu đi thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhu cầu về tinh bột sắn để xuất khẩu cùng với phục vụ chăn nuôi và sản xuất cồn (tiến tới phục vụ sản xuất xăng E5) tăng cao nên đòi hỏi về sắn nguyên liệu rất cao.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương (công suất chế biến 100 tấn sắn tươi/ngày) và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành (công suất chế biến 100 tấn sắn tươi/ngày) đang hoạt động hết công suất và vào thời điểm giá bán tinh bột sắn cao, còn tăng công suất hoạt động nhằm bảo đảm tiêu thụ sắn tươi cho các địa phương trong tỉnh. Các nhà máy này được đầu tư dây chuyền chế biến tiên tiến, khép kín từ khâu đưa nguyên liệu, đến tẩy rửa, sát lọc, sấy khô, đóng bao đều được tự động hóa.

Ông Trần Quốc Hoàn – Giám đốc Chi nhánh INTIMEX Nghệ An cho hay: “Nhờ có vùng nguyên liệu rộng lớn và công nghệ chế biến tinh bột sắn hiện đại, nên doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Năm 2013, công ty sản xuất 29.000 tấn sản phẩm và xuất khẩu hơn 20.000 tấn, đạt hơn 8 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2014, doanh nghiệp tập trung sản xuất để đáp ứng thị trường xuất khẩu, nên đã đạt sản lượng 8.000 tấn và xuất khẩu 6.000 tấn, giá trị đạt gần 2,5 triệu USD”. Tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành cũng đang đẩy mạnh sản xuất, góp phần quan trọng tăng cao sản lượng mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu. Được biết, trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn đạt sản lượng 13.000 tấn và đã xuất khẩu 14.733 tấn tinh bột sắn.

Tổng Công ty nông sản XNK Nghệ An cũng là một trong những doanh nghiệp tích cực xuất khẩu tinh bột sắn. Mặc dù không có nhà máy chế biến, nhưng doanh nghiệp đã vào tận Tây Ninh để thu mua sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Năm 2013, Tổng Công ty nông sản XNK Nghệ An giá trị xuất khẩu tinh bột sắn đạt 12 triệu USD (chiếm 1/3 tổng doạnh thu) và từ đầu năm 2014 đến giá trị xuất khẩu tinh bột sắn là hơn 500 nghìn USD, dự kiến trong năm 2014 này sẽ phấn đấu đạt khoảng 14 triệu USD. Ông Trần Anh Sơn – Tổng Giám đốc Tổng Công ty nông sản XNK Nghệ An cho rằng công ty của ông có rất nhiều lợi thế về xuất khẩu tinh bột sắn nên rất muốn được đầu tư để xây dựng nhà máy và vùng nguyên liệu để có thể chủ động được trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Được biết, trên địa bàn tỉnh ta có nhiều doanh nghiệp lên các tỉnh Tây Nguyên, vào Tây Ninh và sang Lào để mua nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu tinh bột sắn. Riêng địa bàn tỉnh Tây Ninh có khoảng 6 doanh nghiệp của tỉnh ta thu mua nguyên liệu xuất khẩu tinh bột sắn.

Chè, tinh bột sắn là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Nghệ An. Để nâng cao được thương hiệu, giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh tay hơn nữa vào công nghệ thiết bị và mẫu mã để sản phẩm không còn sản phẩm xuất thô, xuất qua trung gian.

Vĩnh Hoàng

Mới nhất
x
Nâng cao giá trị xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO