Nâng cao hiệu quả hoạt động Thừa phát lại
(Baonghean.vn) - Sáng 27/6, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Nghệ An về công tác thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Đồng chí Thái Văn Hằng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Nghệ An là một trong 13 tỉnh, thành phố được Bộ trưởng Bộ Tư pháp chọn mở rộng địa bàn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Trên cơ sở nhiệm vụ Bộ Tư Pháp giao, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án “thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tại Nghệ An” trình Bộ Tư pháp phê duyệt. Theo kế hoạch thí điểm, Nghệ An được thành lập 03 văn phòng Thừa phát lại. Các văn phòng này có vai trò tích cực hỗ trợ cho cơ quan thi hành án ở địa phương giảm tải áp lực; giải quyết hiệu quả án tồn đọng và hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho ngành tòa án; nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật.
Hiện tỉnh đã thành lập 01 văn phòng Thừa phát lại đóng tại thành phố Vinh. Sau hơn 3 tháng hoạt động, văn phòng đã lập được 14 vi bằng, xác minh điều iện Thi hành án 2 vụ, tổ chức thi hành án xong 1 vụ. Tuy nhiên, do đây là một lĩnh vực còn mới, lần đầu được triển khai thí điểm nên hiểu biết của người dân và các cấp, ngành chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chế định Thừa phát lại chưa cao, một số cấp ủy, ngành chưa nhận thức đợc vai trò, trách nhiệm của mình nên chưa có mối quan hệ phối hợp trong tổ chức thực hiện. Hiện nguồn đào tạo Thừa phát lại còn thiếu, dân số đông, lượng án nhiều nên đã dẫn đến những khó khăn cho hoạt động Thừa phát lại.
Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về thí điểm chế định Thừa phát lại đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được |
Tại cuộc họp, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động và tính đồng nhất cao của cấc cấp, ngành đối với hoạt động này. Tuy nhiên, nhận thức của một số cán bộ, ban ngành chưa cao. Đây đang là mô hình thí điểm nên những vướng mắc, khó khăn ở địa phương sẽ được tổng hợp để có sự điều chỉnh phù hợp trước khi trình ra Quốc hội quyết định nên dừng hay triển khai tiếp.
Đồng chí Thái Văn Hằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thái Văn Hằng nhấn mạnh: đây là lĩnh vực mới, lần đầu tiên triển khai, cần phải tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cán bộ và nhân dân trên địa bàn về chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại của Đảng và nhà nước. Đồng chí yêu cầu các ngành cần quan tâm hơn theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc triển khai thực hiện và hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại, đồng thời tăng cường công tác phối kết hợp, quản lý nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị, Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ để đào tạo nguồn Thừa phát lại; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn địa phương trong quá trình thực hiện thí điểm Thừa phát lại./.
Phạm Bằng