Nâng cao hiệu quả hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới
(Baonghean.vn) UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 2573/QĐ-UBND về việc "Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giớitỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015". PV Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Bùi Nguyên Lân- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban thường trực Ban VSTBPN tỉnh xung quanh vấn đề này.
P.V: Những năm qua, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và công tác bình đẳng giới đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và thu được những kết quả đáng mừng. Ông có thể đánh giá một cách khái quát về vấn đề này?
Ông Bùi Nguyên Lân: Nhìn lại 10 năm qua, Nghệ An đã thực sự tạo được những chuyển biến tích cực cả nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như toàn xã hội về hoạt động VSTBPN và công tác bình đẳng giới. Vai trò vị thế của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được khẳng định. Bình đẳng của phụ nữ trong lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ từng bước được cải thiện. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 3,1 - 3,3 vạn lao động, trong đó lao động nữ 56% (đạt chỉ tiêu KH đề ra). Tăng tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo lên 35%, trong đó đào tạo nghề là 25%. Tỷ lệ phụ nữ độ tuổi dưới 40 biết chữ đến năm 2010 là 99,3% (vượt 9,3% so với KH đề ra).
Đến nay, toàn tỉnh có 1.182 nữ có trình độ trên đại học; 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành và địa phương được bồi dưỡng nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp so với nhiệm kỳ trước tăng 3,07%. Tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu HĐND 3 cấp: Cấp xã tăng 2,13% so với nhiệm kỳ trước; cấp huyện tăng 2,5% so với nhiệm kỳ trước.
PV: Xin ông cho biết một số mục tiêu cơ bản trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015?
Ông Bùi Nguyên Lân: Mục tiêu bao trùm của kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tiếp theo là tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từng bước thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, trong gia đình và xã hội.
Trên cơ sở đó, xác định một số mục tiêu trọng tâm, cơ bản: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; hạn chế tối đa bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hóa thông tin, đời sống gia đình; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2016- 2020 đạt từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 30% trở lên; phấn đấu đến năm 2015 có 80% các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 40%, tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 50%...
PV: Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban VSTB Phụ nữtỉnh đã đưa ra các giải pháp nào thưa ông?
Ông Bùi Nguyên Lân: Để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu trên đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng xã hội. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đối với hoạt động VSTBPN và công tác bình đẳng giới.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Ban VSTBPN từ tỉnh đến cơ sở, hoàn thiện các chính sách, chương trình, đề án về bình đẳng giới. Cụ thể: chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quy hoạch cán bộ nữ; tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm và các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh và các địa phương; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích trẻ em gái và phụ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ, trong đó tập trung ưu tiên đối với trẻ em gái, phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình các câu lạc bộ dâu hiền, rể thảo, gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực...
Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án cho các hoạt động VSTBPN và công tác bình đẳng giới, nhất là vùng có bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ cao về bất bình đẳng giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn...
Thanh Phúc