Nâng cao hiệu quả kinh tế cây công nghiệp

10/07/2014 15:15

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có tiềm năng dồi dào về phát triển cây công nghiệp, với đủ các loại sản phẩm đa dạng như mía, dứa, chè, cao su… Hiện nguồn nguyên liệu sản xuất ra đã cơ bản được đáp ứng trong chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Tuy nhiên, về lâu dài, khi có thêm nhiều diện tích được đưa vào khai thác mới, tỉnh và các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, xây dựng thêm hoặc nâng cao công suất các nhà máy, cơ sở chế biến hiện có.

Thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ

So với thời kỳ “hoàng kim”, hiện nay diện tích dứa trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều, từ trên 3.000 ha còn 800 ha. Tuy nhiên, dù diện tích đã giảm, nhưng trong vấn đề chế biến, bảo quản và tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Những ngày này về các xã Tân Thắng, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu)… đang rộ mùa thu hoạch dứa, bà con thu hoạch cả dứa cỏ và dứa cayen nhưng hầu như là thu hoạch dứa xanh để bán. Ông Nguyễn Văn Sâm (xóm 2B - xã Quỳnh Châu) cho biết: Gia đình trồng 7 sào dứa, năng suất bình quân từ 3,5 - 4 tấn/sào, nhưng do nhà máy hạn chế thu mua nên chúng tôi đã phải bán dứa xanh với giá rẻ, vì để dứa chín mà không bán được sẽ thối mất. Từ đầu tháng đến nay trên địa bàn mưa nhiều nên dứa bị thối khá nhiều, ước tính mỗi sào bị thối khoảng từ 150 - 200 kg dứa, gây thiệt hại không nhỏ. Không những người trồng, mà cả người buôn bán dứa cũng gặp khó khăn. Chị Trần Thị Minh (xã Quỳnh Tam) chia sẻ: Đợt vừa rồi mua khoảng 300 kg dứa chín, dựng quán bán dọc đường nhưng bán không kịp nên cũng bị thối mất 50 kg.

Theo phản ánh của người trồng dứa, trước đây cán bộ kỹ thuật nhà máy chế biến dứa thường xuyên hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc để kéo dài thời gian dứa chín, nay bà con tự mày mò nên hầu như không biết cách bảo quản. Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 600 ha dứa đang vào rộ vụ thu hoạch, đối mặt với tình trạng bán không kịp dứa sẽ bị thối và hư hỏng, cần có biện pháp để bảo quản sau thu hoạch. Theo quy chuẩn bảo quản dứa, thu hoạch xong, phân loại sơ bộ, chọn quả lành lặn đưa vào kho mát có nhiệt độ 10-12oC đối với dứa còn xanh, 7-8oC đối với dứa bắt đầu chín, ẩm độ trong kho 85 - 90% có thể bảo quản được 2 - 3 tuần. Tuy nhiên, đối với địa bàn tỉnh ta do nhà máy dứa hạn chế thu mua nên hầu hết bà con phải tự lo đầu ra và tự bảo quản sản phẩm.

Nhìn chung, các sản phẩm cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh như cà phê, chè, mía, chanh leo và dứa đều cơ bản đã được đáp ứng về vấn đề chế biến. Toàn tỉnh có trên 5.000 ha chè kinh doanh, sản phẩm được tiêu thụ bởi các xí nghiệp và lò chế biến mini. Cao su hiện có trên 3.000 ha đã đưa vào khai thác, hầu hết thuộc diện tích của các Công ty TNHH một thành viên Sông Hiếu, Xuân Thành… đều đã có các cơ sở chế biến riêng, chủ động giải quyết nguồn nguyên liệu. Tương tự, sản phẩm của các loại cây trồng khác như dứa, chanh leo… hiện đã được đưa vào bảo quản và chế biến. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Chăm sóc cao su nguyên liệu tại xã Thanh Đức (Thanh Chương).
Trồng cao su nguyên liệu tại xã Thanh Đức (Thanh Chương).

Trừ cao su và một phần của cây chè, còn lại hầu hết các loại cây công nghiệp khác hiện nay, cơ sở chế biến chưa hoàn toàn gắn với vùng nguyên liệu mà vùng nguyên liệu riêng, cơ sở chế biến riêng, thuộc những chủ sở hữu khác nhau. Mối liên kết tiêu thụ trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, còn xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, ép giá; khi thì nông dân vùng nguyên liệu không chịu bán cho doanh nghiệp, bán ra ngoài để lấy ‘tiền tươi” hoặc giá cao hơn, khi thì doanh nghiệp không thu mua hết cho dân vào rộ mùa thu hoạch. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm do chất lượng nguyên liệu chưa được người dân thực sự quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Trị - Giám đốc Xí nghiệp chè Ngọc Lâm - Thanh Chương cho biết: Xí nghiệp có vùng nguyên liệu trên 300 ha chè ở các xã Thanh An và Thanh Thủy. Tuy nhiên, dù đã ký kết hợp đồng, nhưng rất nhiều trường hợp người dân không tuân thủ, bán ra ngoài với mức giá cao hơn. Chính vì vậy, có thời điểm, do thiếu nguyên liệu nên xí nghiệp phải chấp nhận mua chè được thu hái không đúng quy chuẩn, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. “Việc khai thác quá mức, chạy theo sản phẩm và lợi nhuận trước mắt như vậy, ngoài hậu quả là một số diện tích chè đã bị chết hoặc không phát triển được, việc khai thác triệt để vườn chè kém bền vững, thì nguy hiểm hơn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu chè Nghệ An”- ông Trị lo lắng. Bên cạnh đó, có thể thấy, các dây chuyền chế biến sản phẩm cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, công nghệ lạc hậu nên chất lượng sản phẩm không cao, giá xuất khẩu thấp. Đó được coi là một cái vòng luẩn quẩn khi giá sản phẩm thấp, doanh nghiệp buộc phải mua nguyên liệu với giá thấp, dẫn đến nông dân không quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu…

Giải pháp nâng hiệu quả cây công nghiệp

Để nâng cao hiệu quả cây công nghiệp, giải pháp đầu tiên là phải tiếp tục rà soát lại quy hoạch, gắn chặt quy hoạch nguyên liệu với cơ sở chế biến, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu mà lại xây dựng các cơ sở chế biến, làm xảy ra tình trạng đói nguyên liệu thì tranh mua và ngược lại, nhất là đối với sản phẩm chè. Hiện nay, với các loại cây như mía đường, cao su đã xây dựng được nhà máy gắn với vùng nguyên liệu, nhưng với cây chè thì vẫn còn tình trạng lộn xộn. Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành cần tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm kém, tranh chấp vùng nguyên liệu.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phải giải quyết tốt khâu liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Những doanh nghiệp đã được tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu do nông dân sản xuất, có cơ sở, nhà máy chế biến thì phải triển khai ký kết hợp đồng với người sản xuất theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Quyết định 62 (thay thế QĐ 80) của Thủ tướng Chính phủ. Đây được coi là khâu then chốt nhất để gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp và nông dân phải chung thủy với nhau, khi giá cả dao động phải có sự bàn bạc, thỏa thuận hợp lý, hai bên cùng có lợi, đồng thời chung thủy với loại cây trồng đã được quy hoạch, tránh tình trạng chặt phá tùy tiện khi không hiệu quả ở những thời điểm nhất định.

Các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục cải tạo, nâng cấp, ứng dụng các tiến bộ KHCN, tiến tới có những nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm “tinh” hơn, sử dụng ít nguyên liệu nhưng giá bán sản phẩm cao hơn, hiệu quả thu về lớn hơn. Ông Nguyễn Văn Trị - Giám đốc Xí nghiệp chè Ngọc Lâm cho biết thêm: Ngoài dây chuyền sản xuất chè đen CTC, mới đây, đơn vị cũng đã dầu tư 5 tỷ đồng nhập về một dây chuyền sản xuất chè xanh với công nghệ hiện đại, sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đó là những tín hiệu đáng mừng và cần nhân rộng. Và cùng với đó, một giải pháp vô cùng quan trọng là các vùng sản xuất nguyên liệu phải tập trung ứng dụng các tiến bộ KHKT về giống, thâm canh vào sản xuất để vừa nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để doanh nghiệp và người dân đều có lãi, từ đó chung thủy với vùng nguyên liệu. Hiện tại toàn tỉnh mới có 5.000/8.000 ha chè được đưa vào kinh doanh, 3.000/8.000 ha cao su đã đưa vào khai thác. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy chế biến để đáp ứng nhu cầu khi số diện tích còn lại này đủ điều kiện đưa vào khai thác.

Để làm được những việc đó, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chuyển giao, hướng dẫn thực hiện tiến bộ KHKT cho nông dân. Giúp doanh nghiệp và nông dân thực hiện đúng hợp đồng, giải quyết các tranh chấp, tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thực hiện không đúng quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm cây công nghiệp. Các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chủ yếu nằm ở các vùng miền núi, đời sống người dân còn khó khăn. Do đó, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp yên tâm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ KHKT và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Phú Hương

Mới nhất

x
Nâng cao hiệu quả kinh tế cây công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO