Nâng cao hiệu quả phối hợp, kiểm sát tố giác tin báo tội phạm
(Baonghean.vn) Tình hình phạm tội hình sự trên địa bàn Nghệ An vài năm lại đây cho thấy mặc dù số vụ án thụ lý theo hướng giảm dần nhưng xuất hiện một thực tế đáng lo ngại là tính chất một số loại tội phạm có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, tàn bạo và trắng trợn hơn.
Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát tin báo, tố giác tội phạm có vai trò quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.
Hoạt động chuyên môn ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, các vụ án được khởi tố chủ yếu từ nguồn tố giác, tin báo tội phạm (chiếm 97%). Tuy nhiên, trong tổng số 3.953 tố giác, tin báo trong 2 năm 2009-2010, cấp tỉnh khởi tố 234/291 vụ tiếp nhận được, chiếm 80,4%; cấp huyện khởi tố 3.041/ 3.662 tin báo, chiếm 83% đã phản ánh số vụ án được khởi tố từ kết quả quản lý, tố giác, tin báo về tội phạm còn có sự chênh lệch lớn, thể hiện công tác tiếp nhận, quản lý tố giác, tin báo tội phạm chưa chính xác.
Thông thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy chế phối hợp, các phòng nghiệp vụ của VKSND tỉnh, Viện kiểm sát cấp huyện chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, qua đó thực hiện chức năng kiểm soát hoạt động tư pháp. Tổng hợp báo cáo và trực tiếp kiểm tra việc thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm của VKSND tỉnh đối với các huyện cho thấy, để kiểm sát việc giải quyết của cơ quan điều tra đối với các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, VKSND 2 cấp đã thực hiện bằng ba phương thức sau:
Thứ nhất, phối hợp thường xuyên với cơ quan điều tra cùng cấp kiểm sát việc tiếp nhận và phân loại tố giác, tin báo. Để làm việc này, hàng ngày đối với cấp huyện và hàng tuần đối với cấp tỉnh, Viện kiểm sát 2 cấp tiến hành nắm tình hình tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thông qua việc đối chiếu, rà soát những số liệu do cơ quan điều tra trụ lý, qua đó yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành xác minh tin báo, tố giác tội phạm nhằm bảo đảm thời hạn giải quyết theo quy định.
Thứ hai, ký kết quy chế phối hợp liên ngành: Phương thức này được thực hiện khá tốt ở liên ngành tỉnh và được thực hiện ở hầu hết VKSND cấp huyện, trong đó điển hình làm tốt là Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên...
Thứ ba, phối hợp, thông qua công tác kiểm sát xét khiếu tố: Quá trình này của VKSND thực hiện theo điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, trên thực tế có những tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan điều tra nhận được sau khi điều tra xác minh, chuyển xử lý hành chính mà không ra quyết định không khởi tố hoặc đã ra quyết định không khởi tố nhưng không thông báo cho VKS biết theo quy định của pháp luật, nên VKS cũng không có cơ sở để tiến hành việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra như hỏi cung, lấy lời khai... nhưng do hoạt động này chỉ được tiến hành sau khi khởi tố vụ án hình sự nên không được thống kê, theo dõi.
Đối với những trường hợp phát hiện cơ quan điều tra chưa kịp thời điều tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, hoặc cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật thì VKS không thể tiến hành một số hoạt động điều tra để xác minh lại sự việc đó... Đó là chưa nói đến việc theo Bộ luật Tố tụng hình sự, VKS có thẩm quyền kiểm sát viêc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố nhưng do chưa có quy định cụ thể về các biện pháp, quyền năng pháp lý của VKS khi thực hiện hoạt đông kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ở các cơ quan hữu quan khác thuộc lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Kiểm lâm nên khó có thể bao quát được.
Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá của ngành Kiểm sát, bản thân công tác kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm vẫn còn một số hạn chế như nhiều đơn vị chưa nhận thức được đầy đủ quy định của pháp luật, chưa thấy được vai trò, vị trí quan trọng của công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Nhiều VKS chưa chú trọng thực hiện công tác này, không trực tiếp nghiên cứu hồ sơ; việc kiểm sát trực tiếp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn hạn chế, chưa phát hiện được vi phạm của các cơ quan chức năng nắm và xử lý tin báo tội phạm; khi phát hiện được vi phạm của cơ quan điều tra thì không kiến nghị khởi tố hoặc tự mình khởi tố yêu cầu cơ quan điều tra các vụ. Khi nhận được quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, nhiều VKS chỉ trao đổi bằng miệng với cơ quan điều tra trong khi theo quy định phải thông báo bằng văn bản nêu rõ quan điểm giải quyết vụ án dẫn đến một số sai sót...
Để nâng cao chất lượng kiểm sát, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong thời gian tới cần thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành cấp tỉnh nhằm phát hiện kịp thời và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trên địa bàn.
Nguyễn Hải