Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng

16/10/2013 14:30

(Baonghean) - Sau hơn 1 năm thực hiện đề án “Sắp xếp tổ chức cơ sở đảng” theo quyết định số 2391- QĐ/TU ngày 30/5/2012, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hệ thống tổ chức cơ sở đảng ở một số ngành đã được sắp xếp hợp lý, khoa học hơn. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện đề án vẫn còn bộc lộ những bất cập…

Tạo sự thống nhất, đồng bộ

Đề án “Sắp xếp tổ chức cơ sở đảng” xác định mục tiêu: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên cơ sở và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng. Từ trước đến nay, các sở quản lý toàn diện các đơn vị chuyên môn trực thuộc ngành dọc nhưng về tổ chức đảng chỉ có chi bộ (hoặc đảng bộ) văn phòng ghép với một vài chi bộ đơn vị trực thuộc; trong khi đó nhiều đơn vị cấp 2 trực thuộc các ngành nhưng tổ chức đảng lại trực thuộc đảng bộ Thành phố Vinh, cơ chế “song trùng” lãnh đạo rất khó khăn. Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh quản lý tổ chức đảng của các cơ quan đầu ngành cấp tỉnh, nhưng một số chi bộ, đảng bộ của các đơn vị cấp 2 trực thuộc ngành cũng sinh hoạt tại đảng bộ này (ngang hàng với đảng bộ, chi bộ văn phòng sở). Những đơn vị chuyên môn do các ngành quản lý toàn diện, phục vụ nhiệm vụ chung của tỉnh nhưng đóng trên địa bàn huyện thì tổ chức đảng lại thuộc các huyện ủy. Sự không thống nhất trên đây đã gây khó khăn không chỉ trong lãnh đạo chuyên môn mà cả trong công tác cán bộ.

Để sắp xếp hợp lý hệ thống tổ chức đảng thống nhất với hệ thống tổ chức chuyên môn, trong Đề án của Tỉnh ủy quy định nguyên tắc: Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành đóng trên địa bàn các huyện nhưng thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi toàn tỉnh thì tổ chức đảng trực thuộc đảng bộ sở, ngành cấp tỉnh. Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp do ngành dọc cấp trên quản lý nhưng đóng trên địa bàn huyện và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phục vụ kinh tế - xã hội của huyện thì tổ chức đảng trực thuộc huyện ủy. Đối với các đơn vị thành viên của doanh nghiệp có trụ sở và hoạt động trên địa bàn huyện thì tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp huyện. Thực hiện các nguyên tắc trên đây, có 28 tổ chức cơ sở đảng của các đơn vị cấp 2 trực thuộc các ngành đã được chuyển từ đảng bộ Thành phố Vinh về các đảng bộ sở. Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh cũng chuyển 14 tổ chức cơ sở đảng của các đơn vị cấp 2 trực thuộc ngành về các đảng bộ sở. Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh chuyển 37 chi bộ của ngành Điện lực và Ngân hàng Chính sách Xã hội về đảng bộ các huyện, thành, thị. Việc sắp xếp trên đây đã tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa hệ thống tổ chức đảng với hệ thống tổ chức chuyên môn nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành thông suốt hơn. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị thông qua lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thể hiện rõ hơn.

Sở NN&PTNT quản lý toàn diện 36 đơn vị sự nghiệp trực thuộc ngành nhưng tổ chức đảng trước đây chỉ có đảng bộ văn phòng ghép với 4 chi bộ của các đơn vị trực thuộc. Sau khi sắp xếp theo đề án, đã có 19 chi bộ các đơn vị sự nghiệp của ngành về sinh hoạt tại đảng bộ sở, do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn ngành thông suốt hơn. Đồng chí Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc, Bí thư Đảng bộ Sở NN&PTNT nhận xét: “Sau khi sắp xếp lại tổ chức cơ sở đảng, công tác đảng và công tác chuyên môn gắn kết chặt chẽ hơn; hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của ngành cao hơn, có sức mạnh hơn; việc đánh giá cán bộ, đảng viên cũng sâu sát hơn”. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Trung tâm Khuyến nông cho biết: “Khi còn sinh hoạt ở Đảng bộ Thành phố Vinh, chi bộ không được triển khai các chủ trương của ngành. Từ khi chuyển về đảng bộ sở quản lý trực tiếp, chi bộ có một đồng chí tham gia ban chấp hành đảng bộ nên mọi chủ trương của ngành và nhiệm vụ của đơn vị đều được triển khai trực tiếp rất kịp thời”.

Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập tháng 5/2008 sau khi sáp nhập 3 sở, gồm nhiều đơn vị sự nghiệp hoạt động theo các chuyên ngành khác nhau, nhưng cũng chỉ có 7 chi bộ của văn phòng sở và 4 chi bộ của các đơn vị trực thuộc; còn lại 12 đơn vị sự nghiệp của ngành đều sinh hoạt đảng tại Đảng bộ Thành phố Vinh. Với đặc thù của nhiều chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch nên thực tế là Thành ủy Vinh không thể lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn của 12 đơn vị này mà chủ yếu quản lý về công tác đảng. Sau khi tiếp nhận 12 chi bộ từ Đảng bộ Thành phố Vinh, công tác đảng và công tác chuyên môn của ngành thống nhất, lãnh đạo thông suốt hơn.

Đảng bộ Sở Y tế trước đây chỉ có 8 chi bộ gồm 3 chi bộ tại văn phòng và 5 chi bộ các đơn vị trực thuộc; trong khi đó ngành Y tế quản lý toàn diện hệ thống đơn vị sự nghiệp gồm: 12 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 trung tâm, 2 chi cục; 20 trung tâm y tế và 20 bệnh viện các huyện. Hệ thống đơn vị sự nghiệp được quản lý thống nhất trong toàn ngành nhưng tổ chức đảng lại trực thuộc nhiều đầu mối: 12 bệnh viện tuyến tỉnh và 11 trung tâm trực thuộc Đảng bộ Thành phố Vinh, 2 chi cục trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, 20 trung tâm y tế và 20 bệnh viện huyện trực thuộc đảng bộ các huyện, thành, thị; với hệ thống tổ chức đảng như vậy việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyên môn không gắn với công tác đảng nên rất khó khăn. Đồng chí Võ Thị Hằng, Phó Bí thư Đảng bộ Sở Y tế cho biết: Theo nguyên tắc trong đề án của Tỉnh ủy thì tổ chức cơ sở đảng của 12 bệnh viện tuyến tỉnh và 11 trung tâm đều đưa về đảng bộ sở, nhưng nếu sắp xếp theo phương án này thì đảng bộ sở sẽ có trên một nghìn đảng viên không thể quản lý được. Bởi vậy Đảng bộ Sở Y tế đề nghị tổ chức đảng của các trung tâm chuyển về đảng bộ sở còn các bệnh viện tuyến tỉnh trước mắt vẫn để ở Đảng bộ Thành phố Vinh, sắp tới sẽ đề nghị chuyển về Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh để phối hợp quản lý. Mặc dù chưa quản lý hết hệ thống tổ chức đảng trong toàn ngành nhưng Đảng bộ Sở Y tế với 15 chi bộ đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyên môn có hiệu quả hơn trước đây.

Việc đưa 18 chi bộ của các chi nhánh Điện lực và 19 chi bộ của các chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội về trực thuộc đảng bộ các huyện, thành, thị đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành với nhiệm vụ chính trị của địa phương nên chi bộ hoạt động hiệu quả hơn, công tác phát triển đảng thuận lợi hơn. Đồng chí Phạm Văn Nga, Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Điện lực Vinh cho biết: “Sau 5 tháng chuyển về Đảng bộ Thành phố Vinh, chi bộ đã hoàn thành 12 hồ sơ kết nạp đảng viên tồn đọng từ trước, trong đó đã kết nạp 6 đảng viên còn 6 đối tượng sẽ kết nạp trong thời gian tới. Trước đây, khi ở Đảng bộ ngành Điện lực, việc kết nạp đảng viên rất khó khăn vì đảng bộ có 34 chi bộ nhưng mỗi năm chỉ kết nạp từ 3 đến 4 đảng viên”.

Hiệu quả rõ nét nhất sau khi thực hiện đề án sắp xếp tổ chức cơ sở đảng là đã tạo sự thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyên môn, trên cơ sở đó nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng trong hệ thống chính trị.

Lãnh đạo Ban tổ chức Tỉnh ủy trao đổi với cán bộ xã Tri Lễ (Quế Phong) về củng cố hệ thống chính trị.
Lãnh đạo Ban tổ chức Tỉnh ủy trao đổi với cán bộ xã Tri Lễ (Quế Phong) về củng cố hệ thống chính trị.

Vẫn còn những bất cập

Việc chuyển 28 chi bộ từ Đảng bộ Thành phố Vinh và 4 đảng bộ, 10 chi bộ từ Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh về đảng bộ các sở, đã gắn công tác đảng với công tác chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành. Nhưng sau khi sắp xếp, có những thay đổi trong hệ thống tổ chức đảng, số lượng đảng viên tăng lên, từ đó đặt ra cho các đảng bộ sở những vấn đề mới trong công tác đảng. Bí thư Đảng bộ Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Lập phân tích: “Thành ủy Vinh và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đều là cơ quan đảng chuyên trách, có đủ các ban chuyên môn công tác đảng nên việc quản lý, kiểm tra, giám sát các chi bộ và đảng viên được thực hiện thường xuyên, bài bản. Chuyển về đảng bộ sở, Ban chấp hành Đảng ủy đều làm công tác đảng kiêm nhiệm, việc quản lý, kiểm tra, giám sát các chi bộ và đảng viên trong đảng bộ khó khăn hơn, nếu các ủy viên ban chấp hành và bí thư các chi bộ không có tinh thần tự giác cao thì công tác đảng dễ bị buông lỏng”.

Bí thư Đảng bộ Sở VHTT&DL Cao Đăng Vĩnh thì chia sẻ: “Sau khi sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ngành thuận lợi hơn nhưng công tác đảng khó khăn hơn. Để đảm nhiệm công tác đảng của toàn đảng bộ, Ban Chấp hành Đảng ủy phân công mỗi người một việc, công tác đảng phải tranh thủ làm ngoài giờ”. Một khó khăn sau khi sắp xếp tổ chức cơ sở đảng là việc bố trí cán bộ chuyên trách công tác đảng. Đề án quy định: Tổ chức cơ sở đảng có từ 200 đảng viên trở lên được bố trí cán bộ chuyên trách trong tổng biên chế của cơ quan, đơn vị được duyệt. Thực tế là nếu không có biên chế riêng cho cán bộ chuyên trách công tác đảng thì sẽ không có mã ngạch công chức, không có thang bảng lương làm cơ sở để tính chế độ bảo hiểm xã hội, việc bố trí chức danh này thực chất cũng chỉ là kiêm nhiệm. Phó Giám đốc sở, Bí thư Đảng ủy Sở LĐ-TB&XH Đặng Cao Thắng đưa ra quan điểm: “Chỉ vì chuyển tổ chức đảng và đảng viên từ đảng bộ này sang đảng bộ khác mà tăng biên chế cán bộ chuyên trách công tác đảng thì không đúng với tinh thần cải cách hành chính”.

Một vấn đề đặt ra cho đảng bộ các sở là phải có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát các chi bộ trực thuộc. Sau khi sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, có 4 đảng bộ và 38 chi bộ cơ sở đã “hạ cấp” xuống thành đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc. Về thủ tục, khi không còn là tổ chức cơ sở đảng thì các đảng bộ và chi bộ này không còn sử dụng con dấu, cấp ủy viên không còn phụ cấp chức vụ 0,3%. Nhưng điều quan trọng hơn là cách sinh hoạt của các đảng bộ, chi bộ này có sự thay đổi: không còn trực tiếp làm hồ sơ thủ tục kết nạp đảng viên, không quản lý hồ sơ đảng viên, không tự tổ chức cho đảng viên học nghị quyết mà do đảng ủy cấp trên triệu tập, không phải xử lý các văn bản và làm báo cáo gửi đảng ủy cấp trên cơ sở. Những thay đổi đó làm cho công tác đảng ở các đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc nhẹ nhàng hơn so với khi còn là đảng bộ, chi bộ cơ sở, nhưng cũng dẫn tới tình trạng công tác đảng dễ bị buông lỏng nếu Bí thư cấp ủy không có tinh thần trách nhiệm cao.

Phó Ban Tổ chức Thành ủy Vinh Đặng Tố Duyệt nhận xét: “Tâm lý của một số Bí thư chi bộ là thích chuyển từ Thành ủy Vinh về đảng ủy các sở để khỏi phải làm các thủ tục về công tác đảng được Thành ủy quy định chặt chẽ, bài bản từ nhiều năm nay. Bởi vậy, phải đề phòng xu hướng buông lỏng công tác đảng sau khi chi bộ chuyển về đảng bộ các sở do các Bí thư chi bộ không phát huy hết tinh thần trách nhiệm”. Điều cảnh báo trên đây là có cơ sở, bởi vậy sau khi sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, đảng ủy các sở phải quy định cách thức quản lý và tăng cường giám sát sinh hoạt của các chi bộ trực thuộc. Khi công tác đảng dồn hết cho ban chấp hành đảng bộ các sở, các chi bộ không phải làm các thủ tục về công tác đảng như khi còn là chi bộ cơ sở thì chất lượng sinh hoạt chi bộ khó giữ vững như trước đây.

Một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu giải quyết là hệ thống tổ chức đảng chưa thống nhất với hệ thống tổ chức chuyên môn làm cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng bị hạn chế. Trong các đảng bộ sở được sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, chỉ có Đảng bộ Sở VHTT&DL và Đảng bộ Sở NN&PTNT là tương đối thống nhất giữa hệ thống tổ chức đảng với hệ thống tổ chức chuyên môn. Sở LĐ-TB&XH quản lý toàn diện 22 đơn vị sự nghiệp của ngành, nhưng sau khi sắp xếp tổ chức cơ sở đảng vẫn còn 17 chi bộ của các đơn vị chưa trực thuộc đảng bộ sở. Đảng bộ Sở Y tế chưa trực tiếp quản lý tổ chức đảng tại 12 bệnh viện tuyến tỉnh, là những cơ sở khám, chữa bệnh hàng đầu của tỉnh do Sở Y tế trực tiếp quản lý. Ở Đảng bộ Sở NN&PTNT có tình trạng chi bộ của đơn vị cấp trên không phải là tổ chức cơ sở đảng (là chi bộ trực thuộc) nhưng chi bộ của đơn vị cấp dưới lại là tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở). Chẳng hạn, chi bộ của Trung tâm Khuyến nông là chi bộ trực thuộc Đảng bộ Sở NN&PTNT nhưng chi bộ của tất cả các trạm khuyến nông (là đơn vị cấp dưới) lại là chi bộ cơ sở thuộc đảng bộ các huyện. Hệ thống tổ chức đảng ở các chi cục và trung tâm trực thuộc Sở NN&PTNT đều tương tự như vậy.

Một bất cập sau khi sắp xếp tổ chức cơ sở đảng là hệ thống tổ chức các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thống nhất với hệ thống tổ chức đảng. Công đoàn ngành quản lý tất cả công đoàn cơ sở trong phạm vi toàn ngành nhưng đảng bộ sở chỉ quản lý tổ chức đảng ở một số đơn vị trực thuộc. Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh chỉ lãnh đạo một đoàn thể cùng cấp là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan tỉnh, còn các đoàn thể chính trị - xã hội khác trực thuộc hệ thống ngành dọc. Sự thiếu thống nhất giữa tổ chức đảng với tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội làm cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng bị hạn chế.

Trao đổi với chúng tôi về những hạn chế trên đây, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đậu Văn Thanh khẳng định: “Nếu đánh giá cái được và chưa được của đề án này tại thời điểm hiện nay là hơi sớm vì thời gian thực hiện còn quá ngắn. Nhưng tinh thần chung trong việc thực hiện đề án là phải phù hợp với điều kiện thực tế, không cầu toàn và không máy móc. Mục tiêu cao nhất của đề án là làm cho mỗi tổ chức cơ sở đảng đều mạnh lên, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng trong hệ thống chính trị. Không vì sự sắp xếp mà gây xáo trộn lớn hoặc làm cho tổ chức đảng yếu đi”.

Như vậy, việc thực hiện đề án của Tỉnh ủy chỉ mới điều chỉnh những tổ chức cơ sở đảng chưa hợp lý trong hệ thống tổ chức đảng của một số ngành, chưa phải là sự sắp xếp tổ chức đảng trong phạm vi toàn đảng bộ tỉnh. Nhưng qua đó cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải bổ sung, điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Trần Hồng Cơ

Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO