Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp
(Baonghean.vn) - Sau khi theo dõi phiên trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Đệ, nhiều cử tri cho rằng, tỉnh cần phải nâng cao năng lực ứng phó và có cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để phòng, chống và khắc phục thiên tai...
Kỹ sư Nguyễn Quang Hòa - Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Nghệ An: Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ông Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tôi thấy rằng về cơ bản, đã làm rõ được những khó khăn, vướng mắc của Nghệ An trong công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, đề nghị UBND tỉnh cần có thêm những giải pháp mang tính đột phá nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả do thiên tai gây ra.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng bỏng, thách thức sự phát triển bền vững của thế giới. Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Với Nghệ An, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có địa hình phức tạp với nhiều đồi núi cao, mật độ sông suối dày, độ dốc lòng sông lớn, nên hàng năm phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ, giá rét, hạn hán…
Địa hình Nghệ An có thể phân ra làm 3 khu vực đó là biển, ven biển; đồng bằng; miền núi, với hệ thống sông ngòi dày đặc, trong đó con sông chính là sông Cả với lưu vực rộng lớn đến 27.200km2, có khoảng 9.400km2 nằm trên lãnh thổ nước bạn Lào. Do vậy nguồn nước hàng năm đến từ bên ngoài lãnh thổ là 18,4%. Vì vậy cần có nhiệm vụ và giải pháp cho từng khu vực một cách thực tế, có tính khả thi cao. Bản thân chính quyền địa phương các cấp cũng cần phải nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn cực đoan nguy cơ lũ quét, lũ lịch sử, sạt lở đất. Phải phân vùng rủi ro thiên tai và có bản đồ cảnh báo thiên tai chi tiết đến cấp xã, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh, xây dựng cộng đồng an toàn, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phải đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở. Đặc biệt, phải mở rộng khẩu độ thoát lũ qua các tuyến đường, xử lý vật cản trên sông, suối, hành lang thoát lũ. Xây dựng công trình kết hợp sơ tán dân như nhà cộng đồng tại những vùng có nguy cơ lũ, ngập sâu và lũ quét.
Đối với an toàn các hồ chứa thuỷ lợi và thuỷ điện, do đây là các công trình tích nước có khối lượng lớn ở thượng lưu sông, suối, có độ cao chênh lệch so với các khu dân cư vùng hạ du. Nếu để xảy ra sự cố vỡ hồ, vỡ đập sẽ gây ra thảm hoạ không thể lường trước được. Với con số 1.061 hồ và phần lớn có tuổi thọ 50-60 năm sử dụng, nhưng nếu thực như báo cáo của UBND tỉnh rằng từ năm 2000 đến nay, chỉ mới có 374 hồ được nâng cấp, sửa chữa; có 687 hồ chưa được nâng cấp, trong đó có 70 hồ bị hư hỏng nặng, xuống cấp và có nguy cơ mất an toàn, thì quả thật là điều rất đáng báo động. Bởi, ngày xưa các hồ đập được thiết kế thường dựa trên tài liệu thuỷ văn ngắn, tiêu chuẩn an toàn lũ thấp, nhiều hồ xây dựng bằng thủ công, sau này mới được nâng cấp trên nền móng cũ, vì thế nguy cơ mất an toàn sẽ cao hơn so với các hồ chứa được xây dựng sau này.
Ông Nguyễn Đăng Tùng - Bí thư Chi bộ thôn Lam Thắng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương: Mong được bố trí kinh phí nâng cấp cầu, cống và hệ thống kênh mương để tiêu nước mùa lũ
Từ những đợt mưa lũ vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua cũng như các đợt thiên tai trước đây, nhân dân đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã kịp thời triển khai phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Việc đảm bảo tính mạng của nhân dân đã được đặt lên hàng đầu. Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ, Đoàn thanh niên đã không quản ngày đêm ứng cứu, di chuyển người dân vùng ngập lụt, nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tích cực tham gia các hoạt động giúp dân khắc phục hậu quả sau bão lụt. Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng tỉnh có một giải pháp bền vững, có thể phòng tránh thiên tai được một cách lâu dài.
Bản thân tại thôn Lam Thắng hiện nay, dù nằm ở khu vực miền núi nhưng lại bị chia cách bởi sông Rào Gang. Có 2 con đường đi vào thôn, đó là đi qua cầu bắc qua sông Rào Gang và đi men theo núi từ xã Xuân Tường vào. Thế nhưng cầu bắc qua sông đã bị xuống cấp, trong khi đó con đường men theo núi thì chưa được xây dựng, nên bước vào mùa mưa người dân, nhất là các em học sinh đi lại rất vất vả. Do địa hình bị chia cắt nên thôn có 350 hộ thì mùa mưa lũ năm nào cũng bị ngập lụt và bị cô lập, thậm chí có năm bị cô lập từ 15-20 ngày.
Tại thôn Lam Thắng có đến 6 con đập, nhưng tất cả đều là đập đất được đắp cách đây hàng chục năm, duy chỉ có đập La Ngà là mới được nâng cấp, còn lại đều đã có dấu hiệu xuống cấp, khả năng ngăn, trữ nước rất hạn chế. Cứ mỗi khi bước vào mùa mưa lũ là chúng tôi lại canh cánh nỗi lo bị vỡ đập.
Rất mong tỉnh, huyện sớm bố trí kinh phí để nâng cấp cầu bắc qua sông Rào Gang để người dân đi lại được an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ, đồng thời nâng cấp các đập chứa nước để đảm bảo tích trữ nước được hiệu quả, an toàn.
Ông Lữ Thanh Tuấn - Khối 1, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn: Nếu có hệ thống cảnh báo sớm thì người dân sẽ chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai
Chúng tôi vừa trải qua trận lũ quét kinh hoàng nhất trong mấy chục năm lại đây (trận lũ quét diễn ra vào sáng 2/10). Sau trận lũ quét, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đoàn thể, đoàn thiện nguyện cũng đã kịp thời có mặt hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, cứu trợ, không để ai bị đói, bị rét sau lũ quét. Điều này khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Qua báo cáo và phần trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chúng tôi cũng phần nào nhận thấy những khó khăn của tỉnh trong công tác phòng chống thiên tai. Thực tế, cứ sau mỗi đợt thiên tai thì không chỉ nhân dân mà Nhà nước cũng bị thiệt hại, nhất là cơ sở vật chất hạ tầng. Ngay tại khu vực bị lũ quét ở Kỳ Sơn vừa qua, nếu nhân dân bị thiệt hại 1 thì Nhà nước bị thiệt hại 10, khi nhiều cơ quan, tổ chức bị ngập, nhiều tuyến đường bị hư hỏng.
Tuy nhiên, đối với người dân vùng thiên tai, chúng tôi mong sao cấp trên tiếp tục quan tâm đến chỗ ăn, chỗ ở cho người dân, nhất là những hộ dân ở khu vực bị sạt lở, không thể tiếp tục sinh sống nơi ở cũ. Chúng tôi cũng mong tỉnh sớm nâng cấp, sửa chữa cầu tràn Hoà Sơn, và làm kè khu vực khe Huồi Giảng, tránh tình trạng cứ mỗi lần mưa xuống là việc đi lại của người dân bị ách tắc.
Bên cạnh đó, nếu như xây dựng được hệ thống cảnh báo lũ quét từ sớm ở đầu nguồn, như còi báo động hay thông báo qua tin nhắn thì người dân sẽ chủ động hơn trong việc phòng tránh.
Ông Quang Văn Đặng - Bí thư Đảng uỷ xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương: Cần có cơ chế chính sách đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống và khắc phục thiên tai
Địa phương chúng tôi những năm trước đây liên tục gánh chịu những đợt thiên tai tàn khốc, nhất là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Còn nhớ trận lũ quét vào đêm 26/5/2009 tại bản Pa Tý đã khiến 5 người dân địa phương thiệt mạng. Mới đây vào các năm 2018, 2019 lũ quét cũng đã làm hư hỏng đường sá, trường học trên địa bàn xã.
Chúng tôi nhận thấy rằng, rõ ràng đối với thiên tai thì rất khó có thể tránh được, nhưng chúng ta có thể giảm nhẹ thiệt hại bằng cách di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy cơ; xây dựng các điểm dân cư an toàn hơn; có hệ thống cảnh báo đầy đủ, kịp thời… Tuy nhiên, để làm được điều đó thì rất cần phải có kinh phí từ cấp trên.
Bản thân tại xã Yên Tĩnh, những năm trước đây, nhiều công ty, doanh nghiệp được cấp giấy phép vào khai thác vàng nhưng sau khi giấy phép hết hạn và rời đi đã không hoàn trả lại mặt bằng, hiện nay lòng khe cao hơn bản, vì thế sẽ rất dễ gây ùn ứ nguồn nước, mỗi khi xảy ra mưa lớn thì dòng nước ùn ứ sẽ dễ gây ra lũ quét. Chúng tôi cũng mong rằng tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách để đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống và khắc phục khi thiên tai xảy ra.