Nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã cho người dân Nghệ An

Tiến Đông 16/03/2023 17:26

(Baonghean.vn) - Chiều 16/3, Sở NN&PTNT phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết chuỗi Chương trình "Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép".

Chuỗi Chương trình "Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép" là hoạt động quan trọng nhằm tuyên truyền không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, quảng cáo, tiêu thụ, tàng trữ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu tổng hợp, trong Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có khoảng 3.019 loài thực vật bậc cao và gần 1.000 loài động vật sinh sống. Từ năm 2017 đến năm 2022, bình quân mỗi năm có 10 vụ buôn bán động vật hoang dã bị lực lượng Kiểm lâm bắt giữ, với khoảng 28.550 con bị buôn bán, vận chuyển trái phép.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm Nghệ An trình bày về tình hình buôn bán, sử dụng động vật trái phép và các giải pháp phòng, chống tại Nghệ An thời gian qua. Ảnh: Tiến Đông

Hiện tại, ở Nghệ An có 12.597 cá thể của 95 loài động vật hoang dã đang được nuôi nhốt tại 386 cơ sở. Trong đó, loài Nhóm Ib (là nhóm động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam) có 339 cá thể tại 11 cơ sở nuôi; Nhóm IIb (là nhóm động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục II CITES có phân bố tự nhiên tại Việt Nam) có 6.153 cá thể, tại 295 cơ sở nuôi và động vật thông thường là 8.095 cá thể, tại 345 cơ sở nuôi. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã là nhỏ lẻ, chuồng trại nuôi được xây dựng trong vườn và sát với nhà ở để tiện chăm sóc nên làm cho nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật hoang dã sang người rất cao.

17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép tại huyện Yên Thành đã bị cơ quan chức năng thu giữ năm 2017. Ảnh: Tư liệu BNA

Thời gian gần đây, tình hình hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An tuy không phổ biến, rầm rộ, nhưng vẫn còn xảy ra như săn, bắt chim, thú trong rừng tại các huyện miền núi. Đặc biệt, trong năm 2017, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ nuôi nhốt 17 cá thể hổ tại huyện Yên Thành...

Các đối tượng và tang vật trong 1 vụ buôn bán động vật hoang dã bị bắt giữ trên địa bàn huyện Con Cuông. Ảnh: Tư liệu BNA

Tại hội nghị, các tổ chức, đơn vị tham gia cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất nạn buôn bán động vật hoang dã. Trong đó, lực lượng chức năng cần phải tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, rà soát các đối tượng có dấu hiệu nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, nhất là tại các chợ, nhà hàng, tụ điểm có dấu hiệu buôn bán, sử dụng động vật hoang dã trái phép.

BTV Diệp Chi, hiện công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam mong muốn rằng, mỗi người dân hãy lên tiếng và nói không với việc sử dụng động vật hoang dã trái phép. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn các xã, thị trấn, chú trọng các xã, xóm trọng điểm. Bởi, một khi triệt tiêu được nguồn "cầu" thì khi đó việc buôn bán, giết mổ động vật hoang dã cũng sẽ bị hạn chế...

Mới nhất
x
Nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã cho người dân Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO