Nâng cao trách nhiệm người dân trong phòng chống "giặc lửa"
(Baonghean) Đại tá Lê Quốc Báo, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu hộ cứu nạn (Công an Nghệ An) nửa đùa nửa thật: Cái nghề của bọn tôi đến là hay, khi người ta ngủ thì mình thức, khi người ta đứng thì mình chạy, khi người ta khô thì mình ướt, khi người ta lạnh thì mình nóng, khi người ta chạy ra thì mình chạy vô. Thử hỏi trong thời bình này có mấy ngành phải "xông pha khói lửa" như lính PCCC!
Còn với ông Trần Đình Bồi, người từng giữ chức Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, tuy đã nghỉ hưu đến 15 năm nay, vẫn nhớ như in những trận chữa cháy lớn xảy ra cách đây trên dưới nửa thế kỷ. Đó là ngày 3/8/1961, một vụ hoả hoạn lớn xẩy ra ở khu phố 1 (phường Hồng Sơn bây giờ) thiêu rụi 1.283 nóc nhà chỉ trong ít tiếng đồng hồ. Gần 1 năm sau, “bà hoả” lại bốc lên ở khu phố 2 (phường Cửa Nam hiện nay) làm 518 mái nhà của bà con thành than... Những trận cháy như thế, dù có nỗ lực mấy lính chữa cháy cũng chỉ giúp dân mang vác đồ đạc ra mà thôi. Bởi hồi đó, cả phố hầu như chủ yếu là nhà gỗ, mái nứa ở san sát nhau, phương tiện chữa cháy còn thô sơ không thể địch nổi với “giặc lửa” được sự “đồng loã” của gió Lào. Những ai từng chứng kiến hai vụ cháy đó bây giờ nhớ lại chắc còn rùng mình. Hàng ngàn người dân bỗng nhiên lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Từng ấy năm công tác, ông Bồi cũng “ngộ” ra rằng, việc phòng cháy, chữa cháy không chỉ cần dũng cảm, mà còn cần một tấm lòng. Từ công việc, ông phát hiện ra nhiều điều mới mẻ và trở nên yêu nghề. Yêu nghề đến mức ông còn làm cả thơ về... cháy!
Lực lượng PCCC diễn tập chữa cháy.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội PCCC Trung tâm cho biết: Đã gọi là hoả hoạn thì có thể xẩy ra ở bất cứ đâu, ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Chính vì thế, lính phòng cháy, chữa cháy cứ thay nhau trực 24/24, dù nắng hun đỏ đất hay mưa bão vô hồi. Công việc cứ như sợi dây vô hình cột chân anh lính chữa cháy.
Qua đại tá Lê Quốc Báo được biết: Luật PCCC đã có, văn bản liên quan của tỉnh cũng nhiều nhưng rất nhiều cá nhân, đơn vị không nghiêm túc tuân thủ. Ví như nhà cao tầng phải được Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu nạn thẩm duyệt ngay từ thiết kế bản vẽ và phải có đầy đủ hệ thống phòng cháy, chữa cháy, thiết bị cứu nạn. Nhưng khi công trình dựng lên. Các khu chung cư, các doanh nghiệp cũng thế, vẽ thì đủ tất nhưng thực tế thì chẳng “anh” nào thực hiện cho ra hồn. Gần đây, có một siêu thị điện máy ở Vinh, năm 2011 cháy đến lần thứ 2, Cảnh sát PCCC phạt 25 triệu đồng. Tiền vừa nộp kho bạc thì đầu tháng 9 năm 2012 lại thêm 1 vụ.
Từ đầu năm 2012 đến nay, cả tỉnh xảy ra đến 20 vụ cháy lớn nhỏ, thiệt hại khoảng vài chục tỷ đồng. Rất may, không có thiệt hại về người. Ngoài ra còn có gần 50 vụ bén lửa được dập tắt tại chỗ gây thiệt hại không đáng kể. Các lực lượng chức năng đã tổ chức hàng chục đợt kiểm tra công tác PCCC ở cơ sở, lập trên 1.800 biên bản kiểm tra, xử phạt vi phạm với tổng số tiền lên đến 500 triệu đồng; lập mới và bổ sung gần 200 phương án chữa cháy; tổ chức hàng chục đợt chữa cháy diễn tập ở chung cư Tân Phúc, Siêu thị BigC, kho xăng Nghi Hương, Nhà máy Bia Sài Gòn...
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, lực lượng PCCC Nghệ An cũng đã được trang bị với hơn 20 xe chữa cháy chuyên dụng hiện đại cùng với một đội lính PCCC có kiến thức chuyên sâu. Đó là chưa nói đến lực lượng chữa cháy tại chỗ ở các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp được tập huấn nghiệp vụ hàng năm.
Tuy nhiên, dù lực lượng chữa cháy có mạnh đến mấy, thì đối với “giặc lửa”, ý thức đề phòng của người dân vẫn là quan trọng nhất, quyết định nhất.
Việt Long