Nâng cao vai trò tư vấn pháp luật cho người lao động

Trần Vân 21/09/2022 06:56

(Baonghean.vn) - Xác định rõ công tác tuyên truyền tư vấn pháp luật cho đoàn viên và người lao động là trách nhiệm của các cấp công đoàn, những năm qua Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp để thực hiện tư vấn pháp luật khi đoàn viên, người lao động có nguyện vọng, yêu cầu, hoặc đề nghị tư vấn về pháp luật lao động. Điều này góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, xây dựng niềm tin, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Nhu cầu tư vấn và những khó khăn

Nghệ An hiện có 13.500 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với hơn 230.000 lao động tại 12 khu công nghiệp, trong đó, có 6 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo ra nhiều việc làm cho công nhân, lao động. Với số lượng doanh nghiệp và lao động đông đảo hiện nay, nhu cầu tư vấn, tìm hiểu và trợ giúp pháp lý ngày càng gia tăng.

Tư vấn pháp luật trực tiếp cho công nhân lao động. Ảnh: CSCC

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách pháp luật cho biết: Từ năm 2015 đến tháng 6/2022, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tư vấn pháp luật cho 1.322 người, trong đó, tư vấn trực tiếp cho 664 người, gián tiếp 541 người, tư vấn lưu động 44 người, tư vấn bằng văn bản 77 văn bản. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện tư vấn pháp luật 102 lượt. Việc người lao động tìm đến tổ chức công đoàn để tư vấn, trợ giúp pháp lý một mặt xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, mặt khác, thể hiện niềm tin của người lao động đối với tổ chức công đoàn ngày càng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư vấn pháp luật vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Chỉ mới dừng lại ở việc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cử cán bộ kiêm nhiệm phụ trách tư vấn pháp luật; kinh phí cho hoạt động tư vấn pháp luật hạn chế; cán bộ chuyên trách công đoàn được đào tạo về pháp luật còn ít làm ảnh hưởng đến chất lượng cho công tác tư vấn; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật chưa được quan tâm đúng mức...

Tuyên truyền Nghị quyết, chính sách bằng hình thức sân khấu hoá. Ảnh: CSCC

Ngoài ra, cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật ở công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không có chuyên môn ngành Luật, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Mô hình Trung tâm Tư vấn pháp luật của công đoàn cấp tỉnh vẫn còn gặp khó khăn trong nguồn kinh phí, nhân lực để hoạt động.

Trước thực tế đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm xây dựng các chính sách ưu đãi đối với đội ngũ làm công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của công đoàn các cấp, để từ đó thu hút, nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật hướng tới tính chuyên nghiệp và hiệu quả.

Phát huy vai trò đối với công tác tư vấn pháp luật

Là địa bàn đông công nhân lao động, phức tạp trong quan hệ lao động, vì vậy, để ổn định quan hệ lao động, các cấp công đoàn toàn tỉnh đã tăng cường công tác tư vấn pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đoàn viên và người lao động.

Liên đoàn Lao động huyện Thanh Chương tư vấn pháp luật trực tiếp cho công nhân lao động tại phân xưởng. Ảnh: CSCC

Từ năm 2015 đến năm 2017, Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh thành lập với 1 cán bộ chuyên trách tư vấn pháp luật, 1 cán bộ kiêm nhiệm tư vấn pháp luật, 9 cán bộ là cộng tác viên tư vấn pháp luật. Từ năm 2018 đến năm 2020, Trung tâm Tư vấn pháp luật được giải thể, trở về mô hình Văn phòng Tư vấn pháp luật trực thuộc Ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động với 1 cán bộ chuyên trách, 1 cán bộ kiêm nhiệm về công tác tư vấn pháp luật. Từ năm 2021 đến nay, văn phòng duy trì 1 cán bộ chuyên trách tư vấn pháp luật, 2 cán bộ kiêm nhiệm tư vấn pháp luật.

Bên cạnh đó, mỗi Liên đoàn Lao động huyện, công đoàn ngành đều cử 1 cán bộ phụ trách công tác tư vấn pháp luật gắn với báo cáo viên, tuyên truyền viên. Hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với hình thức hoạt động tư vấn pháp luật ngày càng đổi mới phong phú hấp dẫn. Từ năm 2015 đến năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức được gần 65 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp cho gần 7.000 lượt đoàn viên và người lao động. Các cấp công đoàn tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hơn 200 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thu hút gần 15.000 lượt công nhân, viên chức, lao động, tham gia với cơ quan Nhà nước triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động...

Thiếu hiểu biết về pháp luật là nguyên nhân của không ít các cuộc đình công. Ảnh: CSCC

Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã tổ chức được 8 cuộc thi với hơn 1.500 lượt người tham gia bằng hình thức sân khấu hóa, tổ chức các trò chơi, giao lưu kết hợp với tuyên truyền pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng, chống ma túy, HIV/AIDS… 14 cuộc truyền thông với 2.290 công nhân, viên chức, lao động tham dự được tổ chức, tuyên truyền pháp luật về chế độ, chính sách lao động nữ, Luật Bình đẳng giới, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, thông qua hình thức hái hoa dân chủ, hình thức tổ chức các đội thi để cung cấp kiến thức, lồng ghép thi năng khiếu bằng các tiểu phẩm. Đã tổ chức được 31 lớp tập huấn cho 3.151 lượt cán bộ công đoàn, công nhân, lao động về Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công chức, Luật Viên chức…

Ngoài hình thức tư vấn trực tiếp, trực tuyến, tư vấn bằng văn bản, qua điện thoại, qua tổng đài 1080, tin nhắn qua các nhà mạng, ki-ốt tư vấn pháp luật, qua Trang truyền hình Công đoàn, Báo Lao động Nghệ An, Báo Nghệ An, Cổng thông tin điện tử Nghệ An, hệ thống Zalo, Facebook…, các cấp công đoàn còn tổ chức tư vấn lưu động kết hợp với việc đối thoại giữa chủ sử dụng lao động với người lao động tại các doanh nghiệp; tư vấn pháp luật cho công nhân, lao động tại các khu nhà trọ công nhân ở khu công nghiệp vào ban đêm; tổ chức thực hiện "Ngày Pháp luật" cho cán bộ, công chức cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh, để phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật mới; tập trung tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân, lao động trong các dịp "Tháng Công nhân"…

Phát tài liệu tuyên truyền Luật Lao động cho công nhân tại phân xưởng làm việc. Ảnh: CSCC

Đặc biệt, để giải quyết các cuộc đình công xảy ra trên địa bàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp cùng với các ban, ngành trực tiếp làm việc và thương lượng với chủ sử dụng lao động, giải quyết cơ bản các kiến nghị chính đáng của người lao động, được chủ sử dụng lao động chấp nhận và cam kết thực hiện. Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, cán bộ công đoàn đã giải thích, tư vấn các quy định pháp luật liên quan cho công nhân, lao động và chủ doanh nghiệp, để các bên liên quan thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ, các quyền và trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Đánh giá về hoạt động tư vấn pháp luật, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định: Công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn Nghệ An đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới hình thức tư vấn, tuyên truyền pháp luật. Qua đó, hỗ trợ pháp lý, giải đáp pháp luật cho đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn các cấp, doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, và ý thức chấp hành pháp luật, giải quyết hiệu quả các vụ khiếu nại lao động, tranh chấp lao động cá nhân, tập thể, tham gia giải quyết đình công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Công tác tư vấn pháp luật đã giúp người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật, từ đó tạo được lòng tin của người lao động đối với tổ chức công đoàn.

Mới nhất
x
Nâng cao vai trò tư vấn pháp luật cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO