Nâng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

19/11/2012 17:59

(Baonghean) - Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3846/QĐ.UBND ngày 30/8/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Trung tâm Khuyến nông là 1 trong 62 cơ sở đào tạo nghề được UBND tỉnh giao nhiệm vụ dạy nghề và cấp Giấy chứng nhận nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 5918/QĐ.UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh Nghệ An.

Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông đã đào tạo được 9 nghề ở 13 huyện, thành, thị xã với 49 lớp, 1.415 học viên tham gia và 1.287/1.415 học viên được cấp Giấy chứng nhận nghề. Năm 2012, Trung tâm tiếp tục triển khai các lớp đào tạo nghề ở 18 huyện, thành, thị với 9 nghề, 56 lớp cho 1.774 học viên tham gia. Kết quả đào tạo nghề nông nghiệp nhìn chung bước đầu được đánh giá khá hiệu quả. Hình thức tổ chức các lớp dạy nghề hiện nay được trung tâm triển khai đến tận từng xã, thôn giúp lao động nông thôn có cơ hội được học nghề phù hợp với nhu cầu, năng lực, trình độ học vấn, kinh tế và điều kiện sản xuất của mỗi lao động ngay tại địa phương mình. Điển hình như một số lớp nghề nông nghiệp có tỉ lệ việc làm và tăng thu nhập kinh tế sau học nghề cao như chăn nuôi gà ở Thanh Chương, trồng nấm ở Yên Thanh, Diễn Châu, sản xuất rau an toàn ở Nam Đàn,... Phải khẳng định, hiện nay nhu cầu học nghề nói chung và các nghề nông nghiệp nói riêng của lao động nông thôn là rất lớn so với nguồn kinh phí được Nhà nước hỗ trợ dạy nghề hàng năm. Nhưng vấn đề về chất lượng đào tạo, việc làm và hiệu quả thu nhập kinh tế sau học nghề được người học nghề quan tâm và mong đợi nhiều nhất. Do đó, khi dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất thiết phải thực sự chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết mới mở lớp và tổ chức dạy nghề để đạt chất lượng tốt. Từ những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế đào tạo nghề nông nghiệp, chúng ta cần tích cực chủ động tập trung một số vấn đề sau:



Lớp đào tạo nghề nuôi lợn do Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp mở cho đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: Công sáng

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" cho mọi người dân. Phải xác định đây là cơ hội để lao động nông thôn được tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề cần học.

Thực hiện tốt công tác tuyển sinh, xem tuyển sinh là khâu then chốt quyết định đến thành công và hiệu quả đào đạo, học nghề phải thực sự xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người học. Vì vậy, khi tuyển sinh cần phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, đặc biệt là UBND các xã để nắm bắt nhu cầu, từ đó tư vấn cho người học lựa chọn nghề, phân lớp dạy nghề và tư vấn việc làm sau khi học thành nghề; Đồng thời gắn với nhu cầu lao động, ngành nghề từng vùng, từng địa phương, làng nghề, ngành nghề truyền thống hoặc kết nối với các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân để tạo điều kiện cơ hội việc làm, thu nhập cho người học sau học nghề.

Chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nguyên vật liệu và dụng cụ thực hành. Tài liệu học tập phải đảm bảo đầy đủ, chất lượng, thường xuyên cập nhật những thông tin mới, kinh nghiệm hay để truyền tải đến cho người học tham khảo và thực hiện.

Đội ngũ giáo viên phải được chuẩn hoá, có nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề, có đủ năng lực, trình độ và kinh nghiệm trong công tác giảng dạy để chuyển giao kiến thức lý thuyết và các kỹ năng thực hành cho học viên (theo Thông tư 30/2010/TT-BLĐTBXH ngày 29/9/2010 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề).

Khi thực hiện đào tạo nghề phải đảm bảo nghiêm túc về thời gian dạy và học theo đúng chương trình, không cắt xén nội dung. Giáo viên lên lớp phải chuẩn bị giáo án lý thuyết, giáo án thực hành và các trang thiết bị trợ giúp giảng dạy. Học theo phương pháp "cầm tay chỉ việc", chú trọng các nội dung thực hành để rèn luyện tay nghề cho học viên. 100% người học phải trực tiếp làm, học nội dung nào nắm vững lý thuyết và thành thạo nội dung thực hành đó.

Tổ chức và quản lý tốt lớp học, thực hiện kiểm tra định kỳ, cuối khóa theo đúng quy chế qui định. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đánh giá chất lượng dạy và học, nhất là sau học nghề đối với từng học viên,...

Tuy nhiên, đào tạo nghề hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về chất lượng, giải quyết việc làm và hiệu quả sau đào tạo chưa đáp ứng được tối ưu mong đợi của người học. Các cấp, các ngành và đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác đào tạo nghề cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục những khó khăn, tồn tại để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, giúp lao động nông thôn sau học nghề có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh bền vững.


Cao Xuân Tuấn (Trung tâm Khuyến nông Nghệ An)

Mới nhất
x
Nâng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO