Nâng chất lượng đào tạo nghề sinh vật cảnh

12/11/2012 18:24

(Baonghean) - Tỉnh ta hiện nay đã hình thành 5 làng nghề sinh vật cảnh (SVC). Làm SVC, một “mũi tên” đạt 3 mục tiêu cơ bản: văn hóa, môi trường cảnh quan và kinh tế. Tuy nhiên, nghề SVC mà trọng điểm là tạo hình nghệ thuật cây cảnh thì ta còn lúng túng.

Cây cảnh cổ của ông cha thì phần nào đã được định hình với những long thăng, long dáng, tam đa, ngũ phúc, thất hiền, phụ tử, văn nhân… Cùng với 4 thế cơ bản: Trực – xiêu – hoành – huyền. Còn cây cảnh nghệ thuật đương đại thì ta vẫn loanh quanh với “dáng làng” nhàm chán. Bởi vậy cây cảnh của ta xuất khẩu đi các nước không có sức thuyết phục trước những thương hiệu lớn như Bon Sai (Nhật)… Ta lại chưa có những trường đào tạo quy mô về SVC mà duy nhất cả nước chỉ có Trường Cao đẳng nghề NN & PTNT Bắc bộ, là trường công lập đào tạo nghề SVC ở dạng trung – sơ cấp. Một số trường đại học nông nghiệp Hà Nội – Huế, TP.Hồ Chí Minh thì có Khoa Viên nghệ, nặng về nghề làm vườn. Cho nên việc dạy nghề SVC đặc biệt là tạo hình cây cảnh nghệ thuật đương đại thì ta còn phải cố gắng học hỏi, cố gắng sáng tạo.
Nghệ An ta tiềm năng SVC dồi dào, có nhiều loại cây phôi làm cảnh. Vừa qua, Trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật Bắc Nghệ An mở 5 lớp đào tạo nghề SVC. Hầu hết học viên đủ mọi tầng lớp, từ cán bộ nghỉ hưu đến cán bộ đương chức, từ xã viên hợp tác xã đến đội ngũ cựu giáo chức, cựu chiến binh… Học viên có trẻ, có già, có nam, có nữ, tất cả đều hào hứng say mê học và hành. Mặc dù chương trình đào tạo còn ngắn: 200 tiết cả lý thuyết và thực hành. Sau khóa học hầu hết học viên yêu nghề; tâm đắc với công việc. Để có được điều đó, người giáo viên thực hành cần phải có tâm, có trí, có nghệ.



Thầy Lê Xuân Hợi (bên phải) đang hướng dẫn nhóm học viên lớp SVC Diễn Thắng (Diễn Châu) tạo hình cây cảnh nghệ thuật đương đại.

Cái tâm của người giáo viên thực hành phải theo sát từng học viên, từng nhóm tổ, thật sự cầm tay chỉ việc, dồn cả tâm trí của mình cho tác phẩm, đứa cho tinh thần mà mình ký thác. Đồng thời, người giáo viên thực hành cũng biết “mở đường” đón bắt những ý tưởng mới của học viên để từ một cây phôi đã “cổ” và “kỳ” ta sẽ cùng tạo nên được cái đẹp hoàn mỹ.

Người thầy dạy nghề SVC phải biết nắm bắt, biết dẫn dắt, biết thâu tóm được hồn cốt của cây để tạo hình, uốn nắn, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật bắt mắt, đúng điệu; đó cũng là tài nghệ của người thầy giáo thực hành hội tụ cả 3 yếu tố: Tâm – Trí – Nghệ.

Được như thế thì lớp lớp học viên mới chịu học, mới chịu sáng tạo, mới chịu làm chủ cuộc chơi.


Hồ Đức Thỉnh (Quỳnh Lưu)

Mới nhất
x
Nâng chất lượng đào tạo nghề sinh vật cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO