Giáo dục

Nâng chất lượng giáo dục bằng 'học thật, thi thật'

Mỹ Hà 16/12/2024 13:08

Để duy trì vị trí xếp hạng một cách bền vững, ngành giáo dục Nghệ An đang triển khai việc kiểm định đánh giá chất lượng ở tất cả các bậc học. Điều này đòi hỏi các nhà trường phải thực hiện việc "học thật, thi thật và đánh giá chất lượng thật".

Không chạy theo thành tích

Năm học này, thầy giáo Đinh Thanh Tú - giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên ở Trường THCS Nghi Đức (thành phố Vinh) cùng lúc phải đảm nhiệm giảng dạy ở nhiều khối từ lớp 7 đến lớp 9 và thầy đang đặt mục tiêu, mỗi lớp phải có từ 20 - 30% học sinh đạt học lực giỏi.

Để đạt được kết quả này, thầy giáo Đinh Thanh Tú cho biết: Ngoài đảm bảo chương trình cần đạt sau mỗi bài học, chúng tôi cho học sinh luyện và chữa bài tập thường xuyên. Nếu học sinh nào học lực yếu, trung bình phải phụ đạo, hỗ trợ. Về phía giáo viên cũng phải tự bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, phải động viên, khuyến khích, truyền cảm hứng cho học trò.

bna_minh.jpg
Tiết học của học sinh Trường THCS Nghi Đức, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Năm học trước, tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong số hơn 400 trường dự thi, Trường THCS Nghi Đức (thành phố Vinh) xếp thứ 7 toàn thành phố và xếp thứ 26 toàn tỉnh với điểm trung bình 7,21 điểm.

Năm nay, để thực hiện đảm bảo chất lượng với cam kết bằng và vượt năm học trước, nhà trường đặt mục tiêu đạt điểm trung bình 7,3 điểm. Nói về các giải pháp, thầy giáo Trần Việt Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng giáo viên theo từng môn, từng lớp để đạt chuẩn cam kết mà hiệu trưởng nhà trường đã ký với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng công khai các nội dung cam kết để phụ huynh cùng phối hợp thực hiện.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi yêu cầu tất cả giáo viên của các bộ môn phải thống nhất nội dung dạy và ôn tập, không có tình trạng mỗi giáo viên lại “thủ thế” một phương pháp riêng. Ở các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ chúng tôi ra đề chung, kiểm tra chung, chấm chéo và ban giám hiệu nhà trường trực tiếp cập nhật điểm để đảm bảo khách quan, trung thực. Với các bài đánh giá thường nhật, chúng tôi yêu cầu giáo viên phải cập nhật điểm lên hệ thống chậm nhất sau 1 tuần.

Nhà trường có chuyên đề kiểm tra nội bộ, kiểm tra việc chấm bài và cập nhật điểm của giáo viên, tránh tình trạng chấm sai.

Quá trình thực hiện, chúng tôi xác định phải có áp lực để giáo viên cố gắng hết khả năng. Nhưng trong quá trình thực hiện, nhà trường phải đồng hành để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thầy giáo Trần Việt Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Đức - thành phố Vinh

Điểm thi
Các kỳ thi khảo sát giữa kỳ và cuối kỳ đang được nhiều trường thực hiện theo đề thi chung, chấm chéo và xáo trộn giữa các lớp để đảm bảo khách quan. Ảnh: Mỹ Hà

Tại huyện Con Cuông, nói về các giải pháp để hướng tới việc “Học thật, thi thật”, ông Nguyễn Nam Giang - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: Chất lượng chính là linh hồn, là vinh dự của các nhà trường, vì thế, trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyên môn ngành Giáo dục Con Cuông đề cao đánh giá khảo sát chất lượng giáo dục bằng cách đánh giá ngoài. Hiện hàng năm chúng tôi tiến hành khảo sát chung toàn huyện 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh và 1 môn còn lại sẽ bốc thăm bất kỳ để giáo viên nào cũng phải “sẵn sàng chiến đấu”.

Quá trình ra đề được thực hiện khách quan, coi thi chéo và chấm một cách công bằng. Điểm thi khảo sát sẽ được tính vào điểm thi học kỳ để giáo viên, học sinh không chủ quan. Sau mỗi kỳ thi, huyện sẽ phân tích điểm trên toàn huyện theo từng lớp, từng trường, từng giáo viên và lấy đó làm căn cứ để yêu cầu giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy.

Chúng tôi có thể kiểm tra xác suất chất lượng bất kỳ ở lớp nào bằng việc tổ chức ra đề, chấm và công bố điểm thi thông qua việc chuyển đổi số với ra đề thi theo phần mềm, chấm bài thi trên máy. Chỉ sau 40 phút, kết quả có thể công khai một cách khách quan, trung thực, chính xác.

Ông Nguyễn Nam Giang – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cường

Chất lượng chưa đồng đều

Từ vị trí thứ 22, ngành Giáo dục Nghệ An đã tăng lên 10 bậc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là kết quả sau 4 năm Nghệ An thực hiện các giải pháp về đảm bảo chất lượng giáo dục ở bậc THPT.

Tuy nhiên, để chất lượng giáo dục được giữ vững và có tính ổn định lâu dài, việc triển khai các giải pháp đảm bảo phải được thực hiện căn cơ từ gốc. Đó là nâng chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học, nhất là ở bậc THCS.

Học sinh
Giáo viên Trường THCS Nghi Đức trao đổi với học sinh sau các tiết học. Ảnh: Mỹ Hà

Để thực hiện hiệu quả nội dung này, ngay đầu học kỳ này, lần đầu tiên ngành Giáo dục Nghệ An đã tổ chức hội nghị tất cả các hiệu trưởng của các trường THCS trên toàn tỉnh.

Trong hội nghị này, những kết quả đã đạt được, những khó khăn, bất cập đối với bậc giáo dục THCS cũng đã được mổ xẻ, phân tích. Đơn cử, theo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 năm học vừa qua, cho thấy chất lượng giáo dục chưa đồng đều và đang có khoảng cách giữa các vùng, miền.

Cụ thể, dù điểm trung bình thi vào lớp 10 là 17,87 điểm nhưng trong số 20 huyện, thành, thị, mức chênh lệch giữa các vùng khá rõ.

Trong đó, địa phương có điểm cao nhất là 21,74 điểm và chênh hơn 10 điểm so với địa phương có điểm thấp nhất (9,73 điểm). Toàn tỉnh có đến 11 địa phương có điểm trung bình thấp hơn mức trung bình chung cả tỉnh.

Điều này cũng kéo theo sự chênh lệch điểm ở các môn thi, đặc biệt là môn Tiếng Anh với điểm trung bình chung toàn tỉnh chỉ mới đạt 4,75 điểm và chỉ có 8 đơn vị có mức điểm trên trung bình trở lên.

Từ các số liệu này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Chúng tôi đã phân tích nhiều số liệu để có nhiều kênh khác nhau nhằm phân tích chất lượng giáo dục ở từng địa phương, từng nhà trường như điểm thi vào lớp 10, kết quả xếp loại học tập, xếp loại rèn luyện, các điều kiện đảm bảo để dạy và học ở các nhà trường.

img_9868(1).jpg
Tiết học của học sinh huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế cho thấy, công tác giáo dục ở Nghệ An còn nhiều khó khăn. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường, nhất là tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên dạy chéo, kiêm nhiệm, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...

Ngành Giáo dục sẽ đồng hành với các nhà trường và sẽ xây dựng các giải pháp một cách thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường.

Chúng tôi cũng xác định, nhiệm vụ quan trọng nhất của năm học này đó là phải tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, thực hiện song song vấn đề đảm bảo và kiểm định chất lượng. Đây cũng là những vấn đề cốt lõi để đảm bảo chất lượng giáo dục một cách toàn diện và có tính bền vững, lâu dài.

Ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Mới nhất

x
Nâng chất lượng giáo dục bằng 'học thật, thi thật'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO