Nâng hiệu quả Dự án mây, lùng
(Baonghean.vn) - Ngày 20/3 tại TP.Vinh, Sở Ngoại vụ Nghệ An phối hợp với Tổ chức Oxfam Hongkong tổ chức hội nghị thường niên Ban điều phối Dự án “Mở rộng phát triển chuỗi giá trị mây, lùng và người dân tộc thiểu số nghèo tỉnh Nghệ An” để đánh giá những thành tựu dự án đã đạt được trong năm qua và lập kế hoạch cho năm tiếp theo.
Dự án “Mở rộng phát triển chuỗi giá trị Mây/Lùng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số nghèo tỉnh Nghệ An” đã nhận được tài trợ từ Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) trong giai đoạn 3 năm (từ 2013- 2016). Dự án chính thức được triển khai từ tháng 4/2013, tại 4 huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông. Mục tiêu tổng thể của dự án nhằm giảm nghèo, tăng cường đa dạng hóa sinh kế và nâng cao khả năng phục hồi của nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ nghèo ở khu vực miền núi, thông qua phát triển chuỗi giá trị của mây/lùng. Năm đầu tiên của dự án chủ yếu tập trung thành lập các tổ nhóm cộng đồng, thiết lập thể chế thích hợp (cơ chế chỉ đạo, khảo sát đầu vào, lựa chọn đối tác và người thụ hưởng,…).
Trong năm 2013, dự án đã hoàn thành hầu hết các kế hoạch đặt ra, đạt 100% mục tiêu đã đề ra với việc hoàn thành 2 vườn ươm mây giống cung cấp 250.000 cây giống đạt tiêu chuẩn; đạt 65- 70% mục tiêu đã đề ra với 25 – 30 phụ nữ kiếm được 10 triệu đồng/người từ sản xuất hàng thủ công. Đến nay, tổng diện tích trồng mây đã được mở rộng đến 30 ha tại huyện Tương Dương, trong đó 20 ha được trồng mới tại 5 xã (Yên Hòa, Nga My, Xiêng My, Tam Thái, Tam Quang). Thành lập thêm 5 vườn ươm mây mới ở 4 huyện: Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong. 274.776 cây giống đã được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An chứng nhận. Tổng thu nhập từ nhóm sở thích nông dân làm vườn ươm mây giống là 199.343.200 đồng, … Dự án đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thu hút nguồn lao động, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện các huyện được hưởng lợi dự án và doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ mây tre đã đóng góp một số kiến nghị điều chỉnh để phù hợp và phát triển hiệu quả trong các năm tiếp theo, như dự án cần hướng đến mục tiêu thiết thực là sau 3 năm đồng bào dân tộc thiểu số có sống được bằng nghề không? Những gì chưa phù hợp nên cắt giảm để tập trung vào các mục tiêu sát với thực tế, đánh giá thực chất. Cần xây dựng mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp, đào tạo nghề gắn với bao tiêu sản phẩm, giáo dục ý thức lao động sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình thực hiện dự án nếu chỉ áp dụng cho 100% người nghèo tham gia thì rất khó thành công vì người nghèo hạn chế về mọi mặt nhất là khả năng về kinh tế để đầu tư sản xuất. Do đó nên áp dụng cho 50% hộ nghèo, còn lại hộ khá để kèm cặp, hỗ trợ lẫn nhau sẽ có kết quả khả quan hơn trong các năm tiếp theo…
Tin, ảnh: Quỳnh Lan