Nặng lòng với điệu ví

07/09/2015 08:42

(Baonghean) - Nửa thế kỷ dân ca gắn bó với chị như một phần máu thịt, với nhiều cống hiến thầm lặng, không biết mệt mỏi để duy trì và phát triển phong trào dân ca địa phương. Cũng nhờ chị mà CLB dân ca xã Ngọc Sơn trở thành địa chỉ tiếp đón các đoàn về nghiên cứu, thẩm định giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh làm hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Ngược Quốc lộ 46 về huyện Thanh Chương, không khó để tìm đến nhà nghệ dân dân gian Võ Thị Hồng Vân. Qua ngã ba Cầu Rộ, đi thêm 2km sẽ gặp một quán tạp hóa, nhỏ thôi nhưng nổi bật so với những quán tạp hóa khác với tấm biển “Hồng Vân - nhận viết bài, dàn dựng các chương trình, lễ hội, cho thuê trang phục biểu diễn” cùng chiếc tủ kính treo áo the, áo tứ thân cách điệu… Ở gian phía trong là phông sân khấu màu xanh đã ngả màu - đó là nơi sinh hoạt của CLB dân ca xã Ngọc Sơn hơn 5 năm nay.

Nở nụ cười tươi tắn, rạng rỡ trên khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, chị Võ Thị Hồng Vân, chủ nhiệm CLB dân ca xã Ngọc Sơn kể về quá trình gắn bó với những làn điệu dân ca quê nhà. Sinh năm 1965 trong một gia đình thuần nông ở xã Ngọc Sơn, chị Vân lớn lên cùng lời ru dân ca ngọt ngào của bà, của mẹ. Bà nội của chị, cụ Nguyễn Thị Liên (đã mất) và mẹ của chị - bà Lê Thị Vinh (năm nay 78 tuổi) là những “cây” dân ca nổi tiếng ở địa phương lúc bấy giờ nên tâm hồn tuổi thơ của chị đã thấm đẫm những làn điệu quê hương mộc mạc mà mặn mà, da diết. Những năm học cấp 1, cấp 2 ở trường làng, chị Vân đều là đội trưởng đội văn nghệ, đạt giải cao trong các hội thi văn nghệ các cụm trường. Học hết cấp 2, do điều kiện gia đình khó khăn nên chị phải nghỉ học. Năm 15 tuổi, chị Vân tham gia vào đội văn nghệ của HTX Lam Sơn.

Chị Võ Thị Hồng Vân đang lựa chọn trang phục biểu diễn dân ca.
Chị Võ Thị Hồng Vân đang lựa chọn trang phục biểu diễn dân ca.

Nhắc lại những năm tháng đó, giọng chị sôi nổi hẳn lên: “Đó là thời bao cấp, cuộc sống rất khó khăn các phong trào văn nghệ nói chung và phong trào hát dân ca nói riêng sôi nổi lắm. Với nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cổ vũ lao động sản xuất, đội văn nghệ của HTX tháng nào cũng biểu diễn, lúc thì ở sân đình, sân kho hợp tác, khi thì ở ngoài đồng, ngoài bãi sông. Anh chị em trong đội phải tự cắt may trang phục biểu diễn, còn khi lên sân khấu thì chỉ xoa một lớp phấn rôm, lông mày thì được kẻ bằng…nhọ nồi. Ấy vậy mà ai cũng hào hứng, say mê, tháng nào cũng ngóng đến gần ngày rằm để được biểu diễn. Còn bà con xã viên thì chen nhau đến xem, đông vui lắm. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết đội biểu diễn liên tục, từ 30 Tết cho đến sau Rằm tháng Giêng. Đầu những năm 1980, đội văn nghệ HTX Lam Sơn tham gia các liên hoan sân khấu của huyện và năm nào cũng đạt giải cao, còn cá nhân tôi cũng giành giải cá nhân xuất sắc”.

Năm 1985, Võ Thị Hồng Vân được Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Chương tuyển chọn vào đội văn nghệ quần chúng của huyện tham gia các hội thi, liên hoan văn nghệ cấp tỉnh và sớm thể hiện được sự nổi bật về chất giọng và phong thái của mình. Năm 1987, chị được Nhà hát Dân ca Nghệ Tĩnh tuyển chọn. Tưởng như đó là bước khởi đầu thuận lợi để chị Vân trở thành một diễn viên. Thế nhưng, năm đó, bố chị mất do tai nạn, là chị cả, nhìn 5 đứa em nheo nhóc, chị đành phải gác lại ước mơ của mình, trở về quê làm ruộng và nuôi dưỡng niềm đam mê dân ca bằng các hoạt động văn nghệ ở địa phương.

Năm 1988, chị Vân kết duyên cùng anh Nguyễn Văn Liêm là người cùng xóm. “Tôi rất may mắn khi lấy được một người rất yêu và hiểu về dân ca ví, giặm. Không những ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi tham gia các hoạt động văn nghệ của xã, của xóm, anh ấy còn có những góp ý bổ ích về kịch bản, dàn dựng chương trình hay thể hiện các làn điệu. Đến nay, 4 thế hệ trong gia đình đều yêu môn nghệ thuật dân tộc này", chị tâm sự.

Cuối những năm 1980, cùng với sự giải thể của HTX Lam Sơn, đội văn nghệ cũng dần tan rã. Tuy vậy, chị Vân vẫn là một cộng tác viên văn nghệ tích cực của Trung tâm văn hóa huyện, thường xuyên tham gia các cuộc thi văn nghệ cấp tỉnh. Năm nào cũng được nhận giấy khen của Trung tâm Văn hóa, UBND huyện, của Sở Văn hóa do có thành tích xuất sắc trong hoạt động văn nghệ quần chúng, trong viêc lưu giữ và phát triển dân ca ví, giặm. Cuối những năm 1990, chị Vân tham gia sinh hoạt CLB dân ca của huyện. Sau này, vì một số lý do, CLB phải giải tán nhưng ý thức được vai trò của việc bảo tồn vốn quý của cha ông và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương, chị đã đề nghị Trung tâm Văn hóa và Đảng ủy, UBND xã cho phép thành lập CLB dân ca xã Ngọc Sơn và được chấp thuận. Tháng 7/2009, CLB dân ca xã Ngọc Sơn ra mắt với 24 thành viên. Việc ra đời CLB đã khơi dậy niềm đam mê dân ca ví giặm của rất nhiều người dân trong xã. Đến nay CLB đã có 40 thành viên với đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Có người là giáo viên, viên chức về hưu, học sinh, có người là nông dân, nhỏ tuổi nhất là 2 cháu Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Trang – 7 tuổi, lớn tuổi nhất là cụ Lê Thị Vinh – mẹ ruột chị Vân. Các thành viên CLB không chỉ trên địa bàn xã Ngọc Sơn mà còn ở các xã khác như Phong Thịnh, Thanh Văn, Đồng Văn… Cứ mỗi tháng 2 lần, các thành viên trong CLB lại quây quần bên nhau, cùng xướng lên những điệu ví mang đậm bản sắc dân gian, tình yêu vợ chồng, cuộc sống thường ngày... Kinh phí hoạt động ngoài một phần nhỏ hỗ trợ từ xã, huyện, còn lại do các thành viên đóng góp. Ngoài cùng nhau ca hát để thỏa mãn niềm đam mê dân ca ví, giặm, CLB còn giúp xã, huyện và các cơ quan, đơn vị, trường học viết kịch bản, dàn dựng các chương trình sân khấu tuyên truyền về các ngày lễ lớn, về an toàn giao thông, dân số, phòng chống ma túy… như là cách để có thêm kinh phí hoạt động.

Nhiều thành viên tích cực của CLB đã trở thành những “cây” dân ca có tiếng của huyện như anh Đậu Đình Dũng, chị Lê Thị Thành, chị Võ Thị Mão, cháu Nguyễn Thị Thanh Xuân, cháu Võ Thanh Thịnh… Trải qua 5 năm hoạt động nhưng CLB xã Ngọc Sơn đã nhiều lần tham gia Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, lần nào cũng giành được giải thưởng và luôn nằm trong top 3 các CLB xuất sắc; CLB là nơi tiếp đón và báo cáo nhiều chương trình cho các đoàn về nghiên cứu, thẩm định giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh để làm hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những thành quả đáng tự hào đó có công sức gây dựng, truyền cảm hứng rất lớn từ người chủ nhiệm tận tụy Võ Thị Hồng Vân.

Chị Võ Thị Hồng Vân (giữa) đang điều hành buổi sinh hoạt CLB dân ca  xã Ngọc Sơn.
Chị Võ Thị Hồng Vân (giữa) đang điều hành buổi sinh hoạt CLB dân ca xã Ngọc Sơn.

Hiện nay, dù vất vả mưu sinh nhưng mỗi lúc rảnh rỗi chị lại tập hát và sáng tạo những điệu ví, câu ca mới để tập cho CLB. Bởi, với chị dân ca đã ăn vào máu thịt. Chị Vân có 4 người con thì tất cả đều mê dân ca, đặc biệt là 2 con gái Nguyễn Thị Hoa (SN 1990) và Nguyễn Thị Phượng (SN 1991) thường xuyên tham gia cùng mẹ vào các hoạt động văn nghệ ở địa phương. Hiện nay, cả Hoa và Phương đều đã lập gia đình và sống ở TP Vinh nhưng mỗi khi có các hội thi, các buổi diễn vẫn về giúp mẹ viết kịch bản, dựng chương trình.

Năm 2013, được phong tặng Nghệ nhân dân gian và đầu năm 2015 này chị là 1 trong 12 nghệ nhân của tỉnh được vinh danh là Nghệ nhân ưu tú. Và chị cũng là một trong những cá nhân điển hình tiêu biểu đại diện cho huyện Thanh Chương tham dự Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 sắp tới. Tuy vậy, điều mà chị Vân hướng tới không phải là những thành tích cá nhân. “Dân ca ví giặm đã được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên tôi chỉ mong rằng di sản quý báu đó mãi mãi trường tồn trong lòng các thế hệ. Vì vậy, sắp tới, bên cạnh duy trì và phát triển CLB dân ca xã Ngọc Sơn, tôi chỉ mong các ngành, các cấp ở huyện Thanh Chương tạo điều kiện cho CLB được đến các trường học để truyền cảm hứng và phổ biến các làn điệu ví, giặm quê nhà cho các cháu học sinh, vấn đề kinh phí chúng tôi tự lo” – chị Vân tâm sự.

Minh Quân

Mới nhất
x
Nặng lòng với điệu ví
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO