Nặng lòng với Trường Sa

04/01/2012 16:12

(Baonghean.vn) - "Vị giáo sư của Trường Sa"- đại tá, Giáo sư - Tiến sỹ - Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Lượng, quê ở Hòa Sơn, Đô Lương, hiện đang công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng. Lần gặp ông mới đây, chúng tôi mới biết nhiều kỷ niệm về Trường Sa của ông và đồng đội...

Ông kể, nhưng vẫn không quên nói rằng, chỉ là những chuyện nhỏ, kể để cùng nhớ lại thôi... "Lần đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ ra Trường Sa là năm 1992. Chuyến đi thật háo hức và hồi hộp". Mỗi chuyến đi như thế, tính bình quân phải mất 48h, tới đảo xa nhất có thể hết 53h, tức 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển cả.

Tôi lính cũ, được mọi người gọi là anh, là chú, là thầy, nhưng lâu nay chuyên ngồi nghiên cứu khoa học, có đi lại, có cơ động, nhưng nói chung vẫn là lính cậu. Nên xuống tàu được một lúc là say sóng. Phải xin nằm ở chỗ thấp nhất của tàu mà vẫn thấy mình quá chông chênh trên nước biển, cứ muốn làm sao cho mình mỏng hơn, dán mình sát với boong để đỡ say. Tôi say sóng suốt hai ngày hai đêm ấy. Quanh tôi, nhiều anh em cũng say nghiêng ngả, nôn mửa không ngớt.



Kỷ vật Trường Sa - con cá mập, món quà bộ đội Trường Sa bắt được và lưu giữ để tặng"Giáo sư của Trường Sa".


Lần đầu say, lần thứ hai, thứ ba... đều say cả, nên sau này, cho tới lần thứ mười ba ra Trường Sa, tôi đề nghị bố trí cho mình một hộp sữa và một hộp bánh quy để trên đầu chỗ nằm. Ra Trường Sa, riêng việc chiến đấu với say sóng tôi cũng đã nhừ tử rồi.

Sống với anh em, từ cuộc sống của anh em mà tìm ra những con số cụ thể cần thiết cho mọi công trình phòng thủ chúng tôi nghiên cứu. Chẳng hạn, khi nghiên cứu bờ kè trên đảo, không thể thiết kế mặt kè chỉ 20 cm, mà phải tăng lên từ 60 - 80 cm. Hãy hình dung, anh em sẽ đi tuần tra trên đó, sao cho thật vững chân, thật an toàn. Hay khi gió mát, trăng thanh, hãy hình dung bộ đội ngồi ngóng trăng lên, có thể trải một tấm vải bạt, một chiếc chiếu con... sao cho vừa vặn, cho kín ?


Quá trình đi, về, vào, ra, cùng sống và chiến đấu đó là quá trình nghiên cứu, thực nghiệm khoa học của anh em chúng tôi ở Trường Sa. Cán bộ, chiến sỹ ở đây vốn gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, huấn luyện sΩn sàng chiến đấu. Vì vậy, cần có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhằm áp dụng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lính nơi hải đảo.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu địa chất về san hô ở Trường Sa còn là vấn đề mới. Thực tế cho thấy, các đảo ngoài khơi phần lớn là đảo nhỏ, san hô phân bố theo cụm, tạo lá chắn quan trọng bao quanh vùng biển và dải bờ biển Việt Nam, trấn giữ đường biên giới biển và góp phần to lớn trong việc giữ vững an ninh quốc phòng. Đặc điểm nổi bật của công trình biển đảo nói chung là xa đất liền, điều kiện đi lại và thi công khó khăn, luôn chịu các loại tải trọng phức tạp và môi trường khắc nghiệt. Vì điều kiện khảo sát khó khăn và nguy hiểm, nên việc động viên đội ngũ cán bộ khoa học tham gia thực hiện đề tài cũng gặp không ít khó khăn. Chúng tôi đã dành rất nhiều mồ hôi, trí tuệ để đạt được khối lượng công việc lớn và quan trọng, dồn tâm sức thực hiện đề tài trong thời gian sớm nhất.

Tháng 2/2010, đề tài hoàn thành trước thời hạn 2 tháng so với kế hoạch. Chúng tôi đã hoàn thành xây dựng bộ số liệu về tính chất cơ lý của san hô và nền san hô của vùng quần đảo Trường Sa, phục vụ xây dựng dự án tiền khả thi và thiết kế khả thi các công trình dân sinh và quốc phòng trên vùng quần đảo. Công trình nghiên cứu được Bộ Tư lệnh Hải quân đánh giá cao về ứng dụng thực tiễn. Những số liệu nghiên cứu cũng được cung cấp cho Phòng công binh Hải quân để ứng dụng vào tính toán thiết kế, thi công các công trình trên đảo như: bờ kè bảo vệ, hệ thống hầm hào, tạo môi trường xanh sạch, giúp bộ đội có điều kiện sinh hoạt tốt hơn...".


Say sưa kể chuyện một hồi, rồi ông bỗng trầm ngâm như biển lặng: "Những ngày ở giữa mênh mông sóng nước, càng yêu quý biết bao cuộc sống thanh bình. Ai cũng quên hết mọi nhỏ nhặt, bon chen đời thường, ai cũng như gần gũi hơn, yêu thương nhau hơn, nghĩa tình với nhau hơn.


Tôi đã gặp rất nhiều đồng hương Nghệ- Tĩnh trên các đảo nổi, đảo chìm. Họ cứ cố tìm mọi cách để nhóm chúng tôi vào cập đảo thật thuận tiện, dành rau xanh, nước ngọt cho chúng tôi mỗi ngày. Mỗi câu chuyện, mỗi lời thăm hỏi càng khiến cho mỗi chúng tôi gắn bó với nhau hơn. Mười ba lần ra Trường Sa, tôi đều gặp những con người ấy, giọng nói trọ trẹ, đôi mắt quầng sâu kiên gan, bền chí. Tôi biết rằng, không có họ, không có sự giúp đỡ của họ, chúng tôi không thể có được thành công. Sau này, có vị lãnh đạo hỏi tôi giá trị thu được sau mỗi chuyến đi Trường Sa là gì ? Tôi trả lời : Bản thân sống và làm việc tốt hơn, tình người, tình đồng chí, đồng đội vẹn tròn hơn !


Và thật ngạc nhiên khi giờ đây ngồi kể chuyện với mọi người, tôi không thể lý giải vì sao rất nhiều người đã vượt qua vô vàn khó khăn một cách nhẹ nhàng đến thế? Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Khi đã ở giữa biển muôn trùng ấy, ai cũng biết cách nắm chặt tay nhau, sống cùng sống, chết cùng chết!".


Như vây đó, người nghệ ấy đã 13 lần ra công tác ở Trường Sa, không chỉ đổ mồ hôi mà cả trí tuệ vì những tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc ngoài biển cả.

Một người say sóng, nhưng không bao giờ sợ sóng!


Yên Ba

Mới nhất
x
Nặng lòng với Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO