Nâng nhận thức về sàng lọc trước khi sinh

10/07/2013 19:07

(Baonghean) - Mỗi năm Nghệ An có khoảng hơn 50.000 trẻ em được sinh ra, TRONG ĐÓ có từ 1,5 - 3% trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền. Một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu những tác hại này là sàng lọc trước sinh và sơ sinh…

Một cuộc khảo sát mới đây của ngành dân số cho thấy, hiện tỉnh ta có gần 13.000 trẻ em bị khuyết tật (chiếm 1,6% trong tổng số trẻ em từ 0 – 16 tuổi) và trung bình mỗi năm có khoảng 850 trẻ em bị dị tật bẩm sinh được sinh ra (chiếm 1,9% tổng số trẻ sinh ra hàng năm) và còn có hàng trăm trẻ em bị khuyết tật do các nguyên nhân khác. Đây là một thách thức rất lớn đối với các ngành, các cấp, các gia đình trong việc đảm bảo cho các em được phát triển bình thường về thể chất, tinh thần cũng như khả năng học tập và hòa nhập cộng đồng, tăng thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Do chưa có trung tâm sàng lọc trước sinh nên những năm qua việc phát hiện trẻ bị dị tật bẩm sinh ở tỉnh ta gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, số bà mẹ mang thai đến siêu âm, kiểm tra thai định kỳ mới chỉ có 35,81%. Số còn lại đã bỏ qua thời kỳ sàng lọc rất quan trọng để can thiệp và phát hiện sớm đối với các dị tật của thai nhi. Trong khi đó, một số bệnh nếu phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh có thể giúp cho trẻ phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ. Can thiệp, điều trị bệnh ở giai đoạn bào thai và sơ sinh là một hướng tích cực nhằm giảm thiểu tỷ lệ người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong dân cư.



Khám thai cho sản phụ tại Trung tâm CSSKSS tỉnh. Ảnh: Từ Thành

Với mục tiêu đến cuối năm 2015 có 15% phụ nữ có thai được sàng lọc trước sinh, 30% số trẻ sơ sinh được sàng lọc, từ năm 2011, Đề án “Nâng cao chất lượng dân số qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm dị tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” đã được triển khai thí điểm ở 30 xã thuộc 5 huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc và Thị xã Cửa Lò.

Tại huyện Nghi Lộc, ngay từ khi mới triển khai đề án này, Trung tâm Dân số - KHHGĐ đã có nhiều hoạt động truyền thông như tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp cho phụ nữ mang thai, sản phụ và đối tượng liên quan tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trong hoạt động này, ông Phạm Ngọc Khanh - Phó Giám đốc trung tâm cho rằng, khó khăn nhất là vận động các gia đình lấy máu ở gót chân để tiến hành xét nghiệm cho con, bởi: “Nói thì họ hiểu nhưng để vận động họ đồng ý thì không dễ bởi gia đình nào cũng xót con, thương con, sợ con còn quá nhỏ. Trong khi đó theo quy định trẻ em mới sinh ra trong 24 giờ phải lấy máu ngay, mỗi lần phải lấy đủ ba giọt đúng nơi gót chân của trẻ”.

Đến khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc, trực tiếp nghe các bác sỹ, hộ sinh tư vấn cho người nhà các sản phụ mới thấy công việc này chẳng đơn giản chút nào. Nhiều trường hợp phải nói đến gần 30 phút, vừa thuyết phục được sản phụ thì vấp phải phản đối của các ông bà. Để mọi người tin tưởng, chị Đặng Thị Hội - hộ sinh lần nào cũng phải lấy chính trường hợp của con mình ra để thuyết phục mọi người. Bền bỉ như vậy, nên trong 6 tháng đầu năm 2013 các chị đã thực hiện được việc lấy mẫu máu của 300 trẻ sơ sinh ( chiếm ½ tổng số trẻ sinh ra). Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà – Phó khoa Sản còn nói đùa: “Vận động được một gia đình đồng ý còn hơn một ca đỡ đẻ khó”.

Quá trình triển khai ở các trạm y tế xã và các bệnh viện cũng cho thấy một số khó khăn khác như: Do địa bàn từ trạm y tế đến cơ sở bưu điện ở một số huyện khá xa, trong khi yêu cầu sau 24h phải gửi mẫu đi Trung tâm Sàng lọc trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nên nhiều cơ sở y tế chưa nhiệt tình với việc lấy mẫu và gửi mẫu; một số nơi lấy máu nhưng vài ba ngày mới đi gửi bưu điện một lần nên tính chính xác chưa cao. Một số địa phương triển khai mô hình chưa chú trọng đúng mức công tác truyền thông, nhiều sản phụ chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin về sàng lọc trước sinh và sơ sinh…

Trong số 2.760 mẫu máu gửi về Trung tâm Sàng lọc trước sinh, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, có 30 mẫu thiếu men G6PD cần theo dõi và điều trị kịp thời (thiếu G6PD có thể gây biến chứng vàng da, dẫn đến bệnh lý về não có thể gây tử vong, hay biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động)...; có 5.301 ca siêu âm, trong đó phát hiện 89 ca bệnh lý, đình chỉ thai nghén 80 ca, chuyển theo dõi và điều trị 9 ca.

Từ đó, có thể thấy việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cũng chính vì điều đó, nên từ năm 2013, thay vì chỉ triển khai trong 5 huyện, thị, tỉnh ta đã quyết định triển khai dự án này trên tất cả 21 huyện, thành, thị. Đây thực sự là một cơ hội tốt cho các bà mẹ và các trẻ mới sinh để hạn chế ít nhất những dị tật có thể xảy ra trong quá trình mang thai và khi trẻ ra đời. Điều quan trọng bây giờ là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường vận động, tư vấn để mọi người hiểu và xem đây là một trong những việc làm bình thường để con sinh ra được khỏe mạnh.


Mỹ Hà

Mới nhất

x
Nâng nhận thức về sàng lọc trước khi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO