Nâng tỷ lệ đầu tư ngân hàng phải bảo đảm không xung đột lợi ích
(Baonghean) - Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại Hoa Kỳ vừa kết thúc ngày 6/7, trong phiên thảo luận doanh nghiệp, việc kêu gọi đầu tư tài chính nước ngoài vào khu vực ngân hàng rất được các nhà đầu tư (NĐT) Hoa Kỳ quan tâm. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bảo hiểm BIDV, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
P.V. Thưa ông, ông có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Nghệ An về triển khai hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của BIDV thời gian qua đã đạt kết quả như thế nào?
Ông Phạm Quang Tùng: BIDV là một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, được thành lập từ năm 1957, hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và đầu tư tài chính, có mạng lưới kinh doanh rộng khắp tại Việt Nam và đang phục vụ hơn 7 triệu khách hàng cá nhân, hơn 80.000 khách hàng tổ chức. Thương hiệu BIDV được cộng đồng trong nước và quốc tế biết đến và ghi nhận là một trong những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam. Với hơn 22.000 cán bộ và chuyên gia tư vấn tài chính, BIDV cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho khách hàng DN và khách hàng cá nhân. Cho đến nay, BIDV đã triển khai hoạt động kinh doanh tại một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc; tham gia liên doanh với các đối tác nước ngoài khác tại Việt Nam. Được cổ phần hóa từ tháng 11/2011, hiện cổ phiếu của BIDV được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh - HOSE từ 1/2014 với vốn điều lệ hiện tại là 31.481 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD), tỷ lệ sở hữu nhà nước hiện là 95,28%.
Giao dịch tại Chi nhánh BIDV Nghệ An. Ảnh: Quỳnh Lan |
Trong lĩnh vực bảo hiểm, BIC là một trong các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam với 25 công ty thành viên và 120 phòng kinh doanh, độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ qua BIDV. Tới năm 2014, BIC có tổng phí bảo hiểm gốc hợp nhất đạt 1.219 tỷ đồng (tương đương 60 triệu USD), liên tục có tốc độ tăng trưởng và khả năng sinh lời cao. BIC được xếp hạng tín nhiệm B+ bởi A.M.Best và đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh từ 2011. Ngày 4/5/2015, BIC đã ký được hợp đồng đặt mua cổ phần với FairFax Asia Limited, một công ty thuộc sở hữu toàn bộ của Fairfax Financial Holdings, nhà bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Canada. Theo đó, FairFax sẽ mua 35% cổ phần phát hành mới của BIC, tương đương với 41.046.913 cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIC.
Ngoài ra, BIDV còn sở hữu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng (tương đương 48 triệu USD), trong đó MetLife sở hữu 60%, và 40% còn lại do BIDV và BIC nắm giữ (tương ứng 35% và 5%). Liên doanh BIDV MetLife sẽ tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Liên doanh BIDV MetLife sẽ phát huy sức mạnh của các bên để trở thành đơn vị cung cấp sản phẩm bảo hiểm vững mạnh và đáng tin cậy. Khách hàng Việt Nam có cơ hội tiếp cận với trình độ chuyên môn, độ an toàn tài chính cao, và các sản phẩm, dịch vụ tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, Liên doanh sẽ phát huy hiểu biết sâu sắc của BIDV về nhu cầu tài chính của khách hàng Việt Nam, và hệ thống mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc.
P.V: Với những lợi thế đó, BIDV mang tới Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính quốc tế lần này ở Hoa Kỳ cơ hội đầu tư nào, thưa ông?
Ông Phạm Quang Tùng: Sang Hoa Kỳ lần này để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới với các đối tác tài chính Hoa Kỳ, chúng tôi muốn chia sẻ sự thành công trong hợp tác Liên doanh bảo hiểm với đối tác MetLife, về lý do, mục tiêu các bên đến với nhau trong liên doanh, vai trò của đối tác Hoa Kỳ. Việc thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ là hướng tới hình thành một công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, kết hợp giữa kinh nghiệm hoạt động và tiềm lực tài chính của tập đoàn bảo hiểm nhân thọ có đẳng cấp quốc tế là MetLife với hệ thống chi nhánh và khách hàng rộng khắp tại Việt Nam của BIDV.
Trong thực tế, việc thành lập liên doanh là để cung cấp sản phẩm ngân hàng - bảo hiểm trọn gói đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, đóng góp vào sự đa dạng và tăng tính cạnh tranh đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam thông qua việc tiếp cận thị trường bằng các loại hình sản phẩm có chất lượng tiên tiến và sức cạnh tranh đối với các sản phẩm khác trên thị trường. Và điều quan trọng nhất đây chính là kênh huy động nguồn vốn mới cho BIDV nói riêng và cho thị trường tài chính nói chung, tận dụng và phát huy được sức mạnh của từng bên đối tác liên doanh. Với BIDV, đây là thế mạnh về nguồn khách hàng đa dạng, tiềm năng đến từ mạng lưới hoạt động rộng khắp được phục vụ bởi nguồn nhân lực dồi dào có trình độ kinh nghiệm chuyên môn trong triển khai các dịch vụ tài chính. Với MetLife, đó là thế mạnh về tiềm lực tài chính, trình độ năng lực quản trị và phát triển các dự án mới và thành công trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tại các nước trong khu vực châu Á.
Cần lưu ý rằng chúng tôi ý thức rõ những nhân tố dẫn đến việc hợp tác thành công, hình thành nên được liên doanh phải là nhu cầu, chiến lược phát triển của hai bên, tinh thần hợp tác trong quá trình tìm hiểu, đàm phán và sự ủng hộ của các cơ quan quản lý.
P.V: Kế hoạch phát triển kế tiếp của BIDV sau khi “mang chuông đi đánh” thành công ở Hoa Kỳ là như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Quang Tùng: Không chỉ là sau hội nghị này mà ngay trên bàn tròn của hội nghị, chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi NĐT nước ngoài đầu tư mua cổ phần tại BIDV. Sau khi thực hiện niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán tháng 1/2014, với mục đích để tăng cường hơn nữa năng lực tài chính, cải thiện quản trị doanh nghiệp, phát triển dịch vụ ngân hàng và nâng cao công tác quản lý rủi ro, BIDV đã xây dựng kế hoạch tìm kiếm và phát hành cổ phần cho NĐT nước ngoài.
Cụ thể, chúng tôi cần một NĐT chiến lược và một NĐT tài chính, trong đó tỷ lệ dự kiến dành cho NĐT tài chính là 10%, NĐT chiến lược từ 15-20% vốn điều lệ mới của BIDV. Thông qua việc bán cổ phần cho NĐT nước ngoài, BIDV sẽ thực hiện lộ trình giảm dần tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước tại BIDV xuống còn mức 65% tùy thuộc vào tỷ lệ phát hành thành công cụ thể của các giao dịch. Việc thực hiện bán cổ phần cho NĐT nước ngoài được thực hiện theo phương thức phát hành thêm cổ phần: sau khi phát hành, tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của BIDV.
BIDV mong muốn NĐT chiến lược nước ngoài hỗ trợ BIDV về mô hình quản trị theo thông lệ tốt nhất, về phát triển sản phẩm dịch vụ, quản lý rủi ro, về công nghệ thông tin và dịch vụ ngân hàng điện tử và về chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, NĐT nước ngoài của BIDV phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược đối với ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa. Cụ thể, cổ đông chiến lược phải thỏa mãn các tiêu chí cơ bản về quy mô, với tổng tài sản trên 20 tỷ USD, về kinh nghiệm (ít nhất 5 năm kinh nghiệm), về định hạng tín nhiệm, nắm giữ lâu dài, cam kết hỗ trợ kỹ thuật và bảo đảm không xung đột lợi ích.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Sông Hồng
(Thực hiện)