Nao nức “về Rằm”

04/02/2012 21:45

Ngày thơ trẻ, tôi chỉ biết đến Rằm Tháng Giêng đơn thuần là ngày Tết Nguyên tiêu, ngày trăng rằm đầu tiên của một năm.  Những ngày Rằm xưa ấy, bà tôi hay đi lễ chùa làng, đem về chia cho mỗi cháu một nắm oản nhỏ và cài vào khuy áo mỗi đứa một dây vải đỏ nói là vải “ áo Phật” để lấy may. Bà tôi hay đọc câu ca: “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm Tháng Giêng” và nói cho chúng tôi biết về ý nghĩa quan trọng của ngày này:

(Baonghean.vn) - Ngày thơ trẻ, tôi chỉ biết đến Rằm Tháng Giêng đơn thuần là ngày Tết Nguyên tiêu, ngày trăng rằm đầu tiên của một năm. Những ngày Rằm xưa ấy, bà tôi hay đi lễ chùa làng, đem về chia cho mỗi cháu một nắm oản nhỏ và cài vào khuy áo mỗi đứa một dây vải đỏ nói là vải “ áo Phật” để lấy may. Bà tôi hay đọc câu ca: “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm Tháng Giêng” và nói cho chúng tôi biết về ý nghĩa quan trọng của ngày này: đây là ngày vía của Phật tổ, còn là ngày vía của thiên quan. Ngày này, người ta cũng thường dâng lễ cúng sao giải hạn. Những mâm lễ dâng lên chùa với cả tấm lòng thành kính, khát nguyện điềm lành. Và trong tâm thức chúng tôi, cũng như người dân quê, hết Rằm, mới chính thức hết Tết. Lũ trẻ con ngậm ngùi chia tay với những ngày rong chơi cùng áo mới, những xu mừng tuổi leng keng trong cái túi len nhỏ mẹ đan treo toòng teng trước ngực.

Lớn hơn lên, tôi biết được Rằm Tháng Giêng có khởi nguyên từ Trung Hoa với câu chuyện hay về nỗi muộn sầu nhớ thương cha mẹ mà không biết cách nào gặp được của các cung nữ thời Hán Vũ đế. Theo kế của Đông Phương Sóc, các cung nữ đã có thể ra ngoài thành gặp được cha mẹ, và hình thành từ đây tục lệ treo đèn lồng. Vì thế, Tết Nguyên tiêu ở Trung Hoa còn là ngày hội hoa đăng.

Nguyên tiêu ở nhiều nơi tổ chức to lắm. Có phong tục làm bánh để dâng lên tổ tiên và thần phật. Ở Hội An có ngày hội đèn lồng. Gần đây, Ngày Thơ Việt Nam cũng nhằm ngày Rằm Tháng Giêng tổ chức như một lễ hội tôn vinh các thành tựu thi ca và được hưởng ứng trên khắp các địa phương cả nước.

Với tôi bây giờ, Rằm Tháng Giêng còn thiêng liêng, trang trọng hơn thế rất nhiều. Rằm đầu tiên trong cuộc đời làm dâu, tôi được về quê chồng nhận họ, dự lễ tế Tổ. Và rồi từ đó, từ khi tên mình được xướng lên cùng tên tuổi con cháu trong bài cúng của dòng họ, thì dường như một phần hồn của mình đã thuộc về nơi đó. Để rồi, năm nào cũng thế, tôi cũng như con cháu họ tộc, cả dâu rể dù xa xôi mấy cũng có chung nỗi nao nức “ về Rằm”. Vùng đất Quỳnh Lưu đến Rằm Tháng Giêng vui lắm. Nhiều gia đình, con cháu có thể mấy ngày Tết Nguyên đán không thể về được nhưng lại hẹn gặp mặt ngày Rằm.

Từ ngày 14 Tháng Giêng âm lịch, đường làng đã bắt đầu chật xe. Chiều hôm ấy, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la… đã bắt đầu nổi lên vang rền trong nhiều nhà thờ họ, và trên các ngả đường dẫn ra nghĩa trang của làng. Con cháu trong dòng tộc cùng nhau đi tảo mộ. Không một ngôi mộ nào của dòng tộc được bỏ sót. Cả đoàn người đông đúc, đến từng ngôi mộ đắp đất cho cao hơn, sửa sang, quét tước, dọn cỏ và thắp hương. Lũ trẻ con lúc này cũng thành kính đứng bên bố mẹ để nghe giải thích: Con ơi, đây là mộ Tổ, đây một ông cố nhà mình… Trong gió xuân, đôi năm còn lây rây mưa phùn, mùi hương khói, mùi cỏ cháy khiến con người nao nao. Những nấm đất đơn sơ, những hàng bia lạnh… như ấm dần lên, thân thiết lạ lùng. Chúng tôi chờ cho hết tuần hương mới lục tục ra về.

Qua mấy khu vườn còn thắp hương cho những ngôi mộ lẻ và nghe chuyện kể về những người nằm dưới mộ. Câu chuyện nhắc đi, nhắc lại hàng năm để mỗi người thêm khắc ghi.Về đến nhà trưởng tộc, cũng là lúc làm lễ yết trong nhà thờ họ. Đàn ông, con trai lo việc cúng tế, khói hương. Đàn bà thì vào bếp lo dọn cỗ bàn.

Ngày chính Rằm, từ tinh mơ, đàn bà, con gái đã í ới gọi nhau trở dậy. Có những người làm dâu xa cũng cố về giúp việc họ từ sớm. Dòng họ nhà tôi lúc nào cũng mấy chục mâm cỗ. Tiếng bếp lửa reo tí tách, tiếng nước sôi, tiếng gà, lợn kêu, tiếng chân người bước vội, giọng bà dâu trưởng họ giục con dâu hái đỗ trong vườn… Tất cả những âm thanh đó dội vào một cõi nào thẳm sâu trong tâm trí, thức dậy những xúc động nghẹn ngào. Cái chộn rộn ấy khiến con người giật mình trong mơ hồ sự gặp gỡ quá khứ- hiện tại. Có sự trở về của một miền thôn quê trong những con người bấy lâu quay quắt cùng công việc và phố thị.

Và rồi, phút tề tựu của tất cả mọi người trong gian nhà thờ họ để chứng kiến những nghi thức lễ tế bắt đầu vào buổi trưa Rằm. Ông tộc trưởng mặc áo tế dài, đội mũ cánh chuồn trang trọng quỳ lạy theo lời khấn của một trưởng lão thông thạo văn tự chữ Nho trong họ. Đứng hai bên ban thờ là những anh có vai vế, thắp lần lượt những nén hương sau mỗi hồi trống đánh lên. Đàn ông vòng trong, đàn bà vòng ngoài… không khí trang nghiêm, những câu chuyện thăm hỏi cũng được nói rất khẽ khàng. Hết bài cúng là lễ trao thưởng cho con cháu có thành tích học tập, biểu dương những gia đình có nhiều công lao đóng góp, nuôi dạy con cái làm rạng danh dòng tộc. Phần thưởng giản đơn cho lũ trẻ học giỏi nhưng đứa nào cũng háo hức, tự hào. Tự hào vì cái tên mình được xướng lên giữa họ, vì hình như chúng cũng cảm nhận được sự đóng góp, trách nhiệm bé nhỏ của mình sẽ bắt đầu từ đây…

Mâm cỗ dọn ra trong ồn ào hỏi han, chúc tụng. Để rồi, trong câu hỏi thăm có thầm một lời hẹn: năm sau lại gặp nhau trong Rằm!
Hết Rằm, người lên xe đi làm ăn xa, kẻ mang nón về lại quê chồng bên kia con sông. Nhiều trai trẻ với hành lý lại được sắm sanh chuẩn bị cho chuyến đi lập nghiệp. Trong tim mỗi người, có thêm một niềm tin về một nơi nâng đỡ và đón đợi… Để mỗi năm, bước chân lại nao nức về với họ, với Rằm.


Thùy Vinh

Mới nhất
x
Nao nức “về Rằm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO