NATO chia rẽ vì vị trí chỉ huy chiến dịch ở Libya
Trong khi Mỹ đang muốn nhanh chóng chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch quân sự ở Libya cho các nước khác thì NATO lại đang chia rẽ sâu sắc về việc họ có nên tiếp nhận vai trò chỉ huy đó từ tay Mỹ hay không.
Tổng thống Barack Obama đang ở thăm El Salvador thừa nhận, sẽ phải mất một thời gian để NATO thống nhất được với nhau về vấn đề chỉ huy các cuộc tấn công nhằm vào Libya.
"Tôi hy vọng, trong vài ngay tới, chúng tôi sẽ làm rõ được về vấn đề này khi tất cả mọi người ngồi lại họp bàn với nhau," ông Obama cho biết. Trong khi đó, đại sứ các nước thành viên NATO đã có một cuộc họp ở thủ đô Brussels của Bỉ trong ngày hôm qua (22/3) nhưng không thể tìm kiếm được bất kỳ thỏa thuậnnào về vấn đề vai trò của NATO trong chiến dịch quân sự ở Libya.
Pháp không đồng ý trao lại quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO mà kêu gọi thành lập một ủy ban chính trị đặc biệt gồm ngoại trưởng các nước thành viên trong liên quân để giám sát chiến dịch. Ủy ban này sẽ có sự tham gia của các nước Ả-rập.
Mới phát động được vài ngày, nhưng chiến dịch quân sự nhằm vào Libya đã phải đối mặt trước khó khăn chọn người đứng đầu. Ảnh: Internet
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, ủy ban trên đã nhận được sự ủng hộ của Anh và sẽ “có cuộc gặp trong những ngày tới ở Brussels, London hoặc Paris. Ủy ban này sẽ có các cuộc họp thường xuyên để chứng tỏ rõ rằng quyền giám sát chiến dịch đang nằm ở đây."
Trong khi đó, Nhà Trắng lại nói rằng, Tổng thống Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đã đồng ý qua các cuộc điện đàm rằng NATO nên đóng “vai trò chính” trong bộ máy chỉ huy chiến dịch trong tương lai.
Nhưng vẫn có sự không rõ ràng ở đây bởi Pháp chỉ nói rằng, Tổng thống Sarkozy đồng ý với người đồng cấp Obama về cách mà bộ chỉ huy NATO sẽ được sử dụng để ủng hộ liên quân nhưng không nói rõ cụ thể đó là cách gì.
Mỹ gợi ý, cơ cấu chỉ huy mới có thể giống với chiến dịch của liên quân ở Afghanistan. Theo đó, Lực lượng Hỗ trợ Hòa bình Quốc tế (ISAF) của NATO sẽ nắm quyền chỉ huy cùng với quân đội Mỹ.
"NATO có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác, phối hợp với các đối tác chưa phải là thành viên của NATO trong những chiến dịch phức tạp. Chúng tôi tin rằng, chúng tôi sẽ có thể đưa ra một bộ máy chỉ huy hiệu quả giúp tận dụng những khả năng thực thế mà NATO có," một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết.
Khác với quan điểm của Mỹ, Pháp không muốn trao gậy chỉ huy cho NATO vì lo sợ phản ứng từ các nước Ả-rập. Trong khi đó, Mỹ vẫn khăng khăng cho biết, họ muốn trao quyền lãnh đạo chiến dịch cho một liên minh quốc tế. Ý kiến của Mỹ nhận được sự ủng hộ của Anh, Canada, Italia và nhiều nước thành viên NATO khác.
Italia tuyên bố sẽ rút các căn cứ của mình ra khỏi chiến dịch nếu không có sự phối hợp từ NATO trong khi Na-uy khẳng định sẽ không tham gia hành động chừng nào chưa rõ ai là người nắm quyền chỉ huy.
NATO sẽ tiếp nhận quyền chỉ huy toàn bộ sứ mệnh ở Libya?
Trong khi các nước thành viên NATO còn chưa đạt được sự thống nhất về vai trò của NATO trong chiến dịch ở Libya thì nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) – bà Catherine Ashton hôm qua cho biết, NATO “đang lập kế hoạch để tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch ở NATO."
Theo bà Ashton, “NATO nên tiếp nhận toàn bộ vai trò lãnh đạo chiến dịch quốc tế ở Libya. Qua các cuộc thảo luận vừa rồi của chúng tôi, mọi người đều thống nhất NATO nên đi đầu”.
Sau đó, bà Ashton đã lên tiếng khẳng định Liên minh Châu Âu không hề bị chia rẽ về vấn đề Libya.
"Tôi không thừa nhận từ ‘chia rẽ’ thích hợp ở đây. Có những cách tiếp cận khác nhau từ các thành viên khác nhau trong vấn đề quân sự nhưng chúng tôi cùng đi đến một điểm trong vấn đề này," bà Ashton cho biết.
Mỹ, Anh và Pháp là 3 nước đi đầu trong việc mở màn chiến dịch quân sự chống Libya từ hôm 19/3. Cả 3 nước này đã thực hiện những cuộc tấn công dữ dội và mạnh mẽ vào Libya trong suốt mấy ngày qua. Tuy nhiên, ngay trong lúc này, Washington đã vội vàng tuyên bố, họ muốn sớm chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch cho nước khác và chỉ tham gia hạn chế vào các cuộc tấn công Libya. Điều này khiến nhiều người nghĩ đến viễn cảnh chiến dịch của phương Tây sẽ rơi vào tình trạng “rắn mất đầu”.
Theo VnMedia