NATO dự định tăng tiềm năng quân sự như thế nào?
NATO dự định thành lập thêm 49 lữ đoàn chiến đấu, mỗi lữ đoàn gồm 5.000 quân.
Theo đài RT ngày 6/10, tờ Die Welt của Đức đưa tin, trích dẫn các tài liệu chưa được công bố của NATO, rằng liên minh dự định thành lập thêm 49 lữ đoàn chiến đấu, mỗi lữ đoàn gồm 5.000 quân. Do đó, nếu các kế hoạch này được triển khai, tổng số lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu sẽ tăng lên 131. Trước đây, NATO cho rằng, chỉ cần có 82 lữ đoàn là đủ.
Tờ Die Welt lưu ý, việc xây dựng quân đội được yêu cầu bởi cái gọi là “Yêu cầu về Năng lực Tối thiểu” (MCR), được thiết lập bởi Tư lệnh Đồng minh Tối cao châu Âu của NATO – Tướng Christopher Cavoli, và Tổng tư lệnh Chuyển đổi đồng minh của NATO – Pierre Vandier.
Việc thành lập lữ đoàn mới sẽ đòi hỏi phải tăng số lượng quân đoàn chiến đấu từ 6 lên 15, và tăng sở chỉ huy sư đoàn từ 24 lên 38. Ngoài ra, liên minh có kế hoạch tăng số lượng đơn vị phòng không mặt đất lên gấp 5 lần – từ 293 lên 1.467 đơn vị. Nhiều thông tin cho rằng, những đơn vị này sẽ được trang bị các hệ thống phòng không Patriot, IRIS-T SLM, Skyranger, cũng như các thiết bị phòng thủ tầm ngắn và tầm xa. Ngoài ra, số lượng đơn vị trực thăng cũng sẽ tăng từ 90 lên 104.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong MCR sẽ cần có thêm kinh phí. Gánh nặng này sẽ được chia sẻ giữa các quốc gia dựa trên quy mô dân số và cơ hội kinh tế. Theo dự báo, để thực hiện các kế hoạch này, các nước NATO sẽ cần tăng quy mô chi tiêu quốc phòng, hiện ở mức 2% GDP.
Theo Die Welt, một phần đáng kể trong chi tiêu của MCR sẽ ở Đức. Đặc biệt, các nhà hoạch định tin rằng, Bundeswehr (Quân đội Đức) sẽ cần tuyển thêm 5 hoặc 6 lữ đoàn chiến, theo Die Welt. Hiện nay, Đức có 8 lữ đoàn trong biên chế. Một lữ đoàn khác đang được xây dựng và lữ đoàn thứ 10 dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2031.
Die Welt cho biết thêm, các đơn vị hiện tại đang thiếu vốn và phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự và thiết bị, tờ báo viết.
Die Welt lưu ý, NATO đã đặt mục tiêu tăng số lượng quân, sau khi chỉ định Nga là mối đe dọa an ninh chính trong khái niệm chiến lược mới vào năm 2022. Sau đó, liên minh đã hình thành các yêu cầu tối thiểu để “bảo vệ lãnh thổ của mình”.
Chính sách MCR này sẽ tiếp tục dưới thời Tổng Thư ký mới của liên minh Mark Rutte. Tại cuộc họp báo sau khi nhân dịp nhậm chức, ông Rutte nhấn mạnh việc tăng số lượng và trang bị cho quân đội NATO sẽ là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Cùng với đó, ông Rutte gọi việc viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là ưu tiên thứ hai của ông; xem đó là một khoản đầu tư vào an ninh của liên minh.
Giới phân tích quân sự và khoa học chính trị Nga cho rằng, liên minh đã bắt đầu xây dựng tiềm lực quân sự của mình ở biên giới với Nga, bao gồm cả các nước vùng Baltic, ngay cả trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt. Vậy nên, “mối đe dọa Nga” chỉ là cái cớ để NATO mở rộng lực lượng quân sự.
“Phương Tây đang tăng cường khả năng triển khai sức mạnh. Phần Lan gần đây đã gia nhập NATO và liên minh này đang tăng cường tiềm năng ở các nước vùng Baltic. Đây là mối đe dọa đối với Nga. Không thể loại trừ kịch bản quân NATO tiến vào lãnh thổ Nga. Điều này có vẻ khó tin đối với một số người, nhưng những điều khó tin đã xảy ra với Nga nhiều lần. Vì vậy, để đáp lại hành động của NATO, Nga sẽ nhắm mục tiêu bằng vũ khí, tiến hành trinh sát và thu thập thông tin” – nhà phân tích quân sự Vadimi Kozyulin cho hay.