Ném còn ngày Xuân
Hàng năm, vào dịp Tết đến, Xuân về, bà con đồng bào dân tộc Thái ở xã Lạng Khê cũng như các nơi khác trên địa bàn huyện Con Cuông lại tổ chức lễ hội ném còn ngày Xuân. Ném còn không chỉ là một hoạt động vui chơi ngày Xuân mang tính cộng đồng, mà thông qua trò chơi này còn là dịp để trai gái tìm hiểu giao lưu với nhau. Đây là một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc có từ lâu đời của bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
(Baonghean) - Hàng năm, vào dịp Tết đến, Xuân về, bà con đồng bào dân tộc Thái ở xã Lạng Khê cũng như các nơi khác trên địa bàn huyện Con Cuông lại tổ chức lễ hội ném còn ngày Xuân. Ném còn không chỉ là một hoạt động vui chơi ngày Xuân mang tính cộng đồng, mà thông qua trò chơi này còn là dịp để trai gái tìm hiểu giao lưu với nhau. Đây là một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc có từ lâu đời của bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Cùng với các hoạt động văn hóa khác, hàng năm, cứ vào mùng 2 đến mùng 5 Tết, đồng bào dân tộc Thái ở huyện miền núi Con Cuông lại tổ chức hội ném còn. Để các trò chơi dân gian thực sự trở thành lễ hội trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, Tết năm nay ở xã Lạng Khê cũng đã được đoàn thanh niên chuẩn bị ngay từ rất sớm như: Nữ thì làm quả còn, nam dựng cây nêu. Quả còn được làm bằng nhiều mảnh vải màu ghép lại thành từng múi, bên trong nhồi bông, vải vụn… to bằng quả cam lớn ở 4 góc quả còn có đính các mảnh vải nhỏ nhiều màu sắc dài khoảng 5 cm. Chính giữa quả còn được khâu một sợi dây vải bền chắc dài khoảng 50 cm, quả còn có màu sắc rực rỡ rất đẹp. Cây nêu được làm bằng cây tre có chiều cao 15m, phía trên có một vòng tròn để làm đích ném. Cây nêu phải dựng giữa bãi đất rộng nhất làng để cho đông người cùng tham gia.
Ảnh: Công Kiên
Tham gia Lễ hội ném còn thường là là những nam thanh, nữ tú trong bản chưa vợ, chưa chồng chơi theo cách tỏ tình, giao duyên, hoặc cũng có thể là thi thách đấu. Trai gái ăn mặc theo trang phục truyền thống của dân tộc mình. Chơi ném còn phải có hai đội, một đội nam và một đội nữ, lấy cây nêu làm ngăn cách, nhìn hướng vào nhau. Số lượng người chơi ở mỗi đội không hạn chế. Hai bên nam nữ vừa tung còn, vừa hát đối vui vẻ. Kỹ thuật ném còn là người chơi cầm gần cuối đoạn dây vải quay quả còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ rồi mới tung lên để quả còn bay lọt qua vòng tròn trên cột tre thì thắng cuộc. Đội nào thắng cuộc là đội ném được nhiều lần quả còn lọt qua vòng tròn tre.
Xã Lạng Khê hiện có trên 70% là người dân tộc Thái. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được nâng lên đáng kể. Nhờ vậy, bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây có điều kiện để phát huy truyền thống và gữi gìn bản sắc của dân tộc mình. Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, các bản làng trong huyện lại tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, nhảy sạp, đi cà kheo…
Mùa Xuân, ngày hội ném còn cứ thế đi vào cuộc sống đồng bào dân tộc Thái như một niềm đam mê, khát vọng với nỗi niềm riêng chung. Nay Xuân lại đến với đất trời và lòng người dân của huyện miền núi Con Cuông trên những sườn đồi hoa đào tưng bừng khoe sắc thắm. Đêm về bản làng sáng trưng ánh điện. Đồng bào Con Cuông đang hoà chung nhịp Xuân của đất nước trong từng ngày đổi mới đi lên.
Bảo Ngọc – Bá Hậu (Đài Con Cuông)