Nên coi ôtô nội địa hóa từ 40% là xe chiến lược?
Để có thể “chạy” kịp lộ trình cắt giảm thuế quan, Việt Nam nên coi các loại ôtô lắp ráp trong nước đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên là xe chiến lược.
Trước đây, Bộ Công Thương đã từng đề xuất quy hoạch các loại xe 9 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh dưới 1.5 lít là xe chiến lược để hưởng các chính sách ưu đãi.
Đó là quan điểm của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được nêu tại cuốn Sách Trắng 2014 về các vấn đề thương mại và đầu tư đối với định hướng, kế hoạch phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2018.
Theo cơ quan này, xe chiến lược không nhất thiết phải phân biệt loại hình xe gì mà chỉ cần đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đủ để được hưởng các chính sách ưu đãi và đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu. Đó có thể là xe du lịch từ 5 chỗ ngồi trở xuống, có thể là xe đa dụng, xe tải hay xe bus.
Báo cáo của Bộ Công Thương năm 2013 cho biết, tỷ lệ nội địa hóa ở ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện đã tăng từ 7% lên 10% đối với các loại xe con, từ 35% lên 405 đối với các loại xe tải nặng.
Về các tỷ lệ này, EuroCham cho rằng vẫn là quá thấp khi so với chính các mục tiêu mà chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam trước đây đã đề ra là đạt 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010.
Tại sao vấn đề nội địa hóa lại quan trọng như vậy? EuroCham nêu một thực tế, Việt Nam đã là một thành viên tích cực của khối ASEAN và khối này đã ký 3 hiệp định thương mại với 3 quốc gia ngoài khối là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (gọi tắt là Hiệp định ATIGA). Theo các hiệp định này, những chính sách ưu đãi về thuế và đầu tư chỉ được dành cho các loại ôtô lắp ráp trong nước đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên.
Trong khi đó, cũng theo các hiệp định ATIGA, lộ trình cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên sẽ giảm rất nhanh và đến năm 2018, mức phổ biến sẽ là 5%, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với xe nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN (0%).
Như VnEconomy từng đề cập trong các bài viết trước đây, mối lo ngại đối với công nghiệp ôtô trong nước bởi xe nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thực tế còn lớn hơn rất nhiều so với xe nhập khẩu ngay từ các nước nội khối ASEAN. Bởi lẽ, đây là 3 quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển hàng đầu thế giới. Thống kê của ngành hải quan cũng cho biết, trong khoảng một năm trở lại đây, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ 3 quốc gia này luôn chiếm tỷ lệ áp đảo và đang tăng lên mạnh mẽ.
Chi tiết hơn, theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tổng lượng ôtô nhập khẩu trong 10 tháng năm 2013 đạt 28.647 chiếc với giá trị kim ngạch gần 551 triệu USD. Trong đó, lượng xe nhập khẩu từ 3 quốc gia ký Hiệp định ATIGA đã chiếm đến 17.341 chiếc với giá trị kim ngạch hơn 309 triệu USD.
Còn nếu tính toàn bộ xe nhập khẩu từ ASEAN+ (ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) thì con số còn lớn hơn, với 25.357 chiếc và trên 445 triệu USD.
Rõ ràng, sức ép từ các loại ôtô nhập khẩu từ các quốc gia này đang là vô cùng lớn mà theo quan điểm của EuroCham, “công nghiệp ôtô Việt Nam còn rất ít thời gian để củng cố vị thế và đứng vững trên thị trường”.
Và nếu xác định theo quan điểm nêu trên, “các ưu đãi về thuế cũng nên được áp dụng ngay cho giai đoạn 2014-2018 để ngành lắp ráp có thời gian định hình, cơ cấu”, Sách Trắng 2014 đề xuất.
Theo.thoibaokinhte