Nên hành động thay cho lý giải
(Baonghean) - Những hình ảnh, những câu chuyện không mới, ngược lại rất cũ, xảy ra đều đặn hằng năm, song mỗi khi tái diễn lại trở thành đề tài nóng hổi làm dư luận nổi sóng và có thể nói là “gây bão” trên các diễn đàn. Đó chính là vấn đề đầu ra cho sản phẩm của nông dân.
Suốt từ cuối tháng Ba cho đến nay, có thể nói là “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái” đồng loạt diễn ra cảnh nông sản ế ẩm đến cùng cực. Ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) là hàng nghìn xe tải chở dưa hấu ùn ứ kéo dài hàng chục km để cho tư thương ngoại quốc tha hồ ép giá. Người trồng dưa ở miền Trung và miền Nam khóc ròng vì phải bán được hai cân dưa hấu mới đủ tiền mua một cốc trà đá. Còn ở miền Tây Nam Bộ, bà con nông dân ở Vĩnh Long, Đồng Tháp gạt nước mắt đem bắp cải thả trôi sông vì không có người mua.
Người trồng rau ở Đà Lạt thì nhắm mắt đem rau cho bò ăn hoặc ủ làm phân xanh bởi lẽ “Cho không ai lấy chứ đừng nói đến chuyện bán lấy tiền”. Không ít người nuôi cá tra phải ngậm ngùi treo ao vì cá không có nơi tiêu thụ. Và hiện tại, đã có hàng triệu người chăn nuôi trong cả nước đổ nợ vì giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành làm ra. Con số ngành chăn nuôi vừa mới công bố làm choáng váng không ít người: Trong hai năm qua, lỗ tới 1,3 tỷ USD. Còn trong những ngày này, người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long như đang “ngồi trên đống lửa” vì lúa chín đầy đồng, thóc chất đầy kho mà không có thương lái thu mua.
Vẫn biết là “Cơm có bữa, chợ có chiều”, không phải lúc nào thị trường cũng ổn định cả. Nhưng mà sự bất ổn xảy ra đều đặn quá cứ lặp đi, lặp lại mãi cái điệp khúc buồn “được mùa rớt giá” vì bị ép giá. Để rồi người nông dân cứ mãi loay hoay, đau đáu một nỗi niềm là “trồng cây gì, nuôi con gì” để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống? Nỗi niềm đó giống như một bài toán rất đơn giản nhưng rất khó giải nếu như vẫn không thỏa mãn được điều kiện: đầu ra cho sản phẩm. Mà thỏa mãn điều kiện này, để một mình nông dân tự xoay trở, sẽ không thể nào và không bao giờ đáp ứng được. Chuyện này đã rõ như ban ngày từ lâu lắm rồi. Có điều là cho đến nay, đầu ra cho các sản phẩm của nông dân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào một thành phần: tư thương.
Xe tải chở hàng nghìn tấn nông sản - chủ yếu là dưa hấu - nằm chờ ở cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đợi làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: TTO |
Trong khi đó thì tại phiên giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/4 vừa qua, khi được chất vấn về điệp khúc “được mùa rớt giá”, câu trả lời của người đứng đầu Bộ Công thương vẫn chỉ là theo hướng lý giải vấn đề chứ không phải là nhằm giải quyết vấn đề. Cụ thể như việc dưa hấu ế ở cửa khẩu thì được ông Bộ trưởng giải thích là do năng lực thông quan chậm. Chỉ đạt 200 xe/ngày trong khi lượng xe đổ về là hơn 1 nghìn xe/ngày. Rồi ông “khoe” là đã cử đoàn công tác lên Lạng Sơn nắm tình hình và đưa ra các giải pháp xử lý như phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo hải quan làm việc với phía nước bạn để tăng thời gian thông quan từ 17h lến 21h.
Xin thưa, đó chỉ là những giải pháp tình thế theo kiểu “nóng tay bắt lỗ tai” chứ không giải quyết được tận gốc căn nguyên của vấn đề là bí đầu ra. Sản phẩm nông dân vất vả làm ra, nhưng bao năm nay vẫn chỉ có một cửa là “sang tàu”. Cái cửa đó mà đóng lại hay chỉ mở he hé là nông dân điêu đứng liền. Rồi ông lại lý giải cái sự ế của dưa hấu là do được mùa. Do người dân vẫn giữ thói quen kinh doanh cũ là sau khi đưa hàng lên cửa khẩu rồi mới tìm khách hàng. Dẫn tới bị ép giá, ép cân và thậm chí là không tìm được người mua. Như vậy thì xem ra lỗi tại… được mùa và người dân không khôn. Còn bộ chủ quản thì vô can. Rồi ông khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tìm hiểu trước về đối tác, nên có hợp đồng trước khi đưa hàng đi tiêu thụ.
Các địa phương cũng cần xem xét lại quy hoạch trồng nông sản để tránh tình trạng được mùa mất giá, gây thiệt hại cho người nông dân. Vậy xin hỏi Bộ Công thương là quy hoạch trồng nông sản thế nào cho hiệu quả, tránh được ế ẩm khi trồng bất cứ cây gì hơi nhiều một chút là ế, là lỗ. Cứ vậy thì làm ăn lớn thế nào được, những sản phẩm từ cánh đồng mẫu lớn, từ việc dồn điền, đổi thửa xây dựng những vùng chuyên canh lớn rồi đây sẽ tiêu thụ như thế nào và ở đâu đây? Nên nhớ, một phần quan trọng trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công thương là quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại. Trong đó có công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, thương mại và thị trường trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển thị trường ngoài nước…
Lẽ ra, với vai trò, vị trí đó của mình, Bộ Công thương phải chủ động phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm để tạo thêm đầu ra cho nông sản. Đi cùng với đó là tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường ngoài nước để nông dân làm ra bao nhiêu sản phẩm tiêu thụ hết bấy nhiêu. Chứ không phải chỉ là lý giải nguyên nhân rồi lên giọng khuyến cáo rồi hứa hẹn: “Bộ Công thương sẽ sớm hoàn thành các đề án liên quan đến việc gắn kết sản xuất với tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản xuất nông sản như Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản nhằm mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hiệu quả bền vững”.
Vậy đề án đó khi nào được triển khai? Hay lại là đề án “treo”? Tiếp sức cho Bộ Công thương về hướng giải quyết bài toán "nông dân được mùa nhưng rớt giá”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Hiện đang cố gắng triển khai chủ trương khuyến khích hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, gắn kết với đầu ra cho nông dân. "Vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo phải có chủ trương khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nhưng do mới triển khai nên có hạn chế. Nhiều loại nông sản sản xuất tự phát tiêu thụ chưa bám sát nhu cầu thị trường nên giá cả không ổn định, khiến thu nhập không ổn định”. Nói vậy thì cũng vẫn chỉ là lý giải nguyên nhân mà vẫn chưa đưa ra được biện pháp, hành động cụ thể nào để cơ bản giải quyết được vấn đề đầu ra cho nông sản.
Đừng lý giải, đừng hứa hẹn nữa mà hãy đi thẳng, đi ngay vào những hành động cụ thể để đem lại hiệu quả thiết thực giúp cho nông dân đỡ khổ. Nên hành động thay cho lý giải. Rất nên thế!
Phúc Vinh