"Nên nghiệp" với nghề cơ khí

24/11/2014 16:30

(Baonghean) - Năm nay mới 32 tuổi, Lê Văn Đoàn đã trở thành ông chủ của một xưởng cơ khí , một ốt kinh doanh kim khí điện máy và tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng… Đoàn là tấm gương sáng trong phong trào lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ Nghệ An…

Sinh ra trong một gia đình thuần nông thuộc xóm 8, xã Hưng Chính, TP.Vinh, cuộc sống khó khăn, Đoàn sớm phải bỏ dở việc học để đỡ đần bố mẹ. Sau 1 năm gắn bó với nghề đạp xích lô dầm mưa, dãi nắng nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, nhận thấy mình còn trẻ không thể hoang phí sức lực và thời gian cho một công việc không mấy hiệu quả đó, Đoàn đã quyết định chọn học nghề cơ khí.

Lê Văn Đoàn (phải) hướng dẫn thợ làm nghề.
Lê Văn Đoàn (phải) hướng dẫn thợ làm nghề.

Năm 1999, Lê Văn Đoàn xin học việc tại xưởng cơ khí Vinh Anh (phường Đông Vĩnh) theo lời giới thiệu của một người bạn. Việc đầu tiên tại xưởng mà Đoàn được ông chủ giao chỉ là dọn dẹp, bưng bê nguyên liệu. Đoàn không lấy đó làm buồn mà hàng ngày chăm chỉ hoàn thành việc được giao, tích cực quan sát ông chủ và các thợ cả, thợ phụ trong xưởng thao tác, nắm bắt các công đoạn tạo ra sản phẩm. Đó cũng chính là cách mà ông chủ thử thách để tìm người, tuyển thợ. Đoàn tâm sự: “Hồi đó chỉ mong cuối buổi tìm được mấy mảnh vụn nguyên liệu còn sót lại, tranh thủ tập cưa, tập hàn, tập ghép”.

Chỉ sau một thời gian ngắn, nhận thấy Đoàn là một thanh niên chịu khó, thật thà, siêng năng, ham học hỏi nên ông chủ đồng ý truyền nghề miễn phí cho anh. Không phụ lòng tốt của ông chủ, trong thời gian học việc, Đoàn luôn là người đi sớm về muộn, tỉ mẩn tập mài, cưa, dũa để các mũi hàn của sản phẩm thô được mịn hơn, có tính thẩm mỹ hơn. Nhờ đó mà tay nghề của Đoàn sớm được ông chủ ghi nhận. Chỉ sau 3 tháng học nghề, Đoàn đã được giao làm sản phẩm mà thông thường đối với nghề cơ khí phải mất gần 1 năm học việc mới thành thạo và anh được nhận làm thợ phụ.

Trong quá trình vừa làm vừa hoàn thiện các thao tác, kỹ thuật của nghề cơ khí như: ra khung, lắp ráp, phun sơn… Theo Đoàn, công đoạn khó nhất là uốn các đường cong của ống típ. Trước đây, chưa có máy móc hiện đại nên phải làm thủ công. Muốn tạo ra các đường cong phải nung ống típ bằng than đá, sau đó dùng lực của bàn tay để uốn theo khuôn mẫu. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải khéo léo, nếu vội vàng uốn sai vị trí sẽ làm lệch khung, gây khó khăn cho công đoạn lắp ráp, thậm chí phải làm lại để thay thế rất mất thời gian. Vì thế, nghề này cũng đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, chịu khó.

Sau một thời gian vững tay nghề, một số thợ chính của xưởng đã ra làm riêng, một số bạn cùng trang lứa cùng quê đã chọn con đường “Nam tiến” để trở thành công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng Đoàn vẫn quyết ở lại xưởng phụ giúp ông chủ phát triển kinh doanh. Theo Đoàn, đây cũng là cách để trả ơn cho một người chủ biết trọng người, trọng nghề. Người đã truyền nghề, tạo điều kiện cho anh có một công việc ổn định và giúp anh biết yêu quý nghề mình đã chọn. Đến năm 2006, ông chủ đã động viên anh ra mở cơ sở riêng để thực hiện ước mơ làm giàu.

Sau 4 năm ra làm riêng, đơn hàng đến với Đoàn mỗi lúc một nhiều, đòi hỏi phải có nhà xưởng để mở rộng sản xuất. Được sự ủng hộ của gia đình, năm 2010, Đoàn quyết định về mở xưởng tại nhà. Bằng những kinh nghiệm tích luỹ được, Đoàn đã khẳng định được mình trong ngành cơ khí. Xưởng cơ khí của Đoàn ngoài sản xuất vật liệu kim loại đúc sẵn như: cửa, cổng, mái tôn, lan can và một số sản phẩm từ i-nốc khác... còn là nơi truyền nghề cho gần 20 thanh niên. Sau khi vững tay nghề, một số đã ra mở cơ sở riêng, một số vẫn ở lại cùng anh phát triển kinh doanh.

Không chỉ nhiệt tình, nhạy bén trong lĩnh vực kinh doanh, mà trong các sản phẩm mình làm ra, Đoàn luôn đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu. Vì thế, sau gần 4 năm thành lập xưởng cơ khí, Đoàn đã được nhiều người biết đến và địa bàn cung cấp sản phẩm cũng nhanh chóng mở rộng. Vào những tháng cao điểm, cả thợ và chủ phải làm từ 10 – 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Hiện nay, xưởng không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn xã mà cả các xã lân cận, địa bàn thành phố... tạo nguồn thu nhập cho gia đình, giúp một số thanh niên tại địa phương có việc làm ổn định, cơ sở được mọi người tin tưởng. Lê Văn Đoàn chia sẻ: “Công việc gì cũng có những khó khăn nhất định, điều quan trọng là bản thân phải có nghị lực và quyết tâm cao. Chỉ khi vượt qua được khó khăn để khẳng định bản thân, mình mới thực sự cảm thấy vui và hạnh phúc”.

Luôn nỗ lực với nghề, không sớm bằng lòng với những gì đang có, Đoàn bàn với vợ mở thêm ốt kinh doanh vừa buôn bán các mặt hàng kim khí điện máy – mặt hàng đang có nhu cầu lớn trên thị trường, vừa làm nơi giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, để đứng vững trong ngành cơ khí, Đoàn luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu mã mới bắt nhịp với sự phát triển của thị trường khi nhu cầu của khách hàng ngày càng cao. Với mong muốn có thêm đơn hàng cho xưởng và tạo thêm việc làm cho nhiều thanh niên trên địa bàn muốn lập nghiệp bằng nghề cơ khí, thời gian tới Đoàn đã lên kế hoạch trang bị thêm hệ thống máy cắt nhôm định hình để có thể làm ra những sản phẩm cơ khí mỹ thuật, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Nhận xét về Lê Văn Đoàn, Bí thư Đoàn xã Hưng Chính – Nguyễn Văn Nghệ cho biết: “Là một đoàn viên năng nổ, bằng sức trẻ và nghị lực làm giàu, sau nhiều khó khăn, vất vả, Đoàn đã khẳng định được vị thế của mình trong xã hội, đặc biệt là trong lực lượng đoàn viên thanh niên. Đây thực sự là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của Đoàn Thanh niên xã Hưng Chính”.

Bài, ảnh: Dũng Mạnh

Mới nhất
x
"Nên nghiệp" với nghề cơ khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO