Nẻo đường tâm tưởng

16/01/2014 21:48

(Baonghean) - "Nơi giao nhau của những con đường" của tác giả Hải Triều đăng ngày 24/12/2013 là một bài viết đầy chiêm nghiệm và tầm suy tưởng khá rộng. Tiêu đề của bài viết không đề cập đến con đường của những ngã ba, ngã tư đèn xanh, đèn đỏ hay đường nhỏ nối vào đường lớn. Mà đó là con đường tâm thức, con đường cuộc đời, con đường tư tưởng, hy vọng và niềm tin.

Như tác giả đã viết "...Các giá trị văn hóa, tín ngưỡng tuy khác biệt nhưng có chung điểm xuất phát là lòng tin và điểm đến là những điều tốt đẹp mà con người hằng tìm kiếm. Nên có thể nói, tôn giáo, tín ngưỡng chung của tất cả chúng ta là hy vọng và niềm tin". Đó không chỉ là con đường hiện hữu, mà bao hàm nhiều tầng lớp nghĩa khác nhau. Trong đó, mỗi tôn giáo như tác giả ngầm nhắc, cũng chính là một con đường, một đức tin. Nhưng chúng ta cũng thống nhất rằng, mỗi đức tin đều có một lối đi ít nhiều riêng rẽ. Tác giả viết "Thực ra mà nói, không gian và thời gian chúng ta sống tưởng chừng như duy nhất, nhưng vẫn có sự chênh lệch ít nhiều". Từ đó, tác giả dẫn giải rằng dương lịch ngày nay rất phổ biến nhưng có những lúc, thời điểm người châu Á lại sống theo "Âm lịch". Hay cũng một ngày bình thường, với số đông là ngày làm việc, sinh hoạt nhưng với người Ả Rập lại là bắt đầu cho chuỗi ngày nhịn ăn, nguyện cầu của tháng Ramadan. Như vậy, tùy phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo mà mỗi giai tầng người trong cõi nhân gian có cảm quan và nhận thức về thế giới - con người khác nhau.

Nếu vậy, sự "giao nhau của những con đường" tâm thức này ở đâu? Trước hết, ta thấy rằng vai trò sáng tạo hệ thống thường bắt nguồn từ tôn giáo và triết học. Socrates định hướng các giá trị con người, Arisote đưa ra học thuyết chính trị và mô hình tư duy mẫu mực, Moses sáng lập Do Thái giáo, Christ sáng lập Thiên Chúa giáo, Thích Ca Mâu Ni sáng lập Phật giáo, Khổng Tử sáng lập mô hình nhà nước Nho giáo. Những người sáng tạo hệ thống, họ không bị ràng buộc bởi hệ thống, họ hướng tới một lý tưởng cao đẹp. Mà bản chất con người khác các bầy đàn động vật ở chỗ loài người có khả năng giao tiếp, truyền đạt và chia sẻ. "Mấu chốt của quá trình xã hội hóa này là sự cảm thông, sống chung với nhau một cách nhân văn và tôn trọng". Như vậy, điều mà tất cả các đức tin hay những mối quan tâm của con người, hiểu theo nghĩa cao cả, nhân văn nhất, thì "Tất cả những con đường ấy rồi đây sẽ giao nhau ở những điểm mốc quan trọng của một xã hội: con người - gia đình - quê hương - đất nước" như tác giả đã viết.

Con đường phía trước còn dài không phải lý do để đi chậm lại. Còn nhiều việc để làm không phải lý do để thấy nản lòng. Đó là lý do để bắt đầu, để trưởng thành, để tìm những con đường mới, để đi vào bên trong và khám phá sức mạnh, sự tận tụy, lòng quyết tâm và tính kỷ luật. Con đường phía trước còn dài và gian khó, và tràn đầy cơ hội ở từng ngã rẽ. Hãy thấy biết ơn rằng con đường dài và đầy thử thách, bởi đó là nơi bạn sẽ tìm thấy những điều tốt đẹp nhất mà cuộc đời có thể cho bạn.

Bài viết của tác giả Hải Triều đã khéo xuất hiện vào dịp cuối năm, dịp của sum vầy, yêu thương và tìm về nguồn cội với tất thảy mọi giai tầng loài người, mọi tôn giáo. "Mùa hồng ân của bề trên không chỉ soi rọi con đường của những con chiên mà cũng tỏa ánh sáng ấm áp, chan hòa với những người lữ hành trên con đường kế cận". Có phải chăng, đây mới chính là Nơi giao nhau của những con đường?!

BÚT TÍM

Mới nhất
x
Nẻo đường tâm tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO