Nẻo Xuân phía biển

02/02/2012 16:20

(Baonghean.vn) - Phường Nghi Hòa - Thị xã Cửa Lò có 1,3 km bám biển. Ngày 10/1 Tết Nhâm Thìn (tức 1/2/2012), những người nông dân, ngư dân của Nghi Hòa đồng loạt xuống đồng, ra biển, tạm xa một cái Tết an lành để bắt đầu mùa vụ mới. Về với đất Nghi Hòa hôm nay, để thấy đường Xuân đã và đang rộn rã.

(Baonghean.vn) - Phường Nghi Hòa - Thị xã Cửa Lò có 1,3 km bám biển. Ngày 10/1 Tết Nhâm Thìn (tức 1/2/2012), những người nông dân, ngư dân của Nghi Hòa đồng loạt xuống đồng, ra biển, tạm xa một cái Tết an lành để bắt đầu mùa vụ mới. Về với đất Nghi Hòa hôm nay, để thấy đường Xuân đã và đang rộn rã.

Gặp bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Lê Thanh Bình ngay trước ngày người Nghi Hòa đồng loạt xuống đồng, ra biển, thấy anh vẫn cười rất rạng rỡ. Kiêm cả 2 chức vụ quan trọng, nghĩa là thuộc típ người gánh cả đôi trọng trách "miệng nói, tay làm", nhưng ở anh, người đã từng kinh qua nhiều công việc của phường vẫn thấy sự nhanh nhẹn, hoạt bát của người thạo việc. Cũng như người dân xứ này, vốn dĩ đất nghèo, nhưng nay đã đi lên làm giàu bằng nhiều hướng, mở ra nhiều lối đi cho chính mình.


Phường Nghi Hòa nằm ở phía Đông Thị xã Cửa Lò. Có diện tích tự nhiên là 419,6 ha, cơ cấu hành chính trên 11 khối, có 1.247 hộ và 5.400 nhân khẩu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền phường, bằng sự năng động và nỗ lực của mình, người Nghi Hòa đã dần định hình phát triển kinh tế với chiều hướng đa ngành, đa nghề. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất của phường đạt 98,6 tỷ đồng. Nghề nông vẫn tiếp tục được chú trọng nhưng được đẩy mạnh phát triển bằng cách chuyển đổi mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi. Năm 2011 vừa qua, tổng giá trị từ trồng trọt ước đạt khoảng gần 8,5 tỷ đồng, từ chăn nuôi trên 4 tỷ đồng. Cây ớt xuất khẩu, cây lạc, con bò, con lợn... đã vẫn giữ đất này là một vùng đất của nông nghiệp.



Ngư dân chuẩn bị thuyền ra khơi


Là xứ biển, nên nghề biển vẫn là một hướng làm ăn. Sản lượng khai thác năm 2011 đạt khoảng 235 tấn, nuôi trồng khoảng 19 tấn, và còn đó là phát triển nuôi cá lóc cao sản, đã có 6 hộ nuôi cá điêu hồng với 21.000 con cá giống, tổng giá trị về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đạt khoảng 3 tỷ đồng. Đến nay đời sống nhân dân đã được nâng lên đáng kể. Bình quân thu nhập hiện nay là 20 triệu đồng/ người/năm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 20 đến 22%. Một nguồn thu khác của phường là nhờ vào các ngành nghề truyền thống như tiểu thủ công nghiệp với 9 hộ và 2 doanh nghiệp chế biến cá xuất khẩu và nước mắm, các hộ làm nghề mộc dân dụng, gò hàn. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, nguồn thu lớn nhất của Nghi Hòa bây giờ vẫn là nhờ vào lực lượng người đi xuất khẩu lao động tại các nước (năm 2011 có 533 người), bởi nguồn thu từ nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 12-15% tổng số.


Dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua được coi là một cái tết an lành với người dân nơi đây. Lãnh đạo phường đã hết sức chăm lo cho mỗi người dân ngay từ những điều nhỏ nhất, như từ chuyện tuyên truyền kiểm tra về VS ATTP, đường làng ngõ xóm đều tưng bừng khẩu hiệu, cờ hoa chào năm mới, các trò chơi vui Xuân...

Đến với những người còn trong cảnh nghèo (còn 7,2%) đã có 30 triệu đồng của các nhà hảo tâm và của doanh nghiệp và 4 tấn gạo được trao. Tết Nhâm Thìn không tiếng pháo nổ, không có các TNXH, TNGT. Nói như cách nói của Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Lê Thanh Bình thì "Nhân dân Nghi Hòa đón Tết đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần". Thêm một niềm vui khi được biết lượng khách đến với khu du lịch Cửa Hội năm qua đã đạt trên 45.000 lượt khách. Người phương xa về với xứ biển đã không ít đoàn ở lại với Cửa Hội, nơi có cát mịn, nước xanh trong, hàng dương rì rào của một khu sinh thái và những người chủ rất đôn hậu, thật thà.

Chúng tôi đã về qua khối Tân Diện, Tân Phúc, Liên Hòa, Hải Bằng 2, Đông Hòa, Trung Hòa... những khối xóm mới gặp lần đầu mà đã như rất đỗi thân quen. Thân quen bởi niềm vui chuẩn bị cho ngày xuống đồng gieo 180 ha lạc, màu của người làm nông và xuống biển cho 12 tàu thuyền từ 30-45 CV của 200 hộ gia đình trong 7 khối của người làm nghề bám biển. Nhiều niềm vui qua từng khối xóm, nơi có nhiều gia đình đã dư dả hơn qua mỗi bước chuyển mình.

Nhà ông Nguyễn Trọng Nam, 65 tuổi ở xóm Đông Hòa, gia đình đông con, nhờ được hỗ trợ vốn sản xuất, 2 con được đi XKLĐ, nay đã có thu nhập chừng 30 triệu đồng/tháng. Nhà bà Lê Thị Huệ, 70 tuổi, xóm Phúc Hòa, được hỗ trợ vốn nuôi gà và vốn cho con cháu đi XKLĐ. Còn ở nhà bà Phạm Thị Thìn, năm nay 55 tuổi, 1 nách 3 con, chồng mất, có vốn để làm nghề chế biến nước mắm với thu nhập chừng 5 triệu/tháng thì nụ cười của người mẹ này trong mùi nước mắm đậm đà ngày đầu Xuân đã như là một minh chứng cho bước đường mới nơi xứ biển hôm nay.

Thêm một chuyện vui, mới ngày mùng 8 Tết Nhâm Thìn đây thôi, người dân Nghi Hòa đã cùng nhau trồng cây đầu Xuân với 200 cây xoài và cây cảnh tại đường phía Bắc Tây Hòa và sân trường mầm non. Họ đã nghĩ đến chuyện của mai sau bằng những mầm cây bắt đầu từ hôm nay. Bởi vậy, sự học đất này cũng đang khởi sắc với 33 em thi đậu vào các trường đại học, 16 em vào các trường trung cấp và cao đẳng năm học vừa qua. Nghi Hòa được coi là đất có truyền thống hiếu học, không có học sinh bỏ học, quỹ khuyến học của phường lên tới 300 triệu đồng...


Rời Nghi Hòa với nhiều niềm vui bên những trăn trở của những người lãnh đạo để miền đất tiền duyên một phía xứ biển còn đi xa hơn nữa. Cầu mong an lành lại tiếp tục về nơi đây như một nẻo đường Xuân đã tới, hôm nay.


Trần Hải

Mới nhất
x
Nẻo Xuân phía biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO