Nét đẹp văn hóa vùng biển

15/08/2011 17:52

(Baonghean) - Với 82 km bờ biển trải dài, Nghệ An – mảnh đất miền Trung quanh năm phải đối mặt với nhiều thiên tai, mưa bão. Nhưng thiên nhiên luôn ưu ái cho ngư dân nơi đây nguồn lợi dồi dào từ biển nên đời đời họ mang nặng tình nghĩa với biển. Chính vì lẽ đó mà từ bao đời nay, lễ hội cầu ngư được tổ chức hàng năm là lễ hội lớn nhất của ngư dân vùng biển Nghệ An.


Mỗi địa phương với các phong tục tập quán khác nhau nên lễ hội cầu ngư cũng mang bản sắc riêng của từng vùng, miền rõ rệt. Tiêu biểu như ở phường Nghi Hải, Thị xã biển Cửa Lò, lễ hội Cầu ngư được tổ chức 2 năm một lần, thường là vào dịp sau Tết. Với ý nghĩa cầu mong thời tiết thuận lợi, ngư dân đánh bắt được nhiều hải sản để có cuộc sống ấm no. Lễ hội được diễn ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Năm 2008, một sự kiện lần đầu tiên được kết hợp trong buổi lễ này là việc tổ chức cho đại diện các chủ thuyền ký cam kết không sử dụng thuốc nổ và xung điện đánh bắt hải sản, huỷ diệt môi trường. Toàn phường Nghi Hải, TX Cửa Lò hiện có khoảng 130 đội thuyền đang trực tiếp tham gia đánh bắt hải sản trong đó có trên 1 nửa đã biết kết hợp kinh nghiệm truyền thống với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đánh bắt nên sản lượng khai thác tương đối cao, nhất là trong những vụ đánh bắt có tính chất quyết định như vụ cá nam hàng năm..


Trong ngày lễ, dân làng rước dấu ấn của Ngài: sát Hải Đại Vương (Thần cai quản biển), Thần cô, Thần Cậu (Thần biển)…ở đền làng Hiếu ra các thuyền ở cửa lạch để làm lễ phùng nghinh. Bàn thờ được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với biển cả và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Về phần hội, là các trò chơi dân gian vùng biển như: thi đấu các môn thể thao, đua thuyền, chèo bơi. Về văn nghệ, ngoài hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu ngư là múa hát bả trạo, đặc tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.

Với ý nghĩa sâu sắc đó nên trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền Nghi Hải rất quan tâm và tổ chức với quy mô lớn vừa tạo khí thế thi đua lao động sản xuất, vừa bảo tồn phát huy nét văn hóa truyền thống của vùng biển. Đây cũng là mong ước của ngư dân với khát vọng vững vàng bám biển. Hiện Nghi Hải đang tập trung đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản vươn khơi. Nghi Hải đã xây dựng được làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 và làng có nghề chế biến, bảo quản thực phẩm, thủy hải sản ở Hải Giang 2.

Khác với Nghi Hải, các địa phương vùng biển trên địa bàn tỉnh như Quỳnh Dị, Sơn Hải (Quỳnh Lưu), Diễn Bích, Diễn Ngọc (Diễn Châu), Nghi Thiết (Nghi Lộc) tổ chức hội cầu ngư vào dịp đầu Xuân năm mới. Lễ hội gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội với sự tham gia của đông đảo các đoàn thể và nhân dân. Trong phần lễ: mỗi đoàn thể đều mặc trang phục thể hiện đặc trưng của đoàn thể mình để đi rước kiệu theo lịch trình từ bến thuyền đi vòng quanh làng và về làm lễ cầu tại nhà văn hóa của thôn, sau đó lại rước ra biển. Phần hội được tổ chức sôi nổi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thể hiện đặc trưng của ngư dân vùng biển như đua thuyền, kéo co, nấu cơm thi…

Dù hình thức tổ chức khác nhau, nhưng lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển luôn mang một thông điệp chung “cầu cho trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, đời sống của ngư dân ngày càng ấm no, sung túc. Ngư dân luôn bám biển và sẵn sang bảo vệ biển trời quê hương, dù cho sóng to gió lớn nhưng vẫn vững tay lái, tay chèo”.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Nét đẹp văn hóa vùng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO