Nét mới trong bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số Nghệ An

09/08/2010 18:24

(Baonghean) - Hủ tục lạc hậu và những tệ nạn xã hội là một trong những nguyên nhân làm cho các xã miền núi, vùng sâu vùng xa còn nghèo đói, lạc hậu và chậm phát triển. Để giải quyết vấn đề này, quan tâm đến văn hóa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc là một trong những giải pháp quan trọng. Đó cũng chính là chủ đề của cuộc hội thảo về “Thực trạng kinh nghiệm và những nét mới trong công tác bảo tồn” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức.

Trong 6 dân tộc thiểu số ở Nghệ An, mỗi dân tộc có một tập quán, bản sắc văn hóa riêng. Trong bản sắc văn hóa ấy, có văn hóa truyền thống cần phải bảo lưu, lại có chứa đựng màu sắc thần bí, lạc hậu, mê tín dị đoan cần phải xóa bỏ. Để làm được điều đó, trong nhiều năm qua công tác bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ở Nghệ An được các cấp, các ngành quan tâm và xem là một trong những nhiệm vụ trong tâm của việc phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Đặc biệt, tỉnh tập trung chú trọng đến các vấn đề như xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng gia đình làng bản văn hóa và xem đó là nòng cốt, là cơ sở để triển khai các kế hoạch.


Cụ thể, ngoài nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ văn hóa thông tin ở cấp huyện, xã, tỉnh còn tạo điều kiện để con em là người dân tộc thiểu số về học tại trường cao đẳng văn hóa của tỉnh…Đội ngũ này chính là nòng cốt quan trọng để tuyên truyền các chính sách của tỉnh, của ngành, đưa việc vận động thực sự đi vào chiều sâu, từng nhà, từng người. Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa cũng được quy định với nhiều tiêu chí cụ thể và có nhiều chính sách, chương trình dự án để hỗ trợ các xã miền núi xây dựng các thiết chế văn hóa và các tiêu chuẩn về thư viện, y tế, giáo dục…


Lế hội Punhathau – một lễ hội cũ vừa được phục dựng ở Kỳ Sơn. Ảnh: M.Hà

Với 142.901/231.597 gia đình văn hóa và 7/216 xã miền núi đã được công nhận xã đạt tiêu chuẩn văn hóa cho thấy đời sống của các gia đình ở các huyện miền núi đã từng bước được ổn đinh, có đời sống tinh thần lành mạnh, không duy trì hủ tục lạc hậu, không phạm vào tệ nạn xã hội. Đặc biệt nhờ tuyên truyền tích cực, trong những năm qua các hủ tục lạc hậu như đám ma không để quá 24 tiếng đồng hồ, người chết phải bỏ vào hòm gỗ kín của người Mông, không tin vào thầy mo thầy cúng để chữa bệnh của người Thái, không tháo nhà to làm nhà nhỏ khi có bố mẹ qua đời của người Khơ Mú, không đưa trẻ sơ sinh ra tắm suối vào sáng sớm đã được bãi bỏ hoàn toàn.

Bên cạnh việc thực hiện các chủ trương chính sách và xây dựng các phong trào văn hóa, nhiều công trình phục dựng nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống cũng được triển khai. Về bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử, thời gian qua tỉnh phối hợp với ngành văn hóa đã bảo tồn xong nhà lưu niệm cụ Vi Văn Khang (nơithành lập chi bộ đảng cộng sản đầu tiên), làng Việt cổ ở khu di chỉ Làng Vạc, đền Chín gian, đền Cửa Rào, đền Pu Nhạ thầu, bảo tồn bản văn hóa truyền thống Khơ Mú - Huồi Thợ (Kỳ Sơn), bản văn hóa truyền thống Ở đu - VăngMôn (Tương Dương), bản văn hóa dân tộc Mông - Sơn Hà (Kỳ Sơn), bảo tồn nhà sàn thuyền thống người Thái -bản Vi (Quỳ Hợp)… Về tiếng nói và chữ viết, với chủ trương “dân tộc nào thì học tiếng và chữ viết của dân tộc ấy”, bằng hình thức mở lớp dạy chữ và tiếng của dân tộc thiểu số, con em đồng bào được học tiếng học chữ dân tộc mình như chữ Thái cổ (hệ chữ Lai quy chú, chữ Lai Pao) ngày một nhiều.

Những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn phát huy văn hóa truyền


Dệt thổ cẩm, một nét đẹp của đồng bào dân tộc Thái.

thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội…có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao và góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên trước một bề dày văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số Nghệ An, những việc đã làm được vẫn chưa đáng là bao, nhất là khi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế và kinh phí chi cho việc bảo tồn mỗi năm chưa đến 1 tỷ đồng.


Thời gian tới, côngbảotồn và gìn giữ những giá trị truyền thống còn rất nhiều điều cần phải làm, trong đó chú trọng đến việc sưu tầm, giữ gìn, nghiên cứu, giới thiệu các kiểu kiến trúc, trang phục, nhạc cụ, khí cụ, công cụ sản xuất, hàng thổ cẩm; ngăn chặn việc làm thất thoát, hư hại các di vật, cổ vật quí của các dân tộc còn đang tiềm ẩn trong đồng bào; Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, lưu giữ các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian của các dân tộc;tăng cường đưa văn hoá, nghệ thuật về cơ sở phục vụ đồng bào với những nội dung, chương trình phù hợp; tăng cường củng cố, phát triển toàn diện hệ thống thông tin cơ sở; đẩy mạnh các hình thức giao lưu văn hoá, nghệ thuật giữa các vùng dân tộc thiểu số... Những vấn đề này, ngoài kinh phí còn cần cái tâm và tầm của những người làm văn hóa và yêu văn hóa dân tộc.


Mỹ Hà

Mới nhất
x
Nét mới trong bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO