Nét mới trong sản xuất vụ xuân 2015

29/01/2015 09:51

(Baonghean) - Vụ xuân 2015, toàn tỉnh gieo cấy 86.000 ha lúa xuân với mục tiêu sản lượng 564.300 tấn lúa, thời điểm này bà con nông dân đang rộ khí thế ra đồng sản xuất. Thuận lợi hơn là nhiều địa phương đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện đưa cơ giới vào tất cả các khâu sản xuất, cùng với đó nhiều giống lúa chất lượng cao được đưa vào thâm canh, tạo ra nét mới cho sản xuất vụ xuân năm nay…

Cấy lúa  bằng máy ở Nam Cát (Nam Đàn).
Cấy lúa bằng máy ở Nam Cát (Nam Đàn).

Đưa nhiều giống mới ra diện rộng

Vụ xuân này, huyện Thanh Chương tiếp tục cơ cấu các giống lúa chủ lực: Kinh sở ưu 1588 trên diện tích 2.300 ha, đây là giống lúa có năng suất cao, chất lượng khá, chịu thâm canh cao, bố trí ở vùng đất chủ động được nước; giống Nhị ưu 986 trên diện tích 2.100 ha sẽ được gieo cấy trên nhiều loại đất, vì giống lúa này có năng suất cao, chịu thâm canh cao; ngoài ra còn gieo cấy một số giống lúa ZZD 001, ZZD 004 và C.ưu đa hệ số 1. Ông Lê Đình Thanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương cho biết: “Cơ cấu chủ đạo vụ xuân 2015 của Thanh Chương là lúa lai có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời huyện đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất”.

Tranh thủ thời tiết nắng ấm, trên các cánh đồng của các xã Thanh Liên, Thanh Khê, Thanh Chi, Thanh An, Thanh Lĩnh, Thanh Ngọc… bà con sôi nổi ra đồng làm đất, chăm sóc mạ chuẩn bị cấy lúa; ngày mở nilon để mạ hấp thụ ánh sáng còn ban đêm phủ nilon để giữ ấm cho mạ. Vừa thăm mạ, ông Nguyễn Viết Hạnh, ở xóm Liên Châu, xã Thanh Liên cho biết: “Năm ngoái, xóm được huyện, xã chỉ đạo thí điểm giống cấy 10 ha giống lúa Nhị ưu 986. Kết quả cho thấy, năng suất cao bình quân gần 8 tấn/ha, chất lượng gạo tốt. Vụ xuân năm nay, xã chỉ đạo nhân rộng giống này trên các cánh đồng của xã Thanh Liên. Đến thời điểm này, bà con đang chăm sóc cây mạ sinh trưởng tốt để gieo cấy đúng lịch thời vụ quy định”.

Vụ xuân năm 2015, xã Thanh Liên gieo cấy 385 ha lúa, trong đó cơ cấu 98% giống lúa lai năng suất, chất lượng cao. Thực hiện chấp hành đúng lịch thời vụ, bà con nông dân Thanh Liên ra trà mạ thứ nhất vào ngày 17/1 và trà mạ thứ 2 vào ngày 22/1, xã chỉ đạo 100% diện tích mạ được che phủ nilon. Những ngày này, tranh thủ thời tiết ấm áp, bà con nông dân ra đồng dọn ruộng, đắp bờ, xẩy cỏ, làm đất, chăm sóc phòng sâu bệnh và chuột phá hại cây mạ, đến giữa tháng Chạp sẽ cấy theo đúng khung lịch thời vụ. Ông Phan Bá Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, cho biết: “Trước khi bắt tay vào sản xuất vụ xuân năm 2015, xã đã tổ chức làm giao thông thủy lợi nội đồng, những mương máng, cống dẫn nước hư hỏng, xã bố trí sửa chữa kịp thời. Vụ xuân năm nay, xã chỉ đạo 15 - 20 ha cấy bằng máy. Sau thử nghiệm thành công cấy bằng máy, xã vận động nông dân mua máy cấy phục vụ sản xuất của địa phương”.

Ngoài giống Kinh sở ưu 1588 được nhân ra diện rộng ở nhiều huyện, Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ cấu các giống: Vùng thâm canh mục tiêu năng suất cao, sử dụng các giống lúa lai: Nhị ưu 986, Kinh sở ưu 1588, ZZD 001, ZZD004, C.ưu đa hệ số 1. Vùng thâm canh theo hướng tăng năng suất, chất lượng gạo khá, sử dụng các giống: Khải phong số 1, Thái xuyên 111, PHB71, 27P31, GS9, BT-E1, GS747, Nghi hương 2308, Nghi hương 305, LC25, Bio.404, Thiên nguyên ưu 9, Hương ưu 3068, Syn 6, HYT108, TH3-3, TH3-4, TH3-5, Việt lai 20, Việt lai 24, Q.ưu 1, Thịnh Dụ 11, LC270, D.ưu 600, VT404, PAC 837, Xuyên Hương 178, Nam Ưu 209, Nam Ưu 603….Về lúa thuần có Vật tư - NA2, SL9, TBR225, Hoa Khôi 4, Thiên ưu 8, DT45, Khang dân đột biến, Khang dân 28, AD1, TBR1, TBR36, TBR45, QR1, DQ 11, GS333, gia lộc 105, DB18.

Năm nay, vùng thâm canh theo hướng chất lượng gạo cao và sản xuất hàng hóa, sẽ sử dụng các giống: AC5, RVT, Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, Bắc thơm 9, DT52, nếp 97, nếp 87, IR352.

Những khay mạ đem đi cấy.
Những khay mạ đem đi cấy.

Đẩy mạnh cơ giới hóa

Khác với những mùa vụ trước, bước vào vụ sản xuất này, ở Hưng Nguyên nông dân các xã Hưng Thắng, Hưng Tân, thị trấn… không phải lo từ khâu chọn giống, gieo mạ, chăm sóc mạ toàn bộ các khâu đều được HTX dịch vụ nông nghiệp các xã thực hiện. Và nhất là, trên cánh đồng của nhiều xã ở huyện Hưng Nguyên, có nhiều máy móc đang thay sức người trong lao động nông nghiệp. Như 1 ngày 1 máy cấy đạt 1 ha, bằng 20 lao động cấy bằng tay. Bà Hoàng Thị Ngọc - Thị trấn Hưng Nguyên vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi làm 4 sào ruộng, trước đây cấy tay, chăm sóc mạ quá vất vả. Bây giờ cấy bằng máy, gia đình chỉ việc kiểm tra…”. Sử dụng máy cấy lần đầu, ai nấy đều phấn khởi khi thấy năng suất lao động hơn hẳn so với cấy thông thường.

Vụ xuân năm 2015 lần đầu tiên Hưng Nguyên đưa máy cấy vào phục vụ sản xuất, trong đó, huyện hỗ trợ 30% giá trị, tỉnh hỗ trợ 30%, tổ chức, cá nhân bỏ ra 50%. Khác với mọi năm, năm nay, sau khi góp vốn mua 2 máy cấy, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thị trấn Hưng Nguyên nhận hợp đồng của người dân từ bắc mạ, chăm sóc mạ và cấy lúa bàn giao ruộng cho nông dân. Nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất tất cả đều bằng máy từ khâu bắc mạ, rải đất, cấy lúa đã giải phóng sức lao động, vừa giảm chi phí về giống (bình quân cấy bằng tay, giống thường khoảng 1,5 kg/sào thì cấy bằng máy chỉ mất 1,2 kg/sào). Theo tính toán của người dân, cấy bằng máy giảm chi phí hơn thuê cấy thủ công. Thành công bước đầu đó, sẽ tạo cơ sở để Hưng Nguyên đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào trong nông nghiệp, tập trung phát triển những vùng chuyên canh lúa hàng hóa có chất lượng cao. Ngay cả mạ cũng được gieo bằng máy cho vào từng khay, máy gieo thưa, cây mạ to, rất đỡ tốn giống.

Ở Yên Thành, vụ xuân 2015 huyện gieo trồng trên 12.700 ha lúa. Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành cho biết: “Mấy năm lại đây, nhất là từ khi thực hiện xong dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08, tiến độ ứng dụng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa nhanh hơn, 85% khối lượng công việc đã được cơ giới hóa. Trước đây mỗi khi vào vụ xuân, huyện chỉ đạo quyết liệt, nhưng phải mất 2 tuần mới xong, thì nay nhờ cơ giới hóa chỉ 5 -7 ngày là xong, toàn huyện có trên 1.000 máy cày và hàng chục máy gặt liên hoàn”.

Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện Yên Thành đã triển khai đồng bộ thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó Sơn Thành là một trong những địa phương có tiến độ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tương đối cao và sớm nhất của huyện. Nhờ chuyển đổi xong ruộng đất, máy cày lớn phát huy được hết công năng. Nhờ cơ giới hóa mà xã chỉ có 300 lao động ở nhà với phần đa là phụ nữ, người già nhưng vẫn canh tác 300 ha lúa, bình quân mỗi lao động/1 ha cho thu nhập trên 65 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Luân ở xóm 12, xã Sơn Thành cho biết: “Gia đình có 1.000 m2 đất, trước đây chưa có máy cày, mỗi khi vào mùa làm đất rất mệt và còn phải mất vài trăm ngàn đồng/sào công cày và cấy 180 ngàn đồng/sào nên chi phí lớn, sản xuất lúa không có lãi; nay đồng ruộng đã liền thửa, từ khâu làm đất đến gặt đều thuê máy, thời gian còn lại đi làm việc khác rất tiện lợi”.

Quá trình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ngoài cơ chế, chính sách của tỉnh, Yên Thành là huyện tiên phong và quyết liệt trong chuyển đổi ruộng đất. Song song với đó, huyện có một số cơ chế khuyến khích riêng để người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mua sắm máy móc cơ giới. Nhận thấy ứng dụng máy cấy vào đồng đất trên địa bàn có một số trở ngại, vụ xuân năm 2014, huyện cho đơn vị cung ứng máy cấy lúa làm thử nghiệm trên 5 ha tại xã Thọ Thành và vụ xuân năm nay làm tại xã Viên Thành để người dân theo dõi để học tập.

Ở huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Hậu là một trong những địa phương đi đầu việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ông Hồ Văn Mai - Chủ nhiệm HTX Phú Thành (Quỳnh Hậu) cho biết: “Xã thuộc vùng nông giang, nên đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã gần 10 năm. Trên địa bàn xã có khoảng 30 máy cày và 3 máy gặt đập liên hoàn. Việc ứng dụng cơ giới đã giúp HTX thực hiện thành công “3 giảm” là giảm đầu vào, giảm chi phí vật tư, tiết kiệm thời gian và “3 tăng” là tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả”. HTX Phú Thành là một trong những HTX hoạt động khá hiệu quả khi đảm nhận khá tốt các dịch vụ cung ứng giống, thủy nông, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng… Đối với cơ giới hóa, HTX không quản lý máy móc, nhưng giữ vai trò điều phối để nâng cao hiệu quả sử dụng. Quỳnh Hậu có gần 400 ha lúa, nhưng xã làm rất nhanh, chỉ trong vòng 5 ngày người dân đã cấy xong vụ xuân. Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Vụ xuân năm 2015, Quỳnh Lưu gieo cấy khoảng 7.500 ha lúa, trong đó ngoại trừ 1.500 ha sâu trũng hoặc cao không thể đưa máy cấy vào được, còn 6.000 ha có thể cấy bằng máy. Để khuyến khích bà con nông dân, năm 2013, huyện đã mời đối tác cung ứng máy cấy về làm tại Quỳnh Thạch và Quỳnh Hồng nhưng chưa nhân rộng được. Vụ xuân năm nay Quỳnh Lưu đưa máy cày, phay đất có công suất lớn hơn (từ 36 - 60 CV) vào sản xuất nên tốc độ làm đất nhanh hơn, sau khi cày lật đất thì làm tơi đất luôn mà không cần chờ nước. Đánh giá cao kết quả ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhưng ông Dinh cũng thừa nhận đưa máy cấy vào sản xuất ở Quỳnh Lưu chưa thực hiện thuận lợi được, bởi khâu làm mạ tập trung chưa có tổ chức đứng ra đảm nhận.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì: “Việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân. Từ đó, làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con nên liên kết với nhau cùng sản xuất: gieo mạ đúng kỹ thuật, cấy cùng một giống theo hình thức cánh đồng mẫu lớn thì mới phát huy được năng suất của máy, giảm số lao động. Để tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh tiếp tục triển khai các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tăng năng suất, giá trị trên đồng ruộng...”.

Thanh Lê - Nguyễn Hải

Nét mới trong sản xuất vụ xuân 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO