Nếu như còn mẹ...
(Baonghean) - “Câu chuyện của tôi” kỳ này, xin chuyển đến bạn đọc những dòng tự sự của ca sỹ Thùy Linh-top 16 của cuộc thi “Tôi là người chiến thắng” mùa giải đầu tiên do Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Đông Tây Promotion tổ chức.
Xuất hiện tại đêm chung kết 10/8 vừa rồi, dù không phải là thí sinh dự thi, nhưng ở vị trí khách mời, cô gái xứ Nghệ này chứng tỏ đã ghi dấu ấn lớn trong lòng BTC, BGK cũng như người xem truyền hình, và cô cũng đã thể hiện được tài năng, bản lĩnh của mình trước hàng triệu khán giả. Những chuyện về mẹ, về gia đình mà Thùy Linh chia sẻ (được phóng viên Báo Nghệ An chắp bút) hy vọng sẽ đem đến cho bạn đọc những cảm xúc khác nhân mùa lễ Vu lan năm nay...
Tôi ngồi lặng trong căn phòng nhỏ và nhấm nháp dư vị của những ngày đã qua, thầm nhắc mình: dẫu có thất bại nhưng mình vẫn phải đi đến cùng ước mơ. Lâu lắm rồi, tôi đâu có khóc. Vậy mà, những giọt nước mắt ở đâu đó chảy xuống thật chậm quanh mi mắt tôi.Trong căn phòng trọ nhỏ nhoi, bề bộn này, sao mà tôi vẫn nhỏ bé làm vậy? Cái thành phố phương Nam sôi động, đã 5 năm gắn bó cùng nó, vậy mà khi trở về, tôi vẫn chỉ có mình. Tôi với tay, chạm nhẹ vào nó, cây đàn cello. Nó khẽ rung lên một thanh âm nhỏ nhoi. Tôi nhìn cây sáo, cây đàn nhị, rồi đàn bầu, chúng vẫn quây quần bên tôi, chờ tôi đánh thức... Và, như thường lệ, tôi lại gọi “Mẹ”. Mẹ ở một phương xa thẳm, có nhìn thấy con không?
Mẹ, trong tôi, mãi là người phụ nữ đẹp nhất thế gian này. Khi ánh đèn sân khấu kịch hát sáng lên, dù vai diễn chính, hay phụ thì mẹ cũng tỏa sáng. Khi ánh đèn sân khấu vụt tắt, sau lớp rèm phông, son phấn hóa trang, thì mẹ vẫn giữ vẻ mặn mà. Là chị cả trong gia đình có tới 7 người con, đỗ thủ khoa lớp năng khiếu kịch nói nên mẹ rời quê xuống thành phố học từ nhỏ để sau đó chính thức trở thành diễn viên của Đoàn ca múa kịch Nghệ An. Còn bố tôi, sau khi tốt nghiệp khoa Sáng tác chỉ huy- Nhạc viện Hà Nội, đã quyết định về quê “đầu quân” cho Nhà hát Dân ca. Bố, mẹ tôi đã gặp nhau tình cờ bên bãi rau muống, từ những câu chọc ghẹo để rồi nên duyên.
Năm 1983, bố mẹ cưới nhau với 2 bàn tay trắng vì hai bên ông bà nội-ngoại đều nghèo khó, và 1 năm sau đó, chị gái tôi ra đời. Khi mẹ sinh chị tôi được 3 tháng thì bố tôi bị một trận sốt nặng. Mẹ tôi nhờ hàng xóm trông giúp chị tôi để đội trời mưa lụt đi tìm lá thuốc về sắc cho bố. Có lẽ do những lần dầm mưa lấy lá thuốc, mẹ đã ốm nặng, lại không có tiền mua thuốc điều trị nên đã bị biến chứng, mẹ trở thành một bệnh nhân tâm thần. Bố tôi, một tay chăm con, một tay chăm vợ, không xuể, đành gửi chị tôi về quê nội. Mẹ tôi thuốc thang sao cũng không khỏi.
Bố tôi kể lại : “Ngày đó, nhìn vợ chẳng biết gì, nhìn đến con thơ nhỏ bé, sài đẹn mà đứt từng khúc ruột”. Thế rồi, ông trời thương mẹ, đúng 1 năm sau mẹ tôi tỉnh táo trở lại. Mẹ nghỉ diễn, cơ quan bố trí cho mẹ một công việc khác. Ngoài giờ hành chính, mẹ tôi tần tảo trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà kiếm thêm chút tiền. Khi chị tôi 5 tuổi, mẹ quyết định sinh thêm tôi. Mẹ tôi sau này vẫn kể: Linh mới sinh xấu tệ, mắt thì nhỏ, mũi thì tẹt, khi khóc nước mắt chảy từ khóe bên này sang khỏe mắt bên kia, trông bật cười lắm.
Bố, mẹ cưng 2 đứa tôi lắm, vậy nên chúng tôi luôn được hưởng niềm vui trẻ thơ, đâu có biết bố và mẹ phải vật lộn với cuộc sống áo cơm khắc nghiệt. Cái đời sống khổ sở đến nỗi, sau này, tuy không nói ra nhưng dường như bố tôi không muốn chúng tôi đi theo con đường nghệ thuật như mình.
Tằn tiện, gom góp, cuối cùng thì bố mẹ tôi cũng dành dụm được chút đỉnh để làm được căn nhà đàng hoàng. Ngày dọn về nhà mới, cả gia đình tôi vui lắm, ấy là năm tôi lên 3 tuổi. Sau đó, bố tôi được đi học tại Hà Nội. Bố đi học, nhưng vừa làm thêm nghề vẽ truyền thần, chụp ảnh; còn mẹ lại tiếp tục bươn chải trồng rau, nuôi lợn, làm thêm nghề bấm lỗ tai, chụp ảnh...để nuôi chồng, nuôi con. Khi Nhà hát có chế độ về hưu sớm, mẹ xin về để tiện làm thêm nhiều hơn. Mẹ chuyển nghề cắt tóc, rồi chuyển sang bán bánh mì ở Bến xe Thành phố.
Thời ấy, cứ độ 2-3 giờ sáng là quãng thời gian tôi sợ nhất, vì lúc đó, mẹ rời chiếc giường nhỏ đang ấm áp bên cạnh tôi để đi lấy bánh mỳ. Mẹ rời nhà với chiếc xe đạp cọc cạch cùng cái thùng xốp to tướng đằng sau. Tiếng rao của mẹ lẫn vào những con hẻm hun hút gió... Vui nhất là lúc mẹ về. Mẹ lấy ra cái rổ nhỏ, đổ những đồng tiền lẻ kiếm được trong buổi, ra đếm. Những đồng hai trăm trên tay mẹ, trên tay tôi được vuốt phẳng phiu. Những hôm trời mưa to, bánh ế, mẹ lại đem bánh về nhà. Cả nhà lại có bữa bánh mỳ ướt nướng khô chấm nước mắm. Sau đó, mẹ còn xoay qua nghề nấu chè bán ở chợ, rồi bán thịt... Làm gì, mẹ cũng được các cô bác xung quanh, khách hàng quý mến vì mẹ đã sống rất nhân hậu, hiền hòa. 3 mẹ con đã xoay xỏa và chống đỡ suốt những tháng năm đó, để chờ đợi bố trở về...
May mắn cho tôi, được thừa hưởng gen của bố mẹ, lại sống trong “làng nghệ thuật” nên đã sớm đến với nghệ thuật. Tôi nhớ, năm tôi học lớp 3, có một nhạc sỹ đến nhà chơi và ngỏ ý muốn tôi tham gia Liên hoan Tiếng hát dân ca toàn quốc. Tôi học rất nhanh 3 bài hát, trong đó có một bài hát xẩm “Thập ân phụ mẫu”. Bữa đó, khi tôi đang luyện hát “Thập ân phụ mẫu” thì vừa lúc mẹ đi chợ về. Nhìn thấy tôi đã hát rất tốt cùng với dàn nhạc của các đồng nghiệp, mẹ tôi đã đứng lặng. Nước mắt mẹ ứa ra trên gương mặt tảo tần. Lúc đó, tôi chỉ biết mẹ xúc động, nhưng khi lớn hơn thì tôi biết, đó còn là giọt nước mắt tự hào. Ngày đang học lớp 5, có lần, tôi còn được mời đi đóng phim, tôi thích lắm, thế mà vì nhớ mẹ, đến ngày thứ 4 đi xa tôi đã nằng nặc đòi về...
Năm học lớp 7, tôi trúng tuyển vào Nhạc viện Hà Nội. Bố mẹ lặn lội đưa tôi ra Thủ đô. Tôi chính thức bắt đầu cuộc sống xa nhà, hoàn toàn tự lập tại ký túc xá của trường. Khi bố mẹ chuẩn bị ra về, tôi đứng nơi gốc cây cổng trường ngóng theo trong 2 hàng nước mắt. Bố mẹ tôi, cũng lòng dạ rối bời ngoái trông đứa con thơ dại. Mẹ ôm mặt nức nở, còn bố đã vội quay lưng đi... Chiếc xe chở bố mẹ chuyển bánh, tim tôi đau nhói. Tôi vụt chạy về phòng, leo lên giường trùm chăn và khóc như mưa...
Ngày lễ 20/10 năm ấy, mẹ bảo chị gái gọi điện cho tôi. Tôi nghe điện, nghe thấy giọng chị, bỗng khóc òa, chị tôi ở đầu dây bên kia cũng khóc, và tôi biết, mẹ tôi cũng đứng lặng lẽ sau máy với hai hàng nước mắt đang chảy tràn... Tôi ở ngoài trường, thi thoảng lại nhận được vừng lạc, ruốc thịt mẹ tự tay làm gửi ra. Suốt bao năm tôi học, mẹ vất vả kiếm tiền để chu cấp thêm cho con. Khi đi xa, tôi nhớ nhất mái tóc dài, đen óng ả của mẹ. Mái tóc mà tôi đã luôn áp mặt vào suốt một tuổi thơ bé để ngủ ngon lành... Vậy mà rồi, một lần kia, chỉ vì tôi thích chiếc quần jean ống loe mà mẹ lại không có tiền, vừa lúc mẹ nghe tiếng rao của bà mua tóc qua nhà, mẹ đã quả quyết bán đi mái tóc của mình. Ôi, mái tóc mẹ tôi, mái tóc dài và đẹp nhất trên đời mà tôi được thấy, mẹ tôi đã hy sinh chỉ để cho con mình có một niềm vui viển vông...
Những ngày tháng đó, công việc của bố ở Nhà hát vất vả, luôn đi xa, vậy mà một tay mẹ tôi lo liệu, thu vén cuộc sống gia đình, còn quyết định sửa sang lại nhà cửa. Mẹ không dám ăn, không dám mặc gì riêng cho mình, thậm chí không cả thuốc thang dù sức mẹ yếu, mắc bệnh tim và huyết áp. Những ngày tháng đó, chỉ có chị tôi là biết mẹ đã phải trải qua những gì, và sau này, khi nghe chị kể lại, tôi đã luôn dằn vặt trách mình đã sống quá vô tâm...
Năm mẹ tôi qua tuổi 49, vào một chiều kia, trên đường đi chợ về, mẹ đã bị ngã xe dọc đường. Ngực mẹ bị đập vào một tảng đá hộc. Rất đau, nhưng mẹ đã không kêu, chỉ nói “đau sơ sơ thôi”. Khi bố tôi hỏi han, mẹ né tránh vì sợ phải vào nằm viện, tốn tiền, không có tiền lo cho con học hành. Hàng đêm, mẹ chỉ về xức dầu để tan mau vết bầm và âm thầm chịu đau như thế. Có lẽ mẹ đã dự cảm về cái chết sẽ đến với mình nên mẹ chuẩn bị kỹ lưỡng cho nó để có thể yên tâm ra đi. 15 ngày sau khi mẹ ngã, mẹ đã nghỉ công việc ở chợ và nói muốn về chăm bà nội ốm ít ngày.
Dù bà nội tôi đã từng gằn hắt con dâu, nhưng lúc đó bà đã già, và mẹ muốn làm tròn trách nhiệm của một người con thay chồng. 15 ngày ở quê nội, mẹ chăm sóc tận tình bà nội tôi- một người đã “nằm một chỗ” từng bữa cơm, giấc ngủ. Sau đó, mẹ xin về chăm bà ngoại ngần ấy ngày. Khi mẹ tôi trở về, chị tôi thấy mẹ lạ lắm: Mẹ đi mua về 100 viên than tổ ong dù nhà tôi nấu bếp ga. Chị tôi hỏi: Mẹ mua làm gì, mẹ nói để sắp tới có công việc. Mẹ còn mua 10 lít rượu, một tút thuốc lá để trong nhà. Sau đó, mẹ mua thật nhiều thịt, vừng lạc để làm ruốc, làm muối lạc gửi cho tôi, viết thư dặn dò tôi và gửi cùng trong đó 20.000 đồng để tôi tiêu vặt. Chị tôi ngạc nhiên lắm, nhắn tin cho tôi: “Em về mà xem, mẹ dạo này xuống sắc lắm. Chiếc răng cửa của mẹ lung lay như sắp rụng em ạ. Mẹ đang bệnh...”
Đọc thư mẹ gửi ra, tôi viết thư về cho mẹ, gửi qua một người hàng xóm. Thế nhưng dì ấy vì có công việc chưa về quê ngay được, và mẹ tôi, vĩnh viễn đã không được đọc bức thư ấy của tôi...
Mẹ tôi mất vào 3 giờ sáng, khi chuẩn bị dậy đi bán hàng ở chợ. Một mình mẹ bất tỉnh trong nhà tắm. Khi bố tôi phát hiện ra, thấy mẹ đang khó thở, đưa mẹ đi cấp cứu, nhưng mẹ tôi đã không qua khỏi. Bệnh viện cũng không có cách nào cứu được mẹ của tôi. Trưa hôm ấy, tôi nhận được điện nhà, chị tôi chỉ dám nói “Em về ngay, mẹ ốm nặng”. Tôi vội vã bắt xe, trở về Vinh. Đến cổng nhà, tôi đã nhìn thấy người ta chăng rạp, kê bàn ghế chật ngõ... Bố tôi chạy ra, giọng ông nghẹn lại: “Linh về rồi hả con?”. Nước mắt, lại là nước mắt tôi tuôn chảy. Tôi lao vào nhà tìm mẹ. Bằng giá nào tôi cũng phải được gặp, phải giữ lấy mẹ trên đời. Mẹ tôi nằm đó, với chiếc bình ô xi và xung quanh là bao người thân thiết. Tất cả cặp mắt người thân lúc đó ngước lên tôi, chết lặng.
Tôi lại gần bên mẹ, tôi nhìn vào gương mặt của mẹ tôi, đặt bàn tay của mình vào trong bàn tay đang lạnh dần của mẹ. Mẹ này, bàn tay đứa con bé bỏng của mẹ đây, bàn tay mẹ đã nắm lấy dắt con đi những bước chập chững đầu tiên trong đời, bàn tay được mẹ uốn cho từng nét bút, bàn tay được mẹ nắm chặt động viên những giây phút đối mặt với khó khăn... Tất cả những xúc cảm da diết ấy đã khiến tôi lạnh run người. Tôi muốn mẹ mãi nắm lấy tay tôi, mãi chở che cho tôi như thế trong đời... Hai chị em tôi đã ngồi bên mẹ như thế, cho tới lúc mẹ được người ta tháo bình ôxi, được tắm rửa và tô son... Cuộc đời mẹ đã có những tháng năm rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu, sau đó vì gánh nặng cơm áo cho chồng, cho con, mẹ đã bỏ quên cả son phấn. Giờ đây, cho đến lúc mẹ về thế giới bên kia, một lần nữa tôi được nhìn thấy Người rực rỡ.
Kể từ ngày đưa tang mẹ, tôi rất ít khi rơi nước mắt. Có chăng, nước mắt tôi rơi khi chỉ có một mình. Tôi đã hiểu rằng, con người phải chấp nhận nhiều thứ lắm, ngay cả việc mất đi những người thân yêu nhất. Hồi nhỏ, tôi yêu ánh sáng ban ngày biết bao, vì khi đó có mẹ về. Còn giờ đây, tôi thường yêu bóng đêm, vì trong bóng đêm mới được gặp mẹ trong tưởng tượng, khi lặng ngồi một mình bó gối sau một ngày vất vả với công việc, lo toan.
Tôi đã chọn phương Nam để đến, đến với tâm niệm được thỏa nguyện ước mơ theo đuổi nghệ thuật. Bao lần thất bại, bao lần vấp ngã giữa đời, chỉ cần nghĩ về mẹ - người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho gia đình, cho những đứa con có cơ hội vươn lên, là tôi lại nhắc mình vững một niềm tin. Có biết bao nhiêu giấc mơ đã đến với tôi, nhưng giấc mơ thật nhất, luôn khiến cho tôi hạnh phúc nhất là giấc mơ được gặp mẹ, được để tay mình trong bàn tay mẹ, được áp mặt vào mái tóc dày đen của mẹ. Ôi, giá như tôi còn mẹ... Hạnh phúc lắm cho những ai còn mẹ, hãy trân trọng lấy những ngày tháng ấy, đừng để nó vụt qua tay rồi mới nuối tiếc, bạn nhé!
T.V