Nếu thời gian có quay trở lại...
(Baonghean) - Nếu thời gian có quay trở lại, tôi có chọn nghề báo, tôi có chọn anh? Chắc chắn là có chứ! Tôi chỉ sợ rằng, nếu quay ngược thời gian, nghề báo lại không chọn tôi, hay anh nữa cũng không chọn tôi…
Cách đây hơn 10 năm, sau khi tốt nghiệp đại học báo chí, tôi về nhận công tác ở một tòa soạn báo tại Hà Nội. Ngay từ khi mới bước chân vào nghề, tôi đã thường xuyên phải đi xa, tới những vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi để viết bài phản ánh về cuộc sống của đồng bào vùng khó khăn. Một tháng đôi ba lần, tôi ngược núi, hết Điện Biên, Lạng Sơn, Lào Cai rồi vào tận Tây Nguyên. Thấy tôi suốt ngày trên đường thiên lý, cha mẹ tôi lo lắm: “Làm thân con gái mà cứ đi như ngựa cả ngày thế con?” Không ít lần mẹ tôi nói với tôi như thế. Có nhiều khi ghé qua nhà, mẹ thấy tôi thức đến 2, 3 giờ sáng hí húi viết lách, ăn uống thì vội vàng, chẳng có khi nào đúng bữa, bà lại thở dài: “Răng có cái nghề chi mà nhọc rứa?”.
Biết mẹ lo, nhưng tôi chỉ cười trừ, động viên: “Mẹ ơi, nghề của con mệt nhưng vui mẹ ạ”. Tôi khoe với mẹ từng tấm ảnh chụp được trên đường tác nghiệp, những bài báo đã neo vào lòng người. Mẹ cũng vui lây, nhưng không khỏi băn khoăn: “Đi tối ngày, chỉ lo rồi chẳng có ma nào thèm rước. Mà nếu có đứa nào chịu lấy thì cũng đến phải bỏ nghề, chứ lấy thời gian đâu mà chăm sóc chồng con?”.
Đi nhiều, quen nhiều, lại được khen thông minh, xinh xắn, tôi có không ít chàng trai theo đuổi. Nhưng rồi, ai cũng ngần ngại vì cái sự “đi nhiều, gặp nhiều” ấy của tôi. Mối lo của mẹ tôi ngày càng tăng lên khi bạn bè cùng trang lứa với tôi đã con bồng con bế. Tôi không phải không nghĩ đến, không phải không buồn, nhưng công việc mà tôi đam mê và nỗi háo hức lên đường chưa bao giờ phai nhạt trong tôi.
Rồi tôi đã gặp được anh trong một chuyến đi như thế. Lần ấy, một mình một ba lô, tôi lên vùng miền núi phía Bắc để thực hiện loạt bài phóng sự điều tra về nạn buôn lậu qua biên giới dịp cuối năm. Vừa thu thập xong thông tin, tôi phát hiện có người theo dõi mình. Tôi đi thật nhanh, mong kịp băng qua hẻm núi để ra đường cái, trong lòng lo lắng lỡ họ bắt lại mình giữa đường, thu giữ tư liệu và máy ảnh thì mấy ngày trời công cốc. Vừa chạy, vừa thở không ra hơi, tôi gặp một đoàn chừng 3 người đang đi phía trước. Đây là một đoàn kỹ sư xây dựng đi khảo sát công trình. Anh ở trong số họ, nhìn tôi với ánh mắt đầy ái ngại, cảm thông. Hiểu ý rất nhanh, anh cho tôi nhập đoàn và vui vẻ trò chuyện như người cùng một nhóm. Sau khi tách được sự theo dõi, anh hỏi tôi: “Em làm báo phải không? Sao một mình đi vào nơi nguy hiểm thế?” Tôi trả lời anh: “Nghề của bọn em khắc nghiệt như vậy anh ạ”. Anh ân cần tiễn tôi tới bến xe để về Hà Nội. Chúng tôi trao cho nhau địa chỉ, số điện thoại. Trên chuyến xe trở về, tôi bị ám ảnh bởi đôi mắt đầy cảm thông, chia sẻ của anh…
Sau lần đó, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau, gặp nhau nhiều hơn bởi đều công tác tại Hà Nội. Tình yêu đến lúc nào không hay. Tôi thấy mình thực sự may mắn khi được anh hiểu và động viên từng ngày trong công việc. Mỗi lần tôi đi công tác xa, anh chuẩn bị cho tôi từng lọ dầu gió, chiếc kim khâu, cuộn chỉ. Sau mỗi chuyến tôi đi công tác trở về, anh ra bến xe, bến tàu đón tôi, hỏi han công việc, và giục giã tôi viết bài cho kịp nộp về tòa soạn bằng tất cả sự chân tình…
Rồi chúng tôi cũng tính đến chuyện lâu dài. Anh đưa tôi về Kim Sơn, Ninh Bình ra mắt gia đình. Vùng quê còn nghèo, đường vào gập ghềnh đá sỏi, bố mẹ anh đều là thương binh, nhưng tôi vẫn cảm nhận rõ nét sự ấm áp, nồng hậu. Anh nói “Em làm dâu họ Phạm nhà anh là phải chịu vất vả đấy!”. Nhưng với tôi, được nhận tình yêu của anh, của bố mẹ anh đã là niềm hạnh phúc lớn. Anh cũng theo tôi về Nghệ An. Mẹ tôi mừng lắm, cũng rất thương quý anh. Và đám cưới của chúng tôi đã được tổ chức sau 2 năm yêu nhau. Chúng tôi thuê nhà trọ gần tòa soạn để thuận tiện cho công việc của tôi. Lấy nhau rồi anh vẫn vậy, vẫn luôn quan tâm, chăm sóc, thương yêu, tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành tốt công việc. Tuy không khá giả, nhưng cuộc sống của chúng tôi khá ổn định, đầm ấm. Niềm vui tăng lên khi chúng tôi đón sự chào đời của con gái. Sau kỳ nghỉ sinh, tôi đi công tác liên miên, anh phải thay tôi gánh vác việc nhà, chăm sóc con nhỏ. Khi con gái tròn 2 tuổi thì tôi chuyển về làm công tác biên tập tại tòa soạn. Dẫu không phải đi xa như trước nhưng đặc thù công việc nên nhiều hôm về tới nhà đã khuya. Nhìn con ngủ ngon, anh say sưa bên những bản thiết kế, tôi rửa bát, anh pha trà, hạnh phúc giản dị ấy trôi theo ngày tháng một cách êm đềm.
Những ngày ấy, thi thoảng, tôi thấy sắc mặt anh mệt mỏi, tôi giục anh đi khám sức khỏe. Lần lữa mãi, cuối cùng anh cũng chịu đồng ý để đi cùng tôi tới bệnh viện. Tới lúc trả kết quả, anh nói tôi ngồi chờ để anh vào lấy, mãi mới thấy anh trở ra, tươi cười với tôi: “Anh bị đau gan em ạ. Bác sỹ nói điều trị một thời gian sẽ khỏi!”.
Hàng ngày, anh uống thuốc đều, nhưng không hiểu sao ngày một yếu mòn. Tôi nhớ, một ngày giữa mùa Đông năm 2010, khi từ tòa soạn về nhà, kim đồng hồ đã chỉ qua con số 12 giờ đêm do phải trực làm báo tết, không thấy anh thức đợi tôi như mọi lần, tôi đâm lo.
Những ngày sau anh mệt nặng, tôi tìm đến bác sỹ đã khám cho anh để hỏi thăm. Tôi không thể tin nổi vào tai mình: anh bị ung thư gan giai đoạn cuối. Chỉ đến những ngày anh đau đớn không thể im lặng, thì tôi mới biết được rằng, mình có anh trên đời chẳng còn bao lâu nữa… Tôi xin nghỉ việc không lương một thời gian để gần anh, chăm sóc anh. Những tháng ngày ấy, tôi như kẻ chạy đua với thời gian để giành giật cho anh từng phút giây. Nghe ai nói ở đâu có thuốc là tôi bằng mọi cách tới hỏi mua dù xa xôi, khó khăn đến mấy… Tôi đau đến mức cạn dần cả nước mắt. Nhìn anh nằm với đôi tay xanh xao, đôi mắt mệt mỏi, nhìn con gái đang hồn nhiên học chữ… tôi chỉ muốn hét lên với ông trời: “Vì sao?”. Nhưng trước mặt anh tôi không được phép buồn đau.
Rồi một ngày kia, nghe tin ở Đô Lương có người bốc thuốc chữa bệnh gan rất hay, tôi lại lặn lội về lấy cho anh. Với niềm vui và hy vọng, tôi vội vã bắt xe trở về Ninh Bình. Quãng 6 giờ, vừa chạm chân đến ngõ, thì trong nhà nghe tiếng mẹ chồng tôi nức nở. Chân tôi như muốn khuỵu xuống. Đầu tôi quay cuồng, túi thuốc trong tay bỗng như nặng ngàn cân. Tôi gượng sức chạy đến bên giường anh. Anh nằm bất động… Tôi đã không kịp gặp anh lần cuối. Không kịp nữa rồi… Tôi ôm chặt lấy anh, gào thét, nghẹn ngào: “Làm sao để anh sống dậy? Sao anh không đợi em về?”.
Lo tang lễ cho anh xong, tôi đứng trước đồ đạc, vật dụng cá nhân của anh mà không khỏi xót xa. Mở chiếc va ly quen thuộc anh hay đựng sách vở, giấy tờ, đồ án, tôi sững người…Tự bao giờ, trong chiếc va ly đó, anh đã cắt hàng trăm bài báo tôi viết đã được đăng tải và xếp vào đó rất cẩn thận. Một nỗi nghẹn ngào bóp nghẹt tim tôi.
Đã gần 3 năm, tôi và con sống trong nỗi nhớ thương cồn cào. Nhiều lần tự hỏi: Nếu thời gian có quay trở lại, tôi có chọn nghề báo, có chọn anh? Chắc chắn là có chứ! Cảm ơn nghề báo đã cho tôi gặp anh, dù nhân duyên giữa chúng tôi thật ngắn ngủi. Và cảm ơn anh đã đến với cuộc đời tôi hiểu thế nào là yêu thương, vị tha.
Thu Hương