Nếu vỡ đập, Bangkok sẽ biến thành sông
Người dân thủ đô Thái Lan rất lo lắng trước tình hình lụt lội đang diễn biến ngày càng xấu đi. Bangkok đang bị đe dọa nghiêm trọng.
“Người Thái Lan đang cầu mong đập Bhumipol ở tỉnh Tak, cách Bangkok 480km, đừng bao giờ bị vỡ. Nếu không, Bangkok sẽ thành sông” - cộng tác viên Tuổi Trẻ tại Bangkok cho biết.
Thái Lan gồng mình chống lũ
Báo Bangkok Post ngày 10-10 đưa tin Chính phủ Thái Lan đang thực hiện tất cả khả năng có thể để bảo vệ khu vực nội ô thành phố Ayutthaya ở miền trung. Chính quyền đã yêu cầu nhà chức trách 10 tỉnh miền Trung chuẩn bị cho đợt di tản khẩn cấp. Các quan chức địa phương được phép quyết định thời điểm và quy mô các đợt di tản dân.
Đưa bệnh nhân sơ tán khỏi một bệnh viện ở tỉnh Ayutthaya, phía bắc thủ đô Bangkok
ngày 10-10 - Ảnh: AFP
Thủ tướng Yingluck cho biết dự báo mực nước sẽ lên đỉnh điểm vào ngày 12 và 13-10. “Chính phủ đang làm tất cả để hỗ trợ người dân. Xin đừng sợ hãi và hoảng loạn, hãy cảnh giác và sẵn sàng cho tình huống mới. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin liên tục cho người dân” - bà Yingluck khẳng định.
Cơ quan cứu nạn thảm họa Thái Lan cho biết 30/77 tỉnh đã bị nước lũ tấn công, 269 người thiệt mạng, 4 người mất tích, 2,4 triệu người mất nhà cửa. Rất nhiều nhà máy của các hãng như Honda Motor, Nikon và Canon đã phải đóng cửa. Chính phủ Thái Lan kêu gọi người dân quyên góp khoảng 700.000 bao cát để bảo vệ Bangkok.
Bộ Thương mại Thái Lan sẽ mở kho gạo để bán 100.000-200.000 tấn cho người dân đang thiếu gạo trong vòng 1-2 tuần tới. Chính quyền cảnh báo bất kỳ công ty nào găm giữ hàng sẽ bị buộc tội hình sự, bị án tù 7 năm và phạt 140.000 baht (4.500 USD). Giá các mặt hàng như áo phao, thuyền bè, thực phẩm đóng gói, đồ ăn khô và các mặt hàng cơ bản khác đã tăng mạnh.
Đây là đợt lụt lội lớn nhất trong lịch sử 50 năm ở Thái Lan. Dự báo nước lũ sẽ tràn vào thủ đô ngày 15-10.
Vì sao Bangkok bị lụt?
Nếu như trước đây Bangkok bị ngập lụt do nguyên nhân chủ yếu từ thiên tai, khiến sông ngòi không thể nhận hết khối nước khổng lồ hằng năm, thì nay Bangkok đang phải lao đao vì “nhân tai” là chủ yếu.
Bangkok có địa hình đổ dốc theo hướng đông, nhận nước từ nguồn phía bắc đổ ra sông Chao Phraya, cộng với lượng nước mưa trong mùa dao động từ 60-120mm/ngày trở lên. Tất cả nguồn nước đều băng ngang thủ đô, tràn qua các hệ thống thoát nước và kênh rạch để đổ ra biển. Thế nhưng, việc phát triển đô thị không đi đôi với bảo vệ môi trường.
Hệ thống đường sá được xây liên tục, kết nối các thành phố vệ tinh nhưng lại cắt ngang hướng thoát nước hoặc thậm chí thay đổi dòng chảy, gây tắc nghẽn, chuyển từ thoát nước tự nhiên bằng kênh rạch, sông ngòi sang hệ thống ống bêtông nhưng lại chưa tính toán kỹ dung tích và hiệu suất thoát ngập.
Tình trạng sụt lở và xói mòn đất đang diễn ra nghiêm trọng do nạn đào khoét để khai thác nước ngầm một cách quá mức, bất chấp việc ngăn cấm của chính phủ. Trước đây, trung bình mỗi năm Bangkok bị lún 5-10cm, nhất là các khu Phra Khanong, Bangkapi, Huay Khoang.
Ngoài ra không thể không nhắc đến những nguyên nhân khác như lấn chiếm rừng phòng hộ làm khu du lịch nghỉ dưỡng, lấp kênh rạch xây nhà, bịt cống thoát nước, thậm chí phá các cổng ngăn nước để nước thoát sang các vùng đất thấp hơn...
Nhiều đập nước khổng lồ như Sirikit, Bhumipol, Kieulom... đang dần quá tải và phải lần lượt xả lũ để tránh vỡ đập. Nước quét xuống miền trung khiến các dòng sông cái không hứng chịu nổi lượng nước trên 4.000m3/giây.
Thủy triều trong mùa cuối năm từ tháng 10 đến tháng 12 dâng cao. Trong khi đó Bangkok lại nằm ngay cửa vịnh. Bề mặt đất liền không cao hơn mực nước biển trung bình là bao, dao động từ 0,1-5m. Người dân các khu vực Bang Khunthian, Nonthaburi hằng năm phải mua cát, đất để đắp đập ngăn nước biển.
Theo Tuổi trẻ