Nga củng cố vai trò hòa giải trong xung đột Ấn - Trung

Diệp Khanh 23/06/2020 07:08

(Baonghean.vn) - Hôm nay (23/6), Ngoại trưởng 3 nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiến hành họp trực tuyến. Dù những thông tin đưa ra trước thềm cuộc họp cho thấy nội dung chính sẽ là vấn đề ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nhưng giới phân tích cho rằng Nga sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa Trung Quốc - Ấn Độ về xung đột biên giới.

Sự khác biệt của “người hòa giải”

Trước cuộc họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, truyền thông khu vực đã đồn đoán về việc Nga bí mật tiến hành các bước đi hòa giải cho Trung Quốc và Ấn Độ ngay từ hôm 17/6 - chỉ hơn 1 ngày sau cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong vòng 45 năm qua giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới tranh chấp. Vì thế, không có lý do gì mà Nga không tận dụng cuộc họp hôm nay để tiếp tục củng cố vai trò “người hòa giải” giúp hai cường quốc ở khu vực hạ nhiệt căng thẳng, dù tranh chấp biên giới Ấn - Trung có thể chỉ được thảo luận trong hậu trường chứ không được đưa vào chương trình nghị sự chính thức. Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Liên bang Nga đã khẳng định, Nga không nên và cũng không có ý định can thiệp vào cuộc tranh chấp biên giới hiện nay giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Dù vậy, nhiệm vụ của Nga là trở thành một “người hòa giải tin cậy” để ngăn chặn các tình huống huy động lực lượng quân sự của cả hai bên - viễn cảnh mà Nga cho rằng sẽ tạo ra sự bất ổn cho an ninh khu vực mà bản thân Nga không thể tránh khỏi bị tác động.

Ngoại trưởng 3 nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ hôm nay sẽ họp trực tuyến. Ảnh: Sputnik
Ngoại trưởng 3 nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ hôm nay sẽ họp trực tuyến. Ảnh: Sputnik

Thực ra, khi xung đột biên giới Ấn - Trung bất ngờ bùng phát từ đầu tháng 5, Nga không phải là quốc gia đầu tiên lên tiếng mà là Mỹ. Nhưng ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị làm trung gian hòa giải, cả Trung Quốc và Ấn Độ ngay lập tức bác bỏ, đồng thời khẳng định hai bên sẽ tự giải quyết vấn đề bằng các biện pháp song phương. Không khó để nhận ra rằng, nếu làm trung gian hòa giải, Mỹ khó có thể giữ được sự cân bằng cần phải có, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây với những bất đồng sâu sắc trong hàng loạt lĩnh vực. Ngay việc Tổng thống Donald Trump muốn mời Ấn Độ, Australia, Nga và Hàn Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến vào tháng 9 tới cũng được cho là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Nhưng Nga thì khác, Nga có nhiều yếu tố để không thể được xem như một “bên thứ ba bình thường”. Ở thời điểm hiện tại, Nga đang duy trì được mối quan hệ rất tốt đẹp với cả Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai quốc gia này hiện đều là đối tác chiến lược lớn của Nga về kinh tế và an ninh. Cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng đều đã ký thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ USD với Nga và mua sắm hệ thống tên lửa đất đối không S-400 bất chấp sức ép từ Mỹ. Không những vậy, giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc còn có một ràng buộc tay ba khi cùng là thành viên của Nhóm các quốc gia mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Nga sẽ nỗ lực thể hiện vai trò trong hậu trường để thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tránh để căng thẳng Ấn - Trung ảnh hưởng đến lịch trình tổ chức hai sự kiện quan trọng mà Nga đăng cai là Hội nghị thượng đỉnh SCO và Hội nghị Thượng đỉnh BRICS vào cuối năm nay. Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Liên bang Nga Konstantin Kosachev, Nga hiểu quan điểm về chủ quyền của Ấn Độ, Nga cũng hiểu quan điểm chủ quyền của Trung Quốc, và nếu Nga thể hiện vai trò trung gian một cách xây dựng thì Ấn Độ và Trung Quốc có thể giải quyết những vấn đề còn khác biệt.

Nga nỗ lực ngăn chặn việc Trung Quốc và Ấn Độ huy động lực lượng quân sự tại khu vực biên giới tranh chấp. Ảnh: Global Times
Nga nỗ lực ngăn chặn việc Trung Quốc và Ấn Độ huy động lực lượng quân sự tại khu vực biên giới tranh chấp. Ảnh: Global Times

Đằng sau vị thế cân bằng

Giới phân tích cho rằng, việc thể hiện vai trò trung gian trong xung đột biên giới Ấn - Trung còn là cơ hội để Nga xây dựng hình ảnh “người gìn giữ hòa bình trong khu vực” - hình ảnh mà bất cứ quốc gia nào cũng muốn có được trong một trật tự thế giới đa phương. Nhưng để làm được điều đó, Nga sẽ phải duy trì được vị thế cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc - điều Mỹ không thể có, và với Nga cũng không hề dễ dàng. Ở thời điểm hiện tại, có thể thấy Nga đang duy trì quan hệ tốt với cả Ấn Độ và Trung Quốc. Trong suốt thời gian bùng phát xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, báo chí Nga cũng đăng tải những bài viết thể hiện lập trường trung lập, cân bằng lợi ích của cả Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng nếu nhìn vào tầng sâu hơn trong quan hệ Nga - Ấn và Nga - Trung, người ta có thể nhận sự khác biệt trong cách mà Nga duy trì quan hệ với hai cường quốc ở khu vực.

Với Ấn Độ, mối quan hệ song phương đã được xây dựng từ thời Liên Xô cũ và phát triển vững chắc trong hơn 70 năm qua. Nhưng bên cạnh truyền thống lâu đời, mối quan hệ Nga - Ấn còn được củng cố bởi những mục tiêu chiến lược trong bức tranh cạnh tranh chiến lược đầy phức tạp giữa các cường quốc. Trên bình diện quốc tế, Nga và Trung Quốc được cho là ngày càng xích lại gần nhau để tạo thế đối trọng với Mỹ. Nhưng trên bình diện khu vực, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng buộc Nga phải có tính toán, và một Ấn Độ quyết đoán hơn, có thế lực hơn sẽ tạo thành đối trọng với Trung Quốc ở khu vực. Nga đã nhiều lần thể hiện sự ủng hộ với Ấn Độ trên các diễn đàn đa phương, ví dụ như ủng hộ Ấn Độ giữ một ghế thường trực trong ý tưởng mở rộng thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, hay ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) - một liên minh gồm 48 quốc gia cung cấp hạt nhân kiểm soát việc xuất khẩu thiết bị và công nghệ hạt nhân trên toàn cầu. Nga và Ấn Độ cũng ký một thỏa thuận vào năm 2014 nhằm xây dựng 12 nhà máy điện hạt nhân do Nga thiết kế ở Ấn Độ. Khi Nga vạch ra “đường đi nước bước”để Ấn Độ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hồi năm 2017, dư luận cũng dậy lên đồn đoán Nga muốn Ấn Độ trở thành đối trọng của Trung Quốc ở khu vực bên cạnh mục đích thúc đẩy sự phát triển chung của tổ chức.

Nga có vị thế khác hẳn Mỹ khi làm trung gian hòa giải cho Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: Getty
Nga có vị thế khác hẳn Mỹ khi làm trung gian hòa giải cho Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: Getty

Trong khi đó, mối quan hệ Nga - Trung được cho là bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi yếu tố thời cuộc. Phía Nga nhiều lần khẳng định mối quan hệ của họ với Trung Quốc đang được duy trì ở mức tốt nhất từ trước đến nay. Theo giới phân tích, Trung Quốc là một đối tác rất quan trọng với Nga khi Nga - dưới thời của Tổng thống Putin - bắt đầu thách thức trật tự thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu. Chiến dịch chống Nga ở phương Tây với các lệnh trừng phạt liên tiếp được áp đặt thời gian gần đây càng góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.

Với vị thế ngày càng tăng Nga tại các điểm nóng quốc tế, với quan hệ tốt đẹp của Nga với cả Trung Quốc và Ấn Độ, dư luận quốc tế kỳ vọng cuộc họp trực tuyến hôm nay giữa Ngoại trưởng ba nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tạo tiền đề để thúc đẩy các bước đi ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng biên giới Trung - Ấn. Tuy nhiên, khi Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt về Đường kiểm soát biên giới thực tế (LAC), khi hai bên vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau, nhiều khả năng các cuộc đụng độ quy mô nhỏ lẻ sẽ vẫn tái diễn, và khu vực biên giới Ladakh sẽ tiếp tục là nơi chứng kiến các cường quốc - cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ - tìm mọi cách để chứng minh vị thế trong khu vực.

Mới nhất

x
Nga củng cố vai trò hòa giải trong xung đột Ấn - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO