Nga đang có tham vọng thay thế Mỹ ở Trung Đông?

13/10/2017 13:45

Nga thắng thế ở Syria, có quan hệ tốt với Iran, Iraq và Thổ. Quốc vương Saudi Arabia lại vừa thăm Matxcơva. Liệu Nga có muốn thế chân Mỹ trong khu vực?

Khi khai mạc cuộc họp mới đây với quốc vương Saudi Arabia Salman, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lãnh đạo Saudi rằng Liên Xô là đất nước đầu tiên công nhận vương quốc Arab này vào năm 1926. Ấy thế nhưng các thập kỷ sau đó, Saudi Arabia lại trở thành một trong các đối thủ rắn nhất của Moscow trong khu vực.

nga dang co tham vong thay the my o trung dong hinh 1
Quốc vương Saudi Arabia Salman (trái) và Tổng thống Nga Putin dự một nghi lễ ở Matxcơva vào ngày 5/10. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên thời thế giờ đã khác và quốc vương Salman trở thành vị vua Saudi đầu tiên thăm Matxcơva. Không những vậy, chuyến thăm này còn được cho là sẽ xúc tiến mạnh cho hợp tác Nga-Saudi Arabia trên một quy mô chưa từng có tiền lệ.

Từ đối đầu sang hợp tác

Có nhiều cáo buộc từ phương Tây cho rằng Tổng thống Putin đang cố gắng hồi sinh các tham vọng quốc tế của Liên Xô. Trên thực tế, chính sách của nước Nga hiện nay ở nhiều khu vực đã đi xa hơn cả chính sách của Liên Xô trước đây. Trung Đông là một ví dụ ấn tượng nhất cho điều này.

Trước đây, Liên Xô và Israel đôi lúc ở bên bờ vực xung đột quân sự trực tiếp. Iran, cả dưới thời Shah và sau Cách mạng Hồi giáo, đều gây phức tạp thêm mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc. Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì là một thành viên NATO tiêu biểu. Saudi Arabia khi đó hồ hởi phát triển mối quan hệ hợp tác với Mỹ kể cả khi Anh lúc đó vẫn là cường quốc phương Tây thống trị trong khu vực Trung Đông.

Ngày nay, quốc vương Salman trở thành người cuối cùng trong số các nhà lãnh đạo của 4 nước nói trên đến Nga để gặp ông Putin và thảo luận về hợp tác song phương. Tuy nhiên, dù đến sau, Saudi Arabia vẫn có thể nhanh chóng đuổi kịp các nước Trung Đông khác trong hợp tác với Nga.

Quan hệ thân thiện mới này giữa Saudi và Nga có thể gây ngạc nhiên đáng kể. Vì hai nước vốn có rất nhiều bất đồng. Nga và Saudi không chỉ cạnh tranh với nhau trên thị trường năng lượng toàn cầu, họ còn ủng hộ các phe khác nhau trong nội chiến Syria. Mới năm ngoái thôi, Saudi rất quan ngại về sự ủng hộ của Nga dành cho Tổng thống Syria al-Assad, khiến cho quá trình khởi động đàm phán về quản lý giá dầu gặp khó khăn.

Năm nay, tình hình chuyển biến mau lẹ. Các lực lượng của Tổng thống Syria al-Assad giành nhiều thắng lợi, hợp tác giữa Nga và khối dầu mỏ OPEC gia tăng, và quốc vương Saudi Arabia tới Moscow.

Cùng mô-típ với Thổ

Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải là điều quá mới mẻ. Trước đó, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã trở nên nồng ấm một cách đáng kinh ngạc sau một thời kỳ căng thẳng kéo dài kể từ khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga vào năm 2015. Hiện nay, quan hệ Nga-Thổ chưa bao giờ lại sâu sắc đến như vậy.

Trong trường hợp quan hệ Saudi-Nga, có vẻ như quốc vương Salman đã can thiệp để ngăn chặn căng thẳng leo thang. Sự can thiệp đó không phải là không có lý. Dù có nhiều khác biệt, hai nước không có khúc mắc lớn đến mức phải đối đầu sinh tử. Về phần mình, Moscow chưa bao giờ tuyên bố Saudi Arabia là kẻ thù, dù cho tư tưởng Hồi giáo cực đoan Wahhabi từ Saudi lan sang và cắm rễ ở các nước cộng hòa Dagestan và Chechnya của Nga.

Trong chuyến thăm Moscow của quốc vương Salman, hai bên đã ký kết hàng chục văn bản hợp tác khác nhau, từ thăm dò vũ trụ đến trao đổi văn hóa, từ đầu tư đến mua bán vũ khí, từ hợp tác khoa học đến nông nghiệp.

Có 2 lĩnh vực đặc biệt đáng lưu ý. Thứ nhất, hai nước bắt đầu xem xét cách thức hợp tác hiệu quả nhất trong mảng năng lượng hạt nhân và tái tạo. Thứ hai, hai bên đã tuyên bố rằng Saudi Arabia sẽ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Điều thú vị là cả trong 2 mảng này, Saudi Arabia dường như đều đi theo đúng con đường mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đi. Saudi và các nước vùng Vịnh khác có lẽ đã theo dõi sát sao phản ứng của Mỹ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 từ Nga. Khi có dấu hiệu rõ là Mỹ không phản đối thỏa thuận vũ khí này thì Nga đã đạt được một thành công “không hề nhẹ” trên thị trường vũ khí toàn cầu. Nếu như một nước thành viên NATO mua S-400 thì các nước NATO khác quan tâm còn ngại gì nữa?

Nga vẫn tỉnh táo

Cần lưu ý rằng quan hệ đối tác giữa Nga và Saudi Arabia là dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và không đưa vấn đề ý thức hệ vào.

Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir tuyên bố như thế này: “Cả hai nước tin vào nhu cầu tôn trọng nguyên tắc chủ quyền và tôn trọng luật quốc tế, chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác. Hai nước phản đối việc áp đặt các nguyên tắc xa lạ với xã hội của 2 nước chúng tôi”.

Tuy nhiên, Moscow có lẽ không muốn thế chỗ Washington để trở thành người có ảnh hưởng áp đảo ở Trung Đông như Mỹ. Nga hiểu rõ mối nguy hiểm từ việc căng mỏng lực lượng.

Thời trước, Anh đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh khu vực. Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ thế chân Anh. Nhiều nước trong khu vực đã trở nên sành sỏi trong việc dựa vào Mỹ để giải quyết các vấn đề của họ, khiến Mỹ bị lún sâu vào đây và tiêu tốn nhiều tiền bạc, đánh mất nhiều lợi ích dài hạn.

Nga khác Mỹ. Nga ngày nay đã rút ra nhiều bài học xương máu từ việc mở rộng ảnh hưởng quá mức trong thời Chiến tranh Lạnh. Hơn nữa, tình hình chính trị nội bộ của Nga hiện nay cũng không có chỗ cho các kế hoạch phiêu lưu ở nước ngoài. Đó là lý do hợp tác giữa Nga và Saudi Arabia, và rộng hơn là với các nước lớn khác trong khu vực Trung Đông, sẽ khó có thể dẫn Nga tới chỗ trở thành một “sen đầm” Trung Đông./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nga đang có tham vọng thay thế Mỹ ở Trung Đông?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO