Nga - Mỹ có thực sự thay đổi thái độ về cuộc khủng hoảng Ukraine?

12/11/2014 15:28

(Baonghean) - Trong khi Nga không công nhận kết quả bầu cử tại hai khu vực Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine như hứa hẹn, thì bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2014 - APEC đang diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ngoại trưởng hai nước Nga và Mỹ đã thống nhất sẽ trao đổi thông tin về tình hình Ukraine. Liệu những động thái này có nói lên bản chất khủng hoảng tại Ukraine hiện nay?

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2014. Nguồn: RT
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2014. Nguồn: RT

TIN LIÊN QUAN

Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2014 đang được ví như một diễn đàn địa chính trị nóng bỏng với những bước đi ngoại giao chiến lược của các cường quốc, liên quan đến các điểm nóng quốc tế mà các bên cùng quan tâm. Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng không phải là ngoại lệ. Sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bên lề hội nghị, hai bên đã cùng nhất trí trao đổi thông tin về tình hình ở khu vực biên giới Nga - Ukraine. Hai ngoại trưởng cũng đã có những tuyên bố theo xu hướng hợp tác để giải quyết tình hình miền Đông Ukraine. Đây được đánh giá là bước chuyển hướng quan trọng có thể hạ nhiệt tình hình Ukraine cũng như mối quan hệ Nga - Mỹ. Trước đó trong một động thái khác, Nga đã chính thức tuyên bố chỉ “tôn trọng” chứ không “công nhận” kết quả bầu cử ở hai tỉnh miền Đông Donetsk và Luhansk.

Rất nhiều câu hỏi lớn đặt ra sau những động thái này, rằng vì sao Nga lại thay đổi thái độ với miền Đông Ukraine, liệu Nga và Mỹ có thiện chí khi bước đầu có quan điểm thống nhất về tình hình Ukraine và có phải cuộc khủng hoảng Ukraine sắp rẽ sang hướng mới?

Trước hết về phía Nga, trong tuyên bố của mình, trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov khẳng định rằng: “Quan điểm chính thức của Nga thể hiện trong tuyên bố ngắn nhưng hàm súc của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga về kết quả bầu cử. Ở đây chúng tôi dùng từ ‘tôn trọng’”. Nguyên nhân đầu tiên theo các nhà phân tích, Nga đã chủ ý hành động như vậy, bởi đây là cách tiếp cận khá an toàn trong bối cảnh hiện nay. Bởi Nga không hề muốn tự phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn tại Minsk mà phải rất vất vả mới đạt được. Và Nga chắc chắn cũng không muốn để cuộc chiến bùng phát khiến tình hình càng rối ren hơn.

Một nguyên nhân khác là trước các lệnh trừng phạt ngặt nghèo của Mỹ và châu Âu, đặc biệt là lệnh cấm nhập khẩu nông sản của EU, nước Nga cũng bắt đầu lao đao và không muốn tình hình xấu thêm. Lý lẽ mà Nga đưa ra là việc cả Donetsk và Luhansk đều chưa thể đáp ứng được yêu cầu của một nhà nước độc lập, như không có đường biên giới, không có các thiết chế Nhà nước… Điều này vừa hợp luật pháp quốc tế, vừa “xuôi lòng” miền Đông Ukraine và cũng không thể khiến phương Tây nổi giận mà gia tăng các lệnh trừng phạt thêm nữa. Bởi mới ngày 6/11 vừa qua, Mỹ và châu Âu lại tuyên bố đang xem xét việc tăng các khả năng trừng phạt kinh tế Nga.

Trong khi đó về phía phương Tây, không có nhiều lý do để Mỹ và các nước châu Âu làm căng hơn nữa quan hệ với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine. Với Mỹ - quốc gia luôn gây sức ép với các đồng minh châu Âu về vấn đề Ukraine, bản thân cũng đang gặp nhiều vấn đề. Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ với chiến thắng của phe Cộng hòa đang làm khó mọi bước đi đối nội, đối ngoại của Tổng thống Obama. Sức ép từ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tại Iraq và Syria cũng khiến cho ông Obama khó có thể sa lầy thêm vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bởi vậy, đeo đuổi đến cùng vấn đề Ukraine hay dừng lại trong “một thế hòa” có lẽ đang được Chính phủ Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng. Và tất nhiên, khi Mỹ đã lưỡng lự thì các nước châu Âu cũng không dại dột mà lấn tới, bởi châu Âu đang là bên chịu thiệt lớn nhất trên bàn cờ Ukraine. Bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công, các vấn đề chia tách khu vực và cả các mâu thuẫn trong nội bộ từng nước như Anh, Tây Ban Nha, Italy… đều khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải bận tâm. Liệu đã đến lúc các tính toán địa chính trị giữa các bên sẽ phải gác lại?

Câu hỏi này thực tế không hề dễ trả lời. Bối cảnh khó khăn của mỗi bên đang khiến các nước có các bước đi nhượng bộ, nhưng những nhượng bộ đó có thực chất không thì lại là chuyện khác. Thực tế tình hình các tỉnh miền Đông Ukraine những ngày này đã nói lên tất cả. Hôm 9/11, giao tranh tại khu vực này đã bùng phát trở lại với nhiều loạt đấu pháo giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập. Đây là lần giao tranh dữ dội nhất giữa hai bên kể từ khi hai một thỏa thuận ngừng bắn mong manh được ký kết cách đây hơn 2 tháng. Còn mới đây, phái bộ giám sát đặc biệt tại Ukraine (SMM) thông báo đã quan sát thấy 2 đoàn xe bọc thép chở theo đạn pháo không gắn biển hiệu tiến vào Donetsk, thành trì của quân ly khai ở miền Đông.

Trong khi đó, mâu thuẫn và những toan tính của Nga, Mỹ và cả Ukraine cũng không dễ gì lắng xuống và mất đi. Nga chắc chắn sẽ không để yên một nước láng giềng thân phương Tây là Ukraine - trong tương lai có thể sẽ là nơi đặt các căn cứ quân sự của NATO. Trong khi đó, Mỹ cũng không dễ để Nga “qua mặt” và mất điểm với các đồng minh châu Âu trong cuộc cân não Ukraine. Vấn đề nữa là ở chỗ, hiện nay nhiều phe phái tại Kiev mới là bên muốn hướng miền Đông theo hướng một cuộc chiến chứ không phải theo hướng hòa giải hay hòa bình.

Theo giới phân tích, khi miền Đông ổn định thì chính quyền Kiev sẽ không còn nhận được viện trợ của Mỹ và châu Âu. Ngân khố trống rỗng của nước này sẽ gặp nguy khi kinh tế xuống dốc và món nợ khí đốt khổng lồ với Nga đang dần đáo hạn. Hơn nữa, chính quyền thân phương Tây mới của Ukraine sẽ không còn cái cớ nào để thực hiện các mục tiêu chính trị “bài Nga” trong chiến lược sắp tới của mình. Với những lý do như vậy, quả thực bài toán Ukraine vẫn chưa thể có hồi kết, và những động thái ngoại giao tích cực mới đây giữa Nga và Mỹ cũng sẽ chỉ là những lời hoa mỹ nhất thời. Chắc chắn, Ukraine sẽ còn phải đi một chặng đường dài mới tới được ổn định và hòa bình.

Phương Hoa

Nga - Mỹ có thực sự thay đổi thái độ về cuộc khủng hoảng Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO