Ngã ngửa: Sữa dê Mỹ chế biến tại... TP.HCM
Mặc dù nhà phân phối quảng cáo sữa dê GmB có xuất xứ từ Mỹ và Hà Lan, do Công ty TNHH quốc tế Đại Hùng Tinh nhập khẩu, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, sữa dê GmB được sản xuất, đóng gói tại... quận 9, TP.HCM!
Không những thế, sản phẩm gắn nhãn hiệu sữa dê Mỹ GmB thực chất có giá nhập khẩu bột sữa nguyên liệu cực rẻ, trong khi giá bán lẻ lại cao chót vót, là một trong số ít những sản phẩm có giá bán cao trên thị trường sữa bột.
Sữa dê GmB được bày bán tại siêu thị Medicare |
Đóng gói tại Việt Nam cho... rẻ
Để tìm hiểu thực hư về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sữa dê GmB, chúng tôi đã đến trụ sở và chi nhánh của Công ty Đại Hùng Tinh tại đường Nguyễn Xiển, Q.9, TP.HCM. Qua tìm hiểu cho thấy sữa dê GmB là hàng được đóng gói tại VN. Công ty Đại Hùng Tinh nhập khẩu bột sữa dê về và thực hiện đóng hộp tại địa chỉ 967B Nguyễn Xiển, P.Long Bình, Q.9. Công ty này còn có chi nhánh tại một địa chỉ khác trên đường Nguyễn Xiển. Ở đây luôn cửa đóng then cài. Một số người dân xung quanh cho biết dùng để chứa hàng.
Trao đổi với chúng tôi chiều 12.3, bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, phó giám đốc Công ty Đại Hùng Tinh, thừa nhận sản phẩm được đóng gói tại VN, không phải hàng nhập nguyên lon từ Mỹ, Hà Lan. “Công ty nhập khẩu bột sữa dê từ Hà Lan, sau đó bỏ thêm một số chất dinh dưỡng khác vào theo công thức chuyển giao công nghệ, nhượng quyền của GmB Food International tại Mỹ và đóng thành hộp sữa GmB. Công ty đem về VN đóng gói để bớt chi phí. Nếu đóng gói tại Mỹ chi phí sẽ cao hơn rất nhiều” - bà Gấm nói. Theo tìm hiểu, trong năm 2012, Công ty Đại Hùng Tinh đã nhập khẩu 15 tấn bột sữa dê từ Hà Lan về VN. Với lượng bột sữa như vậy, có thể đóng được gần 35.300 hộp sữa GmB.
Tờ khai hải quan Công ty Đại Hùng Tinh cung cấp cho các đại lý, nhà phân phối chỉ ghi thông tin Công ty Đại Hùng Tinh nhập khẩu mặt hàng bột sữa dê nguyên kem từ Hà Lan, quy cách đóng gói 25kg/bao. Tại giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm cấp cũng xác nhận cho sản phẩm “bột sữa” do Công ty Đại Hùng Tinh sản xuất, không phải sản phẩm sữa dê đóng hộp hiệu GmB nhập khẩu từ Hà Lan, Mỹ theo quy cách 425g/hộp đang bán trên thị trường. Khi đưa hàng ra thị trường, Công ty Đại Hùng Tinh đã dán nhãn xuất xứ từ Hà Lan và quảng bá là sữa dê Mỹ.
Tại siêu thị Medicare nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh), tất cả sản phẩm sữa dê nhãn hiệu GmB bày bán trên kệ đều được đóng trong hộp nhựa trọng lượng 425g. Bao bì sản phẩm được in hoàn toàn bằng tiếng Anh và được dán thêm một nhãn phụ bằng tiếng Việt, ghi rõ “Xuất xứ Hà Lan”. Tương tự, sữa dê GmB bán tại một hệ thống siêu thị hàng tiêu dùng có thương hiệu tại TP.HCM cũng đề thông tin xuất xứ từ Hà Lan trên nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Bà H., giám đốc một hệ thống siêu thị tại TP.HCM, cho biết ngay cả nhà phân phối cũng không nắm được thông tin. Siêu thị nhận được hồ sơ hàng nhập khẩu từ Hà Lan, doanh nghiệp có dán nhãn phụ ghi rõ thông tin nhà sản xuất. “Vì thấy sữa dê đang được nhiều người tiêu dùng chọn mua nên chúng tôi bán thử nghiệm. Tôi cứ đinh ninh GmB là sữa dê nhập khẩu nguyên lon từ Hà Lan chứ...” - bà H. nói. Trên thị trường, một số cửa hàng còn bán hàng không có nhãn phụ tiếng Việt. Thay vào đó, người bán công bố thông tin sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Ngay cả Công ty Đại Hùng Tinh cũng để thông tin “sữa dê Mỹ” nên nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng đây là sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.
Mượn nhà máy của công ty khác để minh họa!
Bà Gấm giải thích việc ghi nhãn xuất xứ Hà Lan, quảng cáo là sữa dê Mỹ... của Công ty Đại Hùng Tinh là vì không biết. Nhưng trước những nghi ngờ của người tiêu dùng về việc có hay không sự tồn tại của nhà sản xuất sữa GmB Food và nhà máy tại Hà Lan, bà Gấm cho biết: “Sữa dê GmB là nhãn hiệu của Công ty Đại Hùng Tinh đã đăng ký độc quyền. Sản phẩm được sản xuất theo công thức và đóng gói ủy quyền của GmB Food tại Mỹ. Bột sữa nguyên liệu nhập khẩu từ Hà Lan”. Tuy nhiên, bà Gấm không tiết lộ nhà xuất khẩu bột sữa nguyên liệu vì lý do cạnh tranh.
Trên website suademy.com, Công ty Đại Hùng Tinh giới thiệu GmB Food tại Mỹ là công ty thực phẩm sở hữu hơn 80.000 con dê của 40 nông trại và có nhà máy sản xuất tại Hà Lan. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc GmB Food tại Mỹ có mối liên hệ với nhà xuất khẩu bột sữa dê ở Hà Lan hay không, bà Gấm cho biết GmB Food và nhà xuất khẩu bột sữa tại Hà Lan là hai công ty khác nhau.
Liên quan đến tấm ảnh được công bố là nhà máy GmB Food tại Mỹ, gắn logo GmB đăng trên website suademy.com và website gmbfood.com giống hệt nhà máy sữa Tatura (Úc), bà Gấm thừa nhận đó không phải là nhà máy của GmB. “Đây là hình ảnh minh họa. Trang web là công cụ để giới thiệu cho khách hàng biết đến sản phẩm. Nói nôm na là tiếp thị. Nó chỉ là cái vỏ bên ngoài thôi. Còn sản phẩm của chúng tôi về VN đều có đầy đủ giấy tờ, kiểm nghiệm chất lượng của bên y tế, thú y mới được thông quan” - bà Gấm giải thích!
Theo giải thích của Công ty Đại Hùng Tinh, đóng gói ở VN giúp công ty có thể bán giá ưu đãi cho khách hàng. Tuy nhiên, giá “ưu đãi” của công ty bán ra tới 490.000 đồng/hộp 425g lại đứng ở hàng cao chót vót so với mặt bằng giá sữa bột trên thị trường. Trong khi đó, trên thực tế, giá nhập sữa bột nguyên liệu lại rất thấp.
Đơn giá nhập khẩu mặt hàng này chỉ khoảng 159 euro/bao 25kg, tức khoảng 69.000 đồng/hộp sữa 425g. Cộng thêm khoản thuế nhập khẩu 3%, thuế giá trị gia tăng 10%, giá nguyên liệu cho một hộp sữa GmB của Công ty Đại Hùng Tinh chỉ khoảng 78.000 đồng. Tính ra, khoản chênh lệch so với giá bán lẻ lên đến 412.000 đồng. Ngay cả chi phí đóng lon, vận chuyển, chiết khấu thương mại cũng không thể đẩy mức chênh lệch lên cao như trên.
Gây hiểu sai nghiêm trọng cho người tiêu dùng Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM khẳng định cơ quan này chưa từng kiểm tra về sản phẩm sữa dê GmB. Tuy nhiên, với cách ghi nhãn “xuất xứ: Hà Lan” như hàng bán trong siêu thị, Công ty Đại Hùng Tinh đã vi phạm quy định ghi nhãn, gây hiểu sai nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Với việc dán nhãn nội dung như trên, người tiêu dùng đương nhiên hiểu đó là hàng nhập khẩu nguyên lon từ Hà Lan, chứ không phải hàng đóng gói tại VN. Doanh nghiệp có quyền ghi thông tin nguyên liệu được nhập khẩu từ quốc gia nào, nhưng phải đi kèm là nhà máy sản xuất, đóng gói tại VN.
Theo Tuổi trẻ - TH