Nga "nhanh chân" dỡ bỏ cấm vận Iran khiến Mỹ sốt ruột

15/04/2015 08:00

(Baonghean) - Chưa đầy 2 tuần sau khi thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đạt được với nhóm P5+1 trong đó có Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa bất ngờ ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-300 cho Iran. Theo giới quan sát, động thái này của Nga là một “bước đi trước” trong cuộc đua giành các lợi ích từ Iran, sau khi quốc tế có khả năng sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này vào cuối tháng 6 tới đây.

(Baonghean) - Chưa đầy 2 tuần sau khi thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đạt được với nhóm P5+1 trong đó có Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa bất ngờ ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-300 cho Iran. Theo giới quan sát, động thái này của Nga là một “bước đi trước” trong cuộc đua giành các lợi ích từ Iran, sau khi quốc tế có khả năng sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này vào cuối tháng 6 tới đây.

Với một thông báo chính thức từ Điện Kremlin, Nga đã chính thức bật đèn xanh dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tên lửa cho Iran. Thông báo cho biết: “Nghị định dỡ bỏ lệnh cấm vận bao gồm việc quá cảnh qua lãnh thổ của Liên bang Nga (bao gồm cả đường hàng không); dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng không S-300 của Liên bang Nga cho nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”. Mặc dù là đồng minh thân cận, thế nhưng, Nga và Iran đã vướng phải bất đồng về việc cung cấp hệ thống phòng không S-300. Theo đó hồi năm 2007, Nga đã ký hợp đồng bán 5 khẩu đội S-300 cho Iran với trị giá 800 triệu USD. Tuy vậy, sau đó vào năm 2010, Nga đã phải hủy hợp đồng này dưới sức ép của phương Tây, sau khi Liên Hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan trong chuyến thăm Iran ngày 20/1/2015. (Nguồn: yahoo.com)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan trong chuyến thăm Iran ngày 20/1/2015. (Nguồn: yahoo.com)

Nghị quyết số 1929 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc hồi tháng 6/2010 nêu rõ: Cấm bán cho Iran “mọi loại xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chiến đấu, các hệ thống pháo cỡ lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, tên lửa hoặc hệ thống tên lửa như chúng được xác định cho mục tiêu của Đăng kiểm vũ khí thông thường của Liên Hợp quốc”. Iran sau đó đã đệ đơn lên tòa án trọng tài ở Geneva (Thụy Sỹ) để kiện Tập đoàn Rosoboronexport của Nga vi phạm hợp đồng. Tuy vậy, hợp đồng này đã bị đóng băng cho đến chuyến thăm Iran của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi cuối tháng 1 vừa qua. Không chỉ dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran, Nga cũng bắt đầu cung cấp ngũ cốc, thiết bị và vật liệu xây dựng cho Tehran để đổi lấy dầu thô theo một thỏa thuận trao đổi hàng hóa.

Việc Nga tỏ ra “nhanh chân” hơn như vậy đã khiến Mỹ không khỏi giật mình và tất yếu có những lời lẽ chỉ trích ngay lập tức. Sau tuyên bố từ phía Nga, cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng đã đồng loạt lên tiếng. Hãng Lenta ngày 14/4 dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Ernest cho biết, việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran có thể gây cản trở cho các kế hoạch về chương trình hạt nhân của nước này cũng như tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran. Còn tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng lên tiếng phản đối quyết định này của phía Nga bất chấp Ngoại trưởng Nga khẳng định, S-300 là hệ thống có tính chất phòng thủ và không đe dọa đến an ninh của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Dễ hiểu khi Mỹ tỏ ra sốt ruột bởi với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận tên lửa với Iran, bởi chắc chắn Nga sẽ thu được rất nhiều cái lợi. Thứ nhất, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, Nga đã sẵn sàng có một khởi đầu thuận lợi trong cuộc đua để giành lấy những lợi ích từ việc dỡ bỏ cấm vận với Iran. Tức là, trong khi Mỹ còn đang nỗ lực để đạt được một kết quả khả quan cho chương trình hạt nhân Iran trước thời hạn chót 30/6, thì Nga đã đi trước một bước. Thứ hai, trong bối cảnh Nga vẫn đang bị phương Tây bao vây kinh tế liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, thì những hợp đồng tên lửa lớn như với Iran là một nguồn thu không nhỏ để củng cố nền kinh tế trong nước. Và thứ ba, không chỉ thắt chặt quan hệ với đồng minh Iran, Nga còn muốn ngăn cản Iran và Mỹ xích lại gần nhau, sau khi vấn đề hạt nhân được giải tỏa.

Trong khi đó về phía Iran, truyền thông nhà nước Iran dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehghan hoan nghênh động thái dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống tên lửa S-300 của Nga và cho rằng, sự kiện sẽ giúp “mở rộng hợp tác” và “tạo sự ổn định trong khu vực”. Thực ra, Iran đã mong chờ nối lại hợp đồng S-300 này từ lâu. Bởi với Tehran, việc sở hữu hệ thống phòng không S-300 sẽ khiến quốc gia Hồi giáo có được sự tự tin trong quốc phòng, trong bối cảnh quan hệ với Israel chưa bao giờ hạ nhiệt. Theo giới phân tích, bước đột phá S-300 lần này còn giúp cả Nga và Iran cùng đối phó sự can thiệp của Mỹ vào điểm nóng Trung Đông - vốn cả Tehran và Moscow đều đang có chiến lược tạo vị thế và ảnh hưởng tại đây.

Thế nhưng, các diễn biến tích cực gần đây trong đàm phán hạt nhân Iran một phần sẽ mang lại lợi ích cho Nga và Iran, nhưng mặt khác cũng tạo ra nhiều thách thức mới cho cả hai nước. Với Nga, đó là nguy cơ Iran được nới lỏng cấm vận và sẽ mở cửa quan hệ hơn với phương Tây, trong đó có Mỹ. Điều này đồng nghĩa, Iran sẽ rời xã khỏi vòng ảnh hưởng của Nga, đây là điều mà Moscow không hề mong muốn. Tehran vốn có thể coi như một đồng minh của Nga, tương tự như Syria với nhiều sự hỗ trợ về mặt quân sự, quốc phòng, kinh tế từ Moscow. Nhưng trước bối cảnh mới, sự lựa chọn chiến lược nào rồi cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Vì thế, Iran cũng sẽ phải có những cân nhắc riêng, khi một mặt điều chỉnh quan hệ với phương Tây để “mở cửa” các kho dầu khổng lồ đang bị cấm vận của mình, nhưng lại không được ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Iran.

Tuy vậy, việc Nga lo ngại trước là không thừa, bởi ngay sau khi Nga tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận tên lửa với Iran thì Tehran đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu. Bất chấp việc cả hai bên đều tuyên bố, việc này sẽ không là thách thức hay gây khó khăn lẫn nhau; nhưng ai cũng biết rằng, Iran có lượng dự trữ khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nga. Vì thế, chắc chắn sau khi hồ sơ hạt nhân Iran được giải quyết, thế giới sẽ chứng kiến những bước chuyển dịch lớn trong các trục quan hệ không chỉ tại Trung Đông mà trên toàn thế giới.

Phương Hoa

Mới nhất
x
Nga "nhanh chân" dỡ bỏ cấm vận Iran khiến Mỹ sốt ruột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO