Nga thử thành công ICBM Sarmat
Lực lượng tên lửa chiến lược nga đã thử nghiệm thành công giếng thế hệ mới được dùng để phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vụ phóng được thực hiện tại căn cứ Dombarovsky, vùng Orenburg. Trong vụ thử nghiệm, lực lượng tên lửa chiến lược (SMF) Nga đã phóng thành công một ICBM từ giếng phóng mới tới mục tiêu tại bãi thử Kura ở Kamchatka.
Tướng Oleg Kislov, Chỉ huy trưởng Trung tâm thử nghiệm Kapustin Yar cho biết: "Vụ phóng thử nằm trong chương trình thử nghiệm hệ thống giếng phóng mới tại Yasny thuộc căn cứ Dombarovsky". Các thông tin liên quan tới hệ thống giếng phóng mới, lẫn ICBM trang bị đều được bảo mật nhưng theo nguồn tin quân sự Nga, giếng này sẽ được dùng để phóng tên lửa Sarmat.
Nga phóng tên lửa RS-24. |
Theo nguồn tin này, hiện tên lửa Sarmat vừa hoàn tất quy trình kiểm tra thử nghiệm cuối cùng tại nhà máy và sẵn sàng được đưa vào phóng thử lần đầu tiên theo kế hoạch là ngay trong tháng 10/2017. Cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra tại căn cứ quân sự Plesetsk, tây bắc nước Nga.
SMF tiết lộ, nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, ICBM Sarmat sẽ bắt đầu được trang bị cho quân đội Nga từ năm 2019. Theo kế hoạch trang bị, các sư đoàn của Lực lượng Tên lửa chiến lược (MSF) tại vùng Krasnoyarsk và Orenburg được cho sẽ là nơi đầu tiên nhận được các tên lửa Sarmat.
Và đến khi đó, chiến lược Đòn tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ sẽ bị coi là đồ thừa. Nói về sức mạnh của tên lửa mới này, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho hay, khi ICBM Sarmat được đưa vào trang bị, đây sẽ là sự đáp trả sáng kiến chiến lược "Đòn tấn công nhanh toàn cầu" và sẽ có thể vượt qua hầu như mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây.
Theo ông Yuri Borisov, việc phát triển ICBM Sarmat đang ở giai đoạn hoàn thiện. Để giải quyết nhiệm vụ đặt ra, Nga đang tiến hành nhiều nghiên cứu vượt trước và công tác thiết kế thử nghiệm để đối phó với đòn đánh toàn cầu từ phía Mỹ.
Ông Borisov cũng khẳng định, vào cuối năm 2020 lực lượng hạt nhân chiến lược Nga sẽ được trang bị lại 100% chứ không phải là 70%. Việc phát triển ICBM hạng nặng Sarmat sẽ hoàn thành vào năm 2018-2020 và bắt đầu trang bị 1 năm sau đó.
Nói về khả năng đặc biệt của Sarmat, Thứ trưởng Yuri Borisov cho biết, tên lửa có thể bay rất xa qua Nam cực và buộc Mỹ phải xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa vòng tròn rất phức tạp.
Ngoài ra, khả năng mang tải trọng lớn của tên lửa cho phép bố trí trên tên lửa không chỉ các đầu đạn mà cả các hệ thống đột phá phòng thủ tên lửa khác nhau.
Ông Borisov cho biết, Sarmat sẽ là tên lửa có một không hai trên thế giới, có khả năng vượt qua hầu như mọi cản trở, mọi hệ thống phòng thủ tên lửa và khiến kẻ thù khiếp sợ vì có thể tấn công qua cả Bắc cực và Nam cực.
Việc Nga đổi mới lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược (hiện đang trang bị các loại ICBM Yars và Bulava) là để giáng trả sáng kiến "Đòn tấn công nhanh toàn cầu" của Mỹ.
Sáng kiến chiến lược “Đòn tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ trù tính chế tạo các hệ thống vũ khí tấn công có khả năng tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân vào mọi vị trí trên trái đất trong vòng 1 giờ.
Công cụ để thực hiện các đòn tấn công đó sẽ là các ICBM hiện đại hóa sâu, tên lửa hành trình siêu vượt âm, cũng như vũ khí nguyên lý mới (pháo laser, pháo ray điện từ...). Hiện nay, những thông số của ICBM Sarmat vẫn được Nga bảo mật, tuy nhiên theo một số nguồn tin, tên lửa Sarmat nặng 105 tấn và khả năng mang theo phần chiến đấu nặng 10 tấn.
Theo Baodatviet
TIN LIÊN QUAN |
---|