Nga yêu cầu tiêu hủy cả vũ khí hóa học của phiến quân Syria
Ngoại trưởng Nga cho rằng, tất cả vũ khí hóa học ở Syria đều phải loại bỏ, không loại trừ phe đối lập.
Trong một cuộc gặp được đánh giá mang tính "xây dựng" bên lề phiên họp lần thứ 68 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra tại New York, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhất trí tiếp tục đẩy việc tiêu hủy vũ khí hóa học của tất cả các bên ở Syria dưới sự giám sát quốc tế.
"Hiện có những quan ngại về việc phe đối lập Syria đang sở hữu các thành phần để chế tạo vũ khí hóa học", ông Lavrov nói với báo chí sau cuộc họp với đối tác của mình. "Tất cả vũ khí hóa học tại Syria phải được tiêu huỷ, bao gồm cả các chất độc hại mà phe đối lập sở hữu", Interfax trích dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov.
Ngoại trưởng Nga - Mỹ gặp nhau bên lề phiên họp lần thứ 68 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: Reuters)
Nga, Mỹ đạt được tiến triển về vấn đề Syria
Ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng, việc đưa ra một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria sẽ được tiến hành "trong khuôn khổ những thỏa thuận đã đạt được giữa Nga và Mỹ tại Geneva vừa qua ".
Nga hy vọng Nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vũ khí hóa học của Syria sẽ được thông qua ngay sau khi có quyết định của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) trong những ngày tới.
"Các cuộc đàm phán đã đạt kết quả. Chúng tôi đạt được nhận thức chung về cách tiếp cận vấn đề trong thời gian tới ", ông Lavrov nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng "OPCW đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này". Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đồng ý với Ngoại trưởng Nga khi nói, "chúng tôi đã có một cuộc họp mang tính xây dựng".
"Chúng tôi đang tiến hành công việc dựa trên thực tế. Sự thật là chính phủ Syria đã ký kết Công ước về cấm vũ khí hoá học và bày tỏ sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ của mình theo Công ước này, cũng như cung cấp cho OPCW tài liệu về các kho dự trữ vũ khí hóa học và vị trí của chúng", Ngoại trưởng Nga cho biết .
Theo ông Lavrov, các cuộc thảo luận bên lề với ông Kerry đã đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng chủ đề chính được tập trung vào việc ban hành một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, theo đó ủng hộ quyết định của OPCW.
Một trong những điểm “bất đồng” chính hiện nay là Nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Syria có bao gồm khả năng sử dụng vũ lực theo Chương 7 của Hiến chương LHQ hay không? Cho đến nay, Nga và Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối việc đưa điều khoản này vào dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Thanh tra Liên Hợp Quốc quay trở lại Syria
Liên quan đến tình hình Syria, ngày 25/9, các thanh sát viên vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc đã quay trở lại Syria để tiếp tục nhiệm vụ của mình.
"Chúng tôi rất hài lòng khi lời kêu gọi các thanh sát viên Liên Hợp Quốc trở lại Syria để tiếp tục công việc điều tra của mình được chúng tôi đưa ra đã có kết quả", Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov phát biểu trước Quốc hội Nga.
Trước đó, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã được cử đến Syria nhằm điều tra một số trường hợp bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, công việc của họ đã bị gián đoạn do cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 tại Ghouta được cho là giết chết khoảng 1.400 người. Nhóm điều tra đã chuyển hướng công việc của họ đến địa điểm xảy ra vụ tấn công trên để điều tra và đưa ra một báo cáo về vụ việc này.
Tuy nhiên, Moscow không hài lòng với cách định hướng mà Mỹ đang lèo lái bản kế hoạch do Nga đứng ra làm trung gian để giải trừ kho vũ khí hóa học của Syria.
“Mặc dù các quan chức Mỹ thỏa hiệp trong vấn đề vũ khí hóa học, nhưng họ vẫn tiếp tục nói về việc ‘chế độ Syria’ (như cách họ vẫn gọi) đã phạm tội sử dụng vũ khí hóa học mà không hề cung cấp bằng chứng đầy đủ. Họ thường xuyên bày tỏ việc cân nhắc khả năng sẽ thực hiện kế hoạch trừng phạt Damascus bằng một cuộc can thiệp quân sự vẫn có hiệu lực,” ông Sergey Ryabkov nói.
Nga tiếp tục chỉ trích bản báo cáo của phái đoàn thanh sát viên trình tại Liên Hợp Quốc vào tuần trước, theo đó một số nước phương Tây đổ lỗi cho chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad về vụ tấn công hóa học. Moscow cho rằng bằng chứng không đủ để kết luận như vậy và lập luận rằng một cuộc đánh giá toàn diện hơn đối với tình hình Syria sẽ chứng minh các phiến quân Syria có thể đã dính líu vào cả cuộc tấn công hóa học ngày 21/8 cũng như các cuộc tấn công trước đó./.
Theo VOV - ĐT