Ngăn chặn vấn nạn sách lậu
(Baonghean.vn) -Để qua mặt cơ quan chức năng cũng như các bậc phụ huynh, sách lậu cũng được các đầu nậu dán mã vạch, tem chống hàng giả… khiến người mua rất khó phân biệt.
Sách lậu tràn lan
Theo quy định hiện hành, để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng sách giáo khoa cho năm học mới, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa phải được các nhà xuất bản đủ điều kiện thực hiện. Sau khi phát hành, sách giáo khoa sẽ được chuyển đến các đơn vị cung ứng tại các địa phương.
Hiện nay, trên thị trường, ngoài các bộ sách lớp 5, 9, 12 của chương trình giáo dục phổ thông cũ, có 3 bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đưa vào giảng dạy từ năm học 2023 - 2024, gồm “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo” do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn và xuất bản và bộ “Cánh diều” do Công ty CP Đầu tư xuất bản và Thiết bị giáo dục Việt Nam hợp tác với Nhà Xuất bản Sư phạm (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), biên soạn và phát hành.
Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, cộng với giá sách cao, nhiều đối tượng đã lợi dụng tuồn sách lậu, sách giả vào thị trường. Trước tình trạng trên, ngày 7/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 593/QĐ-UBND, kiện toàn Đội liên ngành phòng, chống in lậu trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau khi được kiện toàn, Đội Liên ngành đã tăng cường tiến hành kiểm tra hoạt động in ấn, phát hành sách và các văn hóa phẩm trên địa bàn. Cụ thể, từ ngày 10/8 đến 6/9/2023 vừa qua, các thành viên của Đội Liên ngành đã đồng loạt ra quân tiến hành kiểm tra các cơ sở phát hành sách tại 10 cơ sở phát hành ở TP. Vinh và một số huyện, thị xã. Qua kiểm tra, phát hiện 4 cơ sở tại TP. Vinh và các huyện Diễn Châu, Tân Kỳ, Đô Lương đã có hành vi buôn bán sách lậu. Tại các cơ sở này, Đội Liên ngành đã phát hiện, thu giữ hàng chục đầu sách, hơn 150 xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu bị làm giả.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ các cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số xuất bản phẩm; các xuất bản phẩm bị thu hồi chủ yếu là các giáo trình, sách tham khảo… Đây là các đầu sách nghi giả mạo có hình thức tương tự như sách của các nhà xuất bản từ hình ảnh cho đến mã thẻ cào, tem chống hàng giả. Tuy nhiên, khi kích hoạt mã thẻ cào in trên sách thì được báo là không tồn tại hoặc đã sử dụng nên người sử dụng không thể khai thác được các tài liệu điện tử theo tài khoản cá nhân. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu Đội Liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền hơn 42 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Chung - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Nghệ An, cho biết: Sách giáo khoa là một mặt hàng đặc thù, ra đời dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Mặc dù vậy, do nhu cầu lớn vào đầu mỗi năm học nên nhiều đối tượng xấu vẫn cố tình tổ chức in ấn, phát tán các bộ sách lậu, sách giả. Thậm chí, nhiều đối tượng còn mua bộ sách thật của các nhà xuất bản, sau đó về trà trộn các loại sách kém chất lượng vào để kiếm lời.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh sách giáo khoa trên địa bàn” – ông Chung nhấn mạnh.
Quản lý chặt, xử lý nghiêm
Năm học 2023-2024 này là năm thay sách các lớp 4, 8 và 11; tái bản các bộ sách của các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) và tái bản các bộ sách lớp 5, 9, 12 của chương trình giáo dục phổ thông cũ (năm 2000). Trên địa bàn Nghệ An, bước vào năm học này, ước tính đã có hơn 900.000 học sinh và gần 50.000 giáo viên bước vào khai giảng năm học mới.
Với nhu cầu lớn, xấp xỉ gần 1 triệu giáo viên và học sinh, cộng với giá bán mỗi bộ sách giáo khoa giao động từ 130.000 - 370.000 đồng (tùy loại), có thể thấy, mỗi năm học, chi phí bỏ ra để mua sách giáo khoa trên địa bàn Nghệ An là rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể, ngoài sách giáo khoa, các bậc phụ huynh còn phải mua thêm các loại sách tham khảo cho con em mình học tập. Chính vì nguồn lợi rất lớn mà nhiều đối tượng đã lợi dụng tuồn sách lậu, sách kém chất lượng vào thị trường để trục lợi.
Thiếu tá Ngô Ánh Sáng - cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Nghệ An, cho biết: Lợi dụng thời điểm đầu năm học mới, tình trạng sách giáo khoa bị làm giả, kém chất lượng gia tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đội Liên ngành phòng, chống in lậu do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, bày bán các xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, sách có dấu hiệu bị làm giả… qua đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Theo một số chuyên gia, để qua mặt các cơ quan chức năng, ngoài dán tem giả, mã vạch giả, các đối tượng in lậu thường chỉ in một số cuốn sách trong cả bộ sách đã được các nhà xuất bản phát hành. Đó có thể là các cuốn sách của môn học phụ như: Mỹ thuật, Âm nhạc, sách tham khảo, sách bài tập… sau đó, trà trộn vào các bộ sách thật để bán kiếm lời. Việc mua phải những cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo giả, sách kém chất lượng sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc học của học sinh, nhất là những sai sót về nội dung, lỗi chính trị sẽ ảnh hưởng đến công tác giáo dục.
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cho biết, hàng năm, đơn vị cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất bản. Trước thềm năm học mới, Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu lực lượng trong ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng sách giáo khoa, xuất bản phẩm, đồ dùng học tập không đảm bảo chất lượng, sách giáo khoa in lậu, trôi nổi trên thị trường. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho lực lượng Quản lý thị trường phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng sách giáo khoa, xuất bản phẩm, đồ dùng học tập, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Có thể thấy rằng, mặc dù pháp luật đã có những chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi in ấn, buôn bán sách lậu, cụ thể, theo Điều 334, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản, nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù lên đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Vậy nhưng, do lợi nhuận lớn, nhiều đối tượng vẫn tìm mọi cách để hoạt động, do vậy, rất cần các biện pháp quyết liệt hơn để xử lý vấn nạn này. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, bản thân các bậc phụ huynh cũng cần tỉnh táo, nâng cao nhận thức, chỉ mua sách ở những cơ sở có uy tín, các cơ sở đã được cấp phép phát hành sách giáo khoa, không vì giá rẻ mà mua sách trôi nổi, mua sách ở những cơ sở không đảm bảo chất lượng, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”.