Ngân hàng quá lo vì dư tiền
Có thể phân loại doanh nghiệp cho vay vốn
Lời giải từ bảng cân đối tài sản doanh nghiệp
Theo phân tích của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia thì vấn đề lớn nhất và nguy hiểm nhất của nền kinh tế hiện nay chính là tình trạng doanh nghiệp suy kiệt nguồn vốn trong khi ngân hàng đóng băng tín dụng.
“Đây là mối nguy từng làm rối ren nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, thậm chí cả Nhật Bản, chứ không riêng ở Việt Nam”, ông Nghĩa cảnh báo.
Theo ông, hiện nay có thể tạm phân loại doanh nghiệp thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên là những doanh nghiệp tốt, có khả năng phục hồi sản xuất nhưng tồn kho cao. Với nhóm này, ngân hàng rất muốn cho họ vay tiếp tục đầu tư sản xuất nhưng vì lãi suất vẫn cao so với kỳ vọng, hàng hóa tồn kho chưa được giải phóng nên họ giãn, hoãn các quyết định vay đầu tư trung dài hạn mà chỉ vay vốn lưu động để cầm chừng hoạt động.
Nhóm thứ hai là số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nền kinh tế, tập trung ở khu vực tư nhân, vừa ngắc ngoải do nợ xấu cao, ít tài sản thế chấp, vừa điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm.
Ông cho rằng, muốn khắc phục tình trạng trên thì đối với nhóm thứ nhất, cần tiếp tục hạ lãi suất tiền vay thêm nữa để họ mạnh dạn vay đầu tư trung dài hạn.
Còn đối với nhóm đối tượng thứ hai, phải tìm mọi cách làm lành mạnh bảng cân đối tài sản để đưa họ trở về chuẩn mực tín dụng, bằng cách Chính phủ phải bỏ ra một khoản tiền mua lại nợ xấu của họ thì họ mới có thể vay khoản mới.
Vậy, nhà nước lấy nguồn ở đâu để xử lý? Để tránh việc gây lạm phát trong tương lai, có thể dùng nguồn từ tín phiếu ngân hàng trung ương để quay vòng vì nguồn này phần lớn từ các ngân hàng thương mại đang thừa vốn.