Ngân hàng vẫn khó “tiêu thụ” vốn

14/06/2013 14:42

Ở TP Vinh, dễ dàng thấy các băng rôn quảng cáo lãi suất cho vay ưu đãi dành cho khách hàng; ưu đãi chỉ 6%/năm trong 6 tháng đầu, có nghĩa là thấp hơn cả lãi suất huy động. Điều đáng nói ở đây: thay vì cạnh tranh huy động vốn như các năm trước, nay các ngân hàng lại cạnh tranh hoạt động cho vay.

(Baonghean) - Ở TP Vinh, dễ dàng thấy các băng rôn quảng cáo lãi suất cho vay ưu đãi dành cho khách hàng; ưu đãi chỉ 6%/năm trong 6 tháng đầu, có nghĩa là thấp hơn cả lãi suất huy động. Điều đáng nói ở đây: thay vì cạnh tranh huy động vốn như các năm trước, nay các ngân hàng lại cạnh tranh hoạt động cho vay.

Từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay của ngân hàng đã liên tục điều chỉnh hạ tới mức thấp nhất trong những năm gần đây, và mối quan tâm hiện nay của các doanh nghiệp đã không còn là vấn đề lãi suất vốn vay, mà điều sống còn đối với họ là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Và vì không có đầu ra, khiến doanh nghiệp không có nhu cầu về vốn. Còn ngân hàng thì rất khó để tìm được một doanh nghiệp có năng lực tài chính lành mạnh, có phương án sản xuất, kinh doanh và có tài sản đảm bảo để sẵn sàng cho vay vốn giá rẻ nhất. Không ít ngân hàng tỏ ra lo lắng về hoạt động cho vay ngày càng khó khăn như hiện nay. Trên thực tế, một số doanh nghiệp khả thi, được các ngân hàng săn đón, mời chào lãi suất cho vay hấp dẫn. Lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay, trước đây đơn vị khá vất vả trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, nay gần như ngày nào cũng “được” nhân viên ngân hàng gọi điện mời vay vốn ưu đãi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Viết Phong – Phó Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Trung Đô chia sẻ: Đến nay, nguồn vốn huy động của Chi nhánh tăng 20% so với đầu năm, trong khi đó cho vay ra gần như không tăng so với thời điểm 31/12/2012. Tháng 5 và tháng 6 có dấu hiệu khởi sắc hơn ở nhóm doanh nghiệp nhỏ, hộ tư nhân cá thể vay sản xuất, kinh doanh. Còn các doanh nghiệp lớn vẫn rất khó khăn. Những doanh nghiệp mà ngân hàng muốn cho vay thì bản thân doanh nghiệp đó lại không có nhu cầu vay vốn, bởi chưa tìm được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Hiện tại, các doanh nghiệp đang cầm cự, chưa tìm thấy phương án khả thi để đầu tư lâu dài.

Tại Chi nhánh Vietcombank Trung Đô, lãi suất cho vay phổ biến hiện nay là 10%/ năm, áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời có những gói lãi suất cho vay 8%/năm và 9%/năm, áp dụng cho khách hàng có mức độ tín nhiệm cao và sử dụng các dịch vụ của Vietcombank. Tuy nhiên, những đối tượng lọt vào tốp này thì nhu cầu vốn của họ không nhiều.



Tình trạng dư thừa vốn đang phố biến tại các ngân hàng. (ảnh có tính minh hoạ)

Ông Lê Quỳnh An – Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương chi nhánh Vinh cho biết: Hiện nay, các ngân hàng đều có các chương trình hạ lãi suất để thu hút khách hàng song vẫn rất ít khách vay. Tại Chi nhánh chúng tôi có gói lãi suất cho vay ưu đãi 6,8%/năm đối với khách hàng được xếp hạng AA, mặc dù đã thông báo rộng rãi suốt mấy tháng nay, nhưng rất ít khách hàng vay, không phải vì điều kiện vay mà bởi khách hàng không có nhu cầu vốn. Trong bối cảnh này, hiện nhiều ngân hàng đang dư thừa tiền nhưng không cho vay ra được.

Giám đốc doanh nghiệp Song Thắng (KCN nhỏ Nghi Phú) bộc bạch: “Là đơn vị chuyên sản xuất ván sàn và hàng nội thất giường, tủ, bàn ghế… phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa có uy tín lâu năm, song năm nay quả thực vô cùng khó khăn đối với doanh nghiệp. Với doanh nghiệp chế biến gỗ thì áp lực cạnh tranh cả đầu vào - đầu ra đều khó, có khi tìm được đối tác đặt hàng thì lại không mua được nguyên liệu theo yêu cầu. Kinh tế suy yếu, đầu ra rất khó khăn, thị trường nước ngoài giảm nhu cầu tiêu thụ, thị trường trong nước càng ngưng trệ trầm trọng. Sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu, đến thời điểm hiện nay hàng xuất khẩu giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, hàng tiêu thụ nội địa giảm tới 60 – 70% so với cùng kỳ năm 2012. Theo đó, lực lượng lao động sản xuất cũng phải cắt giảm 30% do thiếu việc làm. Đầu ra khó khăn là nguyên nhân khiến chúng tôi không dám mở rộng đầu tư sản xuất, vì vậy hấp thụ vốn cũng hạn chế”.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết, đến đầu tháng 6/2013, huy động vốn toàn địa bàn tăng 13% so với đầu năm, trong khi đó tăng trưởng tín dụng chung toàn địa bàn khoảng 8%, trong đó khối thương mại nhà nước đạt khoảng 3%. Một số ngân hàng tăng trưởng dư nợ âm so với đầu năm như Chi nhánh Ngân hàng Công thương Nghệ An, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bến Thuỷ, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nghệ An…

Tình trạng huy động vốn tăng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn “ì ạch”, chứng tỏ một lượng vốn không nhỏ vẫn dùng vào việc đảo nợ và chạy lòng vòng trong thị trường tài chính. Những tháng đầu năm 2013, dù các ngân hàng thương mại đã tung ra những chương trình tín dụng với lãi suất giảm mạnh, vẫn chưa thể làm gia tăng tín dụng theo kỳ vọng.


Bài, ảnh: Quỳnh Lan

Ngân hàng vẫn khó “tiêu thụ” vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO