Ngăn ngừa tội phạm tuổi vị thành niên
(Baonghean) - Mặc dù công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2012, Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý 109 vụ với 133 bị cáo là người chưa thành niên. Trong đó, tội giết người 13 vụ, 16 bị cáo; nhóm tội xâm phạm sở hữu 70 vụ, 85 bị cáo; cố ý gây thương tích 5 vụ, 9 bị cáo; tội phạm ma túy 11 vụ, 11 bị cáo; hiếp dâm 1 vụ, 1 bị cáo… Điều đáng nói là, qua các vụ án cho thấy thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản là sự bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi.
Hẳn nhiều người chưa quên vụ án mạng xảy ra tối 6/8/2012, tại xóm 1, xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu). Chỉ vì không bán được chiếc điện thoại cũ với giá mà mình muốn cho anh Nguyễn Văn Lạng nên Phan Văn Quang (SN 1996), trú ở xóm 9, xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu đã nung nấu ý định trả thù ác độc. Quang đã thủ một cái liềm đến nhà nhờ anh Lạng lấy xe ô tô chở đi, khi đến khu vực vắng, từ phía sau Quang lấy liềm cứa vào cổ anh Lạng khiến anh Lạng tử vong.
Cảnh sát cơ động Công an tỉnh tuần tra kiểm soát trên địa bàn TP. Vinh.
Ngày 3/7/2012, Công an huyện Nam Đàn bắt khẩn cấp Mai Văn Cường (SN 1997, trú tại xóm 2, xã Nam Thanh, Nam Đàn) về hành vi “hiếp dâm trẻ em”. Sáng 28/6, Mai Văn Cường rủ cháu Nguyễn Thị T (SN 2003, trú cùng xóm) đi bắt ốc rồi đưa T tới cánh đồng Quy Chính thuộc xã Vân Diên. Tại một lều vịt bên cạnh ao, Cường đã thực hiện hành vi giao cấu trong sự chống đỡ yếu ớt của cháu T.
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, người chưa thành niên phạm tội gia tăng trong thời gian gần đây phần lớn do các em có lối sống hưởng thụ quá sớm, xem nặng giá trị vật chất, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Bên cạnh đó, do cách giáo dục chưa đến nơi đến chốn từ phía gia đình, nhà trường. Nhiều em do không làm chủ được bản thân nên bị bạn xấu rủ rê, một số khác nghiện game, ma túy và chịu ảnh hưởng của mạng Internet nên thường xuyên tiếp xúc với các loại phim cấm như sex, bạo lực…
Ngoài ra, còn phải kể đến một số nguyên nhân khác như do điều kiện gia đình khó khăn, các em phải nghỉ học phụ giúp gia đình kiếm sống bằng nhiều cách, thiếu sự quản lý của gia đình; sự bất bình đẳng trong gia đình làm phát sinh tâm lý bi quan, chán nản ở các em... Đó là những nguyên nhân quan trọng tác động tới nhận thức cũng như hành vi của các em, lí giải vì sao nhiều em tuổi đời tuy còn quá trẻ nhưng đã gây ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hình thành băng ổ nhóm phạm tội có tổ chức, có tính toán kỹ về phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng gia tăng.
Thượng tá Võ Đức Xuân- Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cho rằng: Vấn đề phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội trước hết phải tiến hành từ mỗi gia đình. Những người thân trong gia đình nếu không gương mẫu trong sinh hoạt, xử sự trái các chuẩn mực đạo đức xã hội, có thái độ dung túng hành vi vi phạm pháp luật sẽ là nguồn gốc làm nảy sinh ý thức và hành vi phạm tội của các em. Vì vậy, với trẻ ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần phải hiểu và thông cảm, luôn gần gũi, chia sẻ với con, thường xuyên theo dõi mọi sự thay đổi của con. Tùy theo sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi mà có biện pháp giáo dục phù hợp. Các bậc cha mẹ cần quan tâm đặc biệt để định hướng, điều chỉnh với diễn biến tâm lý, không để trẻ tự do phát triển nhân cách.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng ngoài vai trò của gia đình, hơn bao giờ hết cần sự quan tâm từ phía nhà trường và xã hội trong vấn đề giáo dục, định hướng trẻ có nhận thức đúng, có hành vi phù hợp. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể cần thực sự phát huy vai trò để lôi cuốn các em vào các hoạt động bổ ích, trang bị những kiến thức về kỹ năng sống, giúp các em có "sức đề kháng" trước những tệ nạn xã hội. Mặt khác, để giúp người chưa thành niên phạm tội nhận ra lỗi lầm và sửa chữa, trở thành người có ích cho xã hội, thiết nghĩ việc xét xử người chưa thành niên phải ở trong môi trường thân thiện để cảm hóa. Đặc biệt, xã hội cần tạo mọi điều kiện, không nên có thành kiến với trẻ thành niên phạm tội sau khi họ chấp hành xong hình phạt, cần có biện pháp hỗ trợ, giúp họ học nghề, có việc làm ổn định để tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích.
Bài, ảnh: Quảng An