Ngành Công Thương Nghệ An khẳng định vị trí quan trọng của nền kinh tế

Thu Huyền 13/05/2021 17:31

(Baonghean.vn) - Ngày 13/10/1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời được 1 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công Thương Việt Nam. Sau đó, ngày 14/5/1951, trước yêu cầu của lịch sử, Người đã ký Sắc lệnh 21 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Từ đây, ngành Công Thương Việt Nam nói chung và ngành Công Thương Nghệ An nói riêng bắt đầu mở ra trang sử vẻ vang của mình.

70 năm qua, hòa cùng dòng chảy lịch sử, ngành Công Thương Nghệ An đã trải qua nhiều lần tách - nhập bộ máy. Nhưng, dù ở bất cứ giai đoạn nào, với tên gọi có thể không giống nhau, Công Thương vẫn là đơn vị đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động ngành Công Thương Nghệ An đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt, giai đoạn 2008 - 2020 gần đây, trong bối cảnh bắt đầu thực hiện cam kết về gia nhập WTO với nhiều cơ hội, thách thức, song phát huy thành tựu đạt được, ngành Công Thương tiếp tục phấn đấu và nhiều chỉ tiêu kinh tế thuộc ngành đạt mức tăng trưởng khá.

Lãnh đạo sở Công thương thăm dây chuyền dệt may ở xã Thanh Chi (Thanh Chương). Ảnh: Việt Phương
Lãnh đạo Sở Công Thương thăm dây chuyền dệt may ở xã Thanh Tiên (Thanh Chương). Ảnh: Thu Huyền

Công nghiệp chuyển dịch đúng hướng

Thực hiện các mục tiêu về phát triển công nghiệp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XV, XVI đã đề ra, việc đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp được tập trung thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh cho ngành, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm, riêng năm 2011 có sự tăng trưởng đột phá và năm 2017 đạt mức tăng khá cao nhờ một số dự án quy mô lớn hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Năm 2020, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng công nghiệp Nghệ An vẫn đạt tăng trưởng ở mức cao so với nhiều địa phương khác trong cả nước, chỉ số IIP năm 2020 đạt 6,36%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng bình quân 16,90%, đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp; ngành khai khoáng tăng 1,21%; sản xuất và phân phối điện tăng 22,41%; cung cấp và xử lý nước thải, rác thải tăng 13,80%.

Theo đánh giá, sản xuất công nghiệp giai đoạn 2008-2020 tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước và khu vực. Cơ cấu công nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) tăng từ 24,5% năm 2011 lên 33,5% năm 2020. Cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần công nghiệp khai khoáng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tại các Nhà máy tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các nhà máy ở Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Thu Huyền

Hoạt động thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, đã thu hút được một số tập đoàn và dự án có quy mô lớn, có tác động mạnh đến nền kinh tế cả tỉnh, là tiền đề quan trọng để thu hút các nhà đầu tư vào Nghệ An. Hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, hạ tầng, chính sách hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được xây dựng và ban hành đầy đủ và ngày càng đồng bộ có tác dụng khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thương mại, xuất khẩu sôi động

Giai đoạn 2008 - 2020 hoạt động thương mại diễn ra rất sôi động, hàng hóa lưu thông trên thị trường phong phú, đa dạng, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường. Qua đó, đóng góp vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, kết nối sản xuất và tiêu dùng, tác động tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tính chung giai đoạn 2010-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá hiện hành đạt 338.899 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 15,77%. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 7.422,1 tỷ đồng, dịch vụ khác năm 2020 ước đạt 5.988,9 tỷ đồng.

Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động trên địa bàn thành phố Vinh đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Thu Huyền
Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động trên địa bàn thành phố Vinh đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Thu Huyền

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 5.000 doanh nghiệp, 55.000 hộ kinh doanh thường xuyên trong 298 chợ, 23 siêu thị, trên 65.719 cửa hàng, ki-ốt đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng và phát triển kinh tế. Công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu dùng và mở rộng thị trường hàng nội địa, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả.

Lĩnh vực xuất khẩu đã có những đóng góp đáng kể vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có bước tăng trưởng đáng kể từ 386,3 triệu USD năm 2010 lên 1.110 triệu USD năm 2020, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,8%/năm, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2010 đạt 168 triệu USD, đến năm 2020 đạt 810 triệu USD. Ngành đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài với các đối tác, cùng với nhiều giải pháp khác... giúp một số mặt hàng xuất khẩu giữ được ổn định và tăng trưởng. Đến hết năm 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường 130 nước, vùng lãnh thổ, đây là sự nỗ lực lớn của ngành, cũng như các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu trở thành tỉnh khá

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, ngành Công Thương luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, quản lý bao trùm nhiều lĩnh vực, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước cũng như chăm lo đời sống cho nhân dân.

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương

Thời gian tới, ngành Công Thương tập trung nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, phát triển Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Mây tre đan do các làng nghề trên địa bàn tỉnh sản xuất. Ảnh: Thu Huyền
Mây tre đan do các làng nghề trên địa bàn tỉnh sản xuất. Ảnh: Thu Huyền

Một số nhiệm vụ mà ngành Công Thương tập trung thực hiện trong giai đoạn tới:

Lĩnh vực công nghiệp: Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Hình thành cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu gắn với chuỗi giá trị trong khu kinh tế, khu công nghiệp. Thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường; phát triển hạ tầng cung cấp điện phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và đồ uống gắn với vùng nguyên liệu để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín. Phát triển công nghiệp dược phẩm để khai thác tiềm năng nguồn nguyên liệu dược khu vực miền Tây Nghệ An. Phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu nhằm nâng cao hệ số thu hồi khoáng sản và hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Lĩnh vực thương mại: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa của địa phương. Thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng của tỉnh. Chú trọng phát triển thương mại điện tử, gắn với các loại hình thương mại truyền thống phù hợp với xu thế phát triển. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa bình quân 10 - 11%/năm.

Nhà máy dệt may đã được đầu tư ở nhiều địa phương, thu hút nguồn lao động tại chỗ. Ảnh: Thu Huyền
Nhà máy dệt may đã được đầu tư ở nhiều địa phương, thu hút nguồn lao động tại chỗ. Ảnh: Thu Huyền

Ghi nhận những thành tích đã đạt được, trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba ngành Thương mại Nghệ An (năm 1983); Huân chương Lao động hạng Nhì ngành Thương mại Nghệ An (năm 1996); Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở Công nghiệp tỉnh Nghệ An (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng Ba cho Sở Công Thương tỉnh Nghệ An (năm 2011); Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND tỉnh.

Mới nhất

x
Ngành Công Thương Nghệ An khẳng định vị trí quan trọng của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO