Ngành điện còn nợ dân nhiều câu hỏi
(Baonghean.vn) - Phần chất vấn Sở Công thương xoay quanh nội dung chủ yếu là vấn đề bàn giao lưới điện nông thôn, quy hoạch thủy điện, vận hành xả lũ thủy điện, giá điện và chất lượng điện…
Ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc Sở Công thương đã giải trình những ý kiến chất vấn đại biểu HĐND tỉnh về một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quy hoạch đầu tư xây dựng, cơ chế vận hành xả lũ, việc phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương trong công tác khôi phục bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai của các nhà máy thủy điện, của hệ thống hồ, đập trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến sự ổn định của đời sống nhân dân.
Đại biểu chất vấn ngành Công thương |
Ông Tịnh cho biết, Nghệ An có 43 dự án thủy điện đã phê duyệt, tổng công suất 1404,8MW bao gồm các dự án do Thủ tướng, Bộ Công Thương và UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức, rà soát lại các dự án, trong đó đã chú trọng tới vấn đề ảnh hướng diện tích đất canh tác, đất trồng lúa, trồng rừng. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh và kiến nghị Bộ công thương rà soát và loai bỏ 21 dự án thủy điện quy mô nhỏ không đảm bảo đầu tư ở các huyện miền Tây. Bên cạnh đó, Bộ đang xem xét rút giấy chứng nhận thủy điện Nậm Típ, Yên Thắng. Đến nay, có 8 dự án đã vận hành, phát điện. Trong năm 2013, các nhà máy trên địa bàn tỉnh không thực hiện việc xả lũ.
Ông Phan Thanh Tịnh cũng giải trình về nội dung tiến độ bàn giao quản lý và hoàn trả kinh phí đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn cho người dân còn quá chậm; giá cả, chất lượng điện cung cấp không đảm bảo, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Công ty Điện lực Nghệ An đã tiếp nhận hệ thống lưới điện của 357 xã, phường, thị trấn, còn lại 107 xã chưa tiếp nhận. Theo dự kiến đến tháng 12/2013 sẽ tiếp nhận thêm 31 xã, năm 2014, tiếp nhận toàn bộ các xã đồng ý bàn giao còn lại,...
Ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc Sở công thương trả lời chất vấn. |
Ngay giải trình của ông Tịnh, các đại biểu liền đưa ra những câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, đoàn Thanh Chương và đại biểu Phan Tiến Phương (huyện Nghĩa Đàn) đề nghị làm rõ: Hiện nay có bao nhiêu xã đã được hoàn trả tiền vốn đầu tư hạ tầng lưới điện cho dân, bao nhiêu xã chưa được hoàn trả, lí do, trách nhiệm thuộc về ai? Ông Phan Thanh Tịnh thừa nhận, hiện chưa có xã nào được hoàn trả vì thủ tục đang được điện lực và các xã thực hiện theo thông tư 06 của liên Bộ Công Thương và Tài Chính.
Cái khó khăn nhất hiện nay là do thiếu hồ sơ gốc, hóa đơn, chứng từ. Hiện nay, Sở Công thương đang đề xuất với Bộ Công thương có phương án xử lí như và tuyệt đối không có chuyện dựng hồ sơ khống để được hoàn trả. Vấn đề người dân ở gần các nông lâm trường, các tổng đội TNXP phải sử dụng điện với giá quá cao, ông Phan Thanh Tịnh hứa sẽ giao cho điện lực kiểm tra, rà soát và xử lí. Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành Công thương không nói rõ được thời gian cụ thể hoàn thành việc hoàn vốn cho người dân, cũng như xử lí dứt điểm tình trạng người dân sống gần các nông, lâm trường, tổng đội xung phong phải sử dụng điện với giá quá cao. Ông Tịnh khẳng định, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Công ty Điện lực Nghệ An.
Tại phiên chất vấn, ông Trịnh Phương Trâm, Giám đốc Công ty điện lực Nghệ An được đoàn chủ tịch đề nghị trả lời cho đại biểu và cử tri rõ các vấn đề liên quan. Ông Trâm cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong vấn đề hoàn vốn đầu tư lưới điện nông thôn là thông tư 06 quy định các thủ tục để hoàn vốn như hồ sơ gốc, hóa đơn, chứng từ. Hiện nay, Công ty đã có kiến nghị lên Bộ xin điều chỉnh một số quy định này nhưng chưa biết có được chấp nhận hay không. Vấn đề người dân phải sử dụng giá điện quá cao, ông Trịnh Phương Trâm khẳng định sẽ xử lí trong thời gian sớm nhất để đảm bảo quyền lợi được sử dụng điện đúng giá quy định cho người dân.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng yêu cầu Sở Công thương trả lời cụ thể về các giải pháp nâng cao chất lượng điện, đầu tư cải tạo sửa chữa lưới điện; một số dự án điện đang triển khai dở dang; rà soát, thu hồi một số thủy điện không hiệu quả; việc xả lũ cần phải có sự tính toán về lợi ích của người dân và lợi ích của doanh nghiệp; cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa Sở NN&PTNT và Sở Công thương trong việc vận hành thủy điện, nên thành lập phòng điều tiết nước để vận hành, quản lí nước ở các hồ đập một cách có hiệu quả,…
Kết thúc phiên chất vấn sáng nay, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng liên quan tiếp tục trả lời bằng văn bản những vấn đề chưa rõ ràng và những câu hỏi chất vấn của đại biểu chưa được trình bày tại phiên chất vấn hôm nay, gửi Thường trực HĐND tỉnh trả lời cho đại biểu và cử tri.
Nguyên Khoa – Đào Tuấn