Ngành giáo dục Nghệ An yêu cầu các trường không tạo áp lực đối với học sinh trong kiểm tra, đánh giá
Nâng cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực với học sinh là yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đặt ra với các giáo viên trong bối cảnh các nhà trường không còn tổ chức việc dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29.
Nêu cao trách nhiệm
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa có văn bản tăng cường công tác chỉ đạo dạy học đối với học sinh THCS, THPT và ôn tập cho học sinh các lớp cuối cấp ở Nghệ An.
Văn bản được đưa ra trong bối cảnh từ ngày 14/2, các trường học không tổ chức dạy thêm, học thêm và chỉ tổ chức dạy miễn phí với 3 đối tượng là phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh cuối cấp.
![dsc02325(1).jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/20/dsc02325(1).jpg)
Từ thực tế trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị cốt cán và thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm học kỳ 2, năm học 2024-2025, trong đó, tập trung các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tham gia tốt Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo đó, Sở yêu cầu các nhà trường cần quán triệt cho cán bộ quản lý, giáo viên về tinh thần, trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn học kỳ 2, năm học 2024 - 2025 trong bối cảnh năm học đã triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đủ các khối lớp và các kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức theo chương trình mới.
Bên cạnh đó, cần nỗ lực, quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em trong các kỳ thi. Thường xuyên động viên cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực vì học sinh để nâng cao chất lượng trong từng tiết dạy, trong mỗi nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Theo hướng dẫn của Sở, trong quá trình thực hiện cần phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh và tổ chức thực hiện theo các nội dung liên quan đến việc dạy thêm, học thêm nhằm tạo sự chia sẻ, ủng hộ, đồng thuận.
Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để phản ánh kịp thời về Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bài kiểm tra không được quá tải về kiến thức
Do không tổ chức học thêm nên trong văn bản này, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng yêu cầu các nhà trường cần đảm bảo chất lượng dạy học trên lớp. Qua đó, cần thực hiện nghiêm túc chương trình các môn học, hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt.
Quá trình dạy học, cần xác định các kiến thức cốt lõi, các năng lực đặc thù của từng môn học, ưu tiên thời gian tổ chức dạy trên lớp để hình thành cho học sinh.
![bna_giao-vien-truong-thcs-yen-khe-con-cuong-tu-nguyen-day-them-mien-phi-cho-hoc-sinh.-anh-my-ha.(1).jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/20/bna_giao-vien-truong-thcs-yen-khe-con-cuong-tu-nguyen-day-them-mien-phi-cho-hoc-sinh.-anh-my-ha.(1).jpg)
Ngoài ra, bên cạnh việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cần quan tâm, đẩy mạnh việc hướng dẫn học sinh tự học: cách thức thực hiện, giải quyết vấn đề; cách thức ghi chép, hệ thống và ghi nhớ kiến thức trọng tâm; phương pháp tìm kiếm thông tin, tài liệu, ngữ liệu; xây dựng kế hoạch tự học phù hợp năng lực cá nhân,…
Trong dạy học, khi giao nhiệm vụ tự học cho học sinh cần rõ về mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt được và định hướng phương pháp thực hiện. Việc hình thành năng lực tự học cho học sinh phải được thực hiện từng bước, có quá trình, phù hợp với năng lực, độ tuổi và đặc thù môn học. Tăng cường phối hợp giữa giáo viên với phụ huynh trong việc theo dõi, nắm bắt thông tin, hỗ trợ học sinh tự học.
Nhà trường chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên thực hiện biên soạn các dạng thức câu hỏi, đề kiểm tra đánh giá định kỳ, bài thi đánh giá năng lực để phục vụ cho quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá. Các câu hỏi, đề kiểm tra đánh giá định kỳ, bài thi đánh giá năng lực phải bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, không tạo nên sự quá tải về kiến thức, gây khó khăn cho học sinh.
Câu hỏi sử dụng trong quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá phải bám sát các năng lực đặc thù của môn học với các cấp độ tư duy phù hợp và cần tiếp cận với các dạng thức câu hỏi đánh giá năng lực theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Ưu tiên cho giáo viên và học sinh cuối cấp
Riêng đối với lớp 9 và lớp 12, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục THCS tổ chức cho học sinh lớp 9 đăng ký ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo các môn thi đã được Sở công bố; các trường THPT tổ chức cho học sinh lớp 12 đăng ký ôn tập theo môn thi tốt nghiệp, trên cơ sở đó sắp xếp lớp ôn tập phù hợp.
Quá trình thực hiện cần kịp thời thực hiện việc rà soát, đánh giá năng lực học sinh; xác định các vấn đề cần bồi dưỡng, bổ sung, nâng cao để điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập. Tổ, nhóm chuyên môn rà soát, điều chỉnh nội dung ôn tập phù hợp với thời lượng, đối tượng và hình thức ôn tập.
![bna_gio-hoc-ngoai-ngu-cua-hoc-sinh-truong-pt-dan-toc-ban-tru-thcs-thong-thu-que-phong.-anh-my-ha(1).jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/20/bna_gio-hoc-ngoai-ngu-cua-hoc-sinh-truong-pt-dan-toc-ban-tru-thcs-thong-thu-que-phong.-anh-my-ha(1).jpg)
Giáo viên cũng cần hướng dẫn học sinh xây dựng đề cương ôn tập; tham gia luyện tập trên hệ thống thi trực tuyến của Sở và trên các hệ thống luyện trực tuyến khác. Tăng cường các giải pháp để triển khai cho học sinh tham gia thi thử miễn phí trên hệ thống thi trực tuyến theo Công văn số 182/SGD&ĐT-GDTrH ngày 05/02/2025 của Sở GD&ĐT. Các trường chỉ đạo giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh kỹ thuật làm bài thi; rút kinh nghiệm sau mỗi bài thi, từ đó rà soát và bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các em.
Chuẩn bị cho các kỳ thi, Sở cũng yêu cầu các nhà trường tích cực biên soạn câu hỏi, đề thi theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để phục vụ ôn tập cho học sinh và kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, yêu cầu tổ, nhóm chuyên môn của các nhà trường cần xây dựng 1 đề thi (kèm đáp án)/môn thi, với phạm vi chương trình đến hết lớp 12, gửi về Sở trước ngày 3/3/2025 để Sở xây dựng ngân hàng đề thi, câu hỏi dùng chung cho các trường THPT sử dụng trong dạy học, kiểm tra đánh giá, ôn tập và thi thử cho học sinh.
Để giáo viên có quỹ thời gian tập trung ôn tập cho học sinh, các nhà trường cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh phân công chuyên môn để hướng đến ưu tiên cho giáo viên dạy các lớp cuối cấp có môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Ngoài ra, động viên cán bộ quản lý, giáo viên chia sẻ với những khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm để ôn tập cho học sinh, hướng dẫn, hỗ trợ các em trong quá trình ôn tập.
Việc dừng dạy thêm, học thêm ở các nhà trường sẽ khiến các trường học gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch dạy học. Vì thế, trong thời điểm này, Sở mong các giáo viên cần nêu cao trách nhiệm, nỗ lực tổ chức các buổi ôn tập miễn phí cho học sinh cuối cấp. Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá cần phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình, không tạo áp lực cho học sinh.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo